Trung Quốc và Liên minh châu Âu: Cùng có lợi hay được - mất?

Trung Quốc và Liên minh châu Âu: Cùng có lợi hay được - mất?
9 giờ trướcBài gốc
Leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU
Ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến công du tại châu Âu, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thông báo áp dụng mức thuế chống bán phá giá vĩnh viễn ở mức 34,9% đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, bao gồm cả rượu cognac của Pháp. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 5/7 và sẽ được duy trì trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc đưa ra một số ngoại lệ đáng chú ý. Theo Bộ Thương mại nước này, 34 nhà sản xuất rượu mạnh của EU sẽ được miễn áp thuế nếu tuân thủ đầy đủ các cam kết giá cả đã được xác lập trước đó. Trong số các doanh nghiệp được miễn thuế có những thương hiệu nổi bật như Martell (thuộc sở hữu của tập đoàn Pernod Ricard) và Rémy Martin (của Rémy Cointreau).
Đáng lưu ý, thuế chống bán phá giá sẽ không được áp dụng hồi tố đối với các lô hàng rượu mạnh của EU nhập khẩu trong khoảng thời gian từ ngày 11/10/2024 - thời điểm áp dụng mức thuế tạm thời - đến ngày 4/7/2025.
Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu, ông Olof Gill, đã phản đối quyết định này, cho rằng các biện pháp của Bắc Kinh là “không công bằng và vô căn cứ”.
Mức thuế tạm thời trước đó là 39%, được Trung Quốc áp dụng kể từ tháng 10/2024 trong khuôn khổ một cuộc điều tra chống bán phá giá. Về hình thức, cuộc điều tra được tiến hành dựa trên đơn kiến nghị của Hiệp hội Rượu vang Trung Quốc, đệ trình cách đây một năm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái này được nhìn nhận là một phần trong chuỗi biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc nhằm đáp trả việc EU thông qua chính sách áp thuế đối với ô tô điện Trung Quốc. Ngoài thuế rượu mạnh, Bắc Kinh cũng đã đề xuất áp thuế đối với các sản phẩm thịt và sữa của EU, đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Động thái của Bắc Kinh diễn ra sau khi EU chính thức thông qua mức thuế vĩnh viễn lên đến 35,3% đối với ô tô điện Trung Quốc vào cuối tháng 10/2024, phản ánh một chu kỳ trả đũa lẫn nhau. Trước đó, Pháp đã nỗ lực vận động nhằm ngăn chặn việc áp thuế đối với rượu mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề này đã được nêu trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, từ chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Bắc Kinh năm 2023 cho đến chuyến làm việc của Thủ tướng Pháp François Bayrou vào tháng 1/2025.
Bất chấp những nỗ lực đối thoại, mất cân bằng thương mại giữa EU và Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm gây căng thẳng. Theo Eurostat, trong năm 2024, EU ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa lên tới 304,5 tỷ Euro với Trung Quốc - xuất khẩu đạt 213,3 tỷ Euro trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 517,8 tỷ Euro. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhẹ 0,5% và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 4,5%, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU về nhập khẩu và đứng thứ ba về xuất khẩu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận xu hướng này: tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 785 tỷ USD (+0,4%), trong đó Trung Quốc xuất khẩu sang EU 516,46 tỷ USD (+3%) và nhập khẩu 269,36 tỷ USD (-4,4%).
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và lãnh đạo chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas tại Brussels hôm 3/7 trong khuôn khổ đối thoại EU-Trung Quốc lần thứ 13 phản ánh nỗ lực nối lại hợp tác, nhưng cũng phơi bày khác biệt lớn. Bà Kallas nhấn mạnh yêu cầu “giảm mất cân bằng thương mại”, dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm, ngừng hỗ trợ Nga, và ủng hộ lệnh ngừng bắn không điều kiện ở Ukraine. Trong khi đó, nhà ngoại giao Trung Quốc bác bỏ vấn đề đất hiếm và khẳng định Trung Quốc không hỗ trợ tài chính hay quân sự cho Moscow.
Đáng chú ý, theo Bloomberg, hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm quan hệ EU-Trung Quốc ban đầu dự kiến kéo dài hai ngày (24-25/7), đã bị Bắc Kinh rút ngắn chỉ còn một ngày - động thái được cho là phản ánh mức độ căng thẳng và thiếu đồng thuận giữa hai bên.
Thỏa thuận khó, khác biệt lớn
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU diễn ra trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng phân mảnh, đặc biệt là dưới chính sách “ưu tiên song phương” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ tháng 4, Washington bắt đầu áp thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác chính, bao gồm cả EU và Trung Quốc. EU được miễn trừ tạm thời trong 90 ngày - hạn chót đến ngày 9/7.
Theo Wall Street Journal, Mỹ đề xuất EU áp mức thuế chung 10% nhằm thống nhất mặt trận thương mại, nhưng châu Âu tỏ ra hoài nghi khả năng đạt thỏa thuận. Trong khi đó, Mỹ đã giảm thuế đối với Trung Quốc từ 120% xuống còn 54% vào tháng 5 và tăng cường gây sức ép qua các nước thứ ba.
Giới quan sát nhận định, căng thẳng thương mại leo thang giữa EU và Trung Quốc không chỉ là hệ quả của các biện pháp thuế quan đơn lẻ, mà phản ánh sự khác biệt mang tính cấu trúc trong tư duy chiến lược và nhận thức lợi ích giữa hai bên.
Sergei Lukonin, Trưởng bộ phận Kinh tế và Chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng một cuộc đối đầu thương mại là không thể tránh khỏi. Ông lý giải: trong khi châu Âu ngày càng tập trung vào việc bảo hộ những ngành công nghiệp, thì Trung Quốc, đối mặt với thị trường Mỹ ngày càng đóng kín, buộc phải tìm kiếm các thị trường tiêu thụ thay thế - trong đó châu Âu là lựa chọn ưu tiên. Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc khiến EU trở thành “kênh cân bằng” quan trọng để Bắc Kinh duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Sergei Lukonin, bên cạnh các lợi ích kinh tế thuần túy, châu Âu đang lồng ghép các yêu cầu chính trị và giá trị, mà Bắc Kinh không thể chấp nhận. Việc EU gắn kết các yêu cầu như chấm dứt hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột Ukraine hay dỡ bỏ hạn chế đất hiếm, vào các thỏa thuận thương mại đã tạo ra điểm nghẽn lớn. Tờ Vedomosti dẫn nhận định của Sergei Lukonin: “Bắc Kinh đến với EU bằng thông điệp cùng làm giàu và phát triển, trong khi châu Âu lại vận hành theo logic được - mất”.
Trong khi đó, Artem Sokolov, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Quốc tế MGIMO, cho rằng EU đang lặp lại những sai lầm trong chiến lược truyền thông và thiết lập chương trình nghị sự với Trung Quốc. Theo ông, các nhà đàm phán từ châu Âu thường đánh giá quá cao khả năng thuyết phục của các luận điểm của mình, trong khi lại không đủ nhạy bén để phản ánh đúng thực tế địa chính trị và tâm lý đối tác.
Rõ ràng, bất chấp sự tồn tại của “đối thủ chung” là chính sách thuế quan cao từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, EU và Trung Quốc vẫn chưa thể tận dụng cơ hội để thiết lập một mặt trận thương mại thống nhất hay một khuôn khổ đối thoại bền vững.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/trung-quoc-va-lien-minh-chau-au-cung-co-loi-hay-duoc-mat-254056.htm