Trang trại năng lượng mặt trời tại Tân Cương (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), tổng công suất năng lượng tái tạo của nước này tính đến cuối tháng 5-2025 đạt 2,09 tỷ kW, tăng 103% so với đầu kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Như vậy, trong chưa đến 4 năm, Trung Quốc đã nhân đôi quy mô năng lượng "sạch", tương đương mức tăng trưởng trung bình hơn 1 GW mỗi ngày. Con số này bao gồm sự bùng nổ của cả điện mặt trời và điện gió. Riêng tháng 5-2025, nước này đã lắp đặt khoảng 4 triệu kW điện mặt trời mỗi tuần, tức là mỗi 8 giờ lại có thêm 1 GW được kết nối vào lưới điện quốc gia.
Điều này đồng nghĩa, hơn 30% năng lượng điện tiêu thụ tại Trung Quốc hiện nay đến từ nguồn năng lượng xanh. Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất sở hữu tổng công suất năng lượng tái tạo vượt ngưỡng 2.000GW, gần gấp đôi tổng công suất điện quốc gia của Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, với mốc lịch sử vượt 2 tỷ kW công suất năng lượng phi hóa thạch, Trung Quốc đã tạo nền móng cho một mô hình phát triển mới: Tăng trưởng kinh tế gắn với công nghiệp xanh và giảm phát thải. Những chuyển động trong cơ cấu năng lượng đang từng bước tái định hình cách Trung Quốc sản xuất, tiêu dùng và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Đáng lưu ý, Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về tấm pin mặt trời, tuabin gió và pin lưu trữ, cùng nhu cầu nội địa khổng lồ đã tạo điều kiện cho những ngành công nghiệp này phát triển quy mô, giảm giá thành và chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Theo Global Energy Monitor, Trung Quốc đã xây dựng 74% tổng số dự án điện gió và điện mặt trời trên thế giới.
Từ chỗ là “công xưởng toàn cầu”, Trung Quốc đang chuyển mình thành “cường quốc công nghệ sạch” thông qua việc xây dựng các trung tâm công nghiệp tích hợp ở các vùng nhiều tiềm năng năng lượng như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Tại đây, điện mặt trời và điện gió không chỉ phục vụ lưới điện quốc gia mà còn trực tiếp cung cấp năng lượng cho các nhà máy luyện kim ít carbon, sản xuất pin, vật liệu bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu, tạo ra một "thế hệ" công nghiệp không phát thải, có giá trị gia tăng cao.
Để đẩy mạnh xu hướng này, Trung Quốc đã đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện siêu cao áp (UHV), cho phép dẫn năng lượng sạch từ các khu vực sản xuất tới các trung tâm công nghiệp duyên hải phía Đông như Thượng Hải, Quảng Châu. Nhờ đó, các ngành sản xuất từng phụ thuộc vào than, dầu đang dần được điện hóa. Sự kết hợp giữa năng lượng sạch và công nghiệp xanh không chỉ giúp Trung Quốc giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh toàn cầu giữa lúc các thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về phát thải và thuế carbon xuyên biên giới.
Chuyển đổi cơ cấu năng lượng cũng thể hiện rõ nét trong cuộc sống, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong việc giảm phát thải CO₂ - một trong những mục tiêu trọng tâm trong cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ghi nhận, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thạch Gia Trang đã giảm tới 35% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy tác động tích cực từ cơ cấu năng lượng mới.
Hệ thống giao thông đô thị cũng đang được “xanh hóa” trong bối cảnh nguồn điện sạch cho phép Chính phủ Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp kích cầu xe điện và xây dựng trạm sạc, đồng thời loại bỏ dần xe buýt và xe tải chạy diesel. NDRC cho biết, tốc độ tăng trưởng của thị trường xe năng lượng mới (NEV) tại Trung Quốc tiếp tục ở mức cao, đã đạt 31,4 triệu chiếc vào năm 2024, tăng mạnh so với 4,92 triệu chiếc vào cuối giai đoạn 2016-2020. Các ngành sản xuất xi măng, hóa chất… cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch với tốc độ nhanh.
Mặc dù còn đối mặt với một số lo ngại về khai thác nguyên liệu thô quy mô lớn, mô hình sử dụng năng lượng tái tạo để phục vụ công nghiệp hiện đại và giảm phát thải toàn diện đã cho phép Trung Quốc không cần hy sinh tăng trưởng kinh tế để đổi lấy môi trường. Thay vào đó, năng lượng tái tạo đang trở thành động lực phát triển mới giúp đất nước này định hình tương lai công nghiệp một cách bền vững và có trách nhiệm.
Hoàng Linh (Theo Tân Hoa Xã, China Daily)