Một cơ sở điện ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: THX
Theo cổng phân tích thông tin News.az của Azerbaijan ngày 6/5, giữa những cồn cát khô cằn của sa mạc Kubuqi thuộc khu tự trị Nội Mông, một công trình lớn đang dần hình thành, mang tính cách mạng cho ngành năng lượng tái tạo toàn cầu. Trung Quốc đang xây dựng "Vạn lý Trường thành" điện mặt trời - một siêu dự án điện mặt trời kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030 với tổng vốn đầu tư lên đến 87 tỷ euro.
Sa mạc Kubuqi từng được mệnh danh là "vùng tử thần" vì địa hình khắc nghiệt và hoang vắng. Nhưng những hình ảnh vệ tinh mới nhất do NASA công bố cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc: những dải dài các tấm pin quang điện giờ đây lấp lánh ở nơi từng chỉ có những cồn cát lộng gió.
"Sa mạc Kubuqi nhiều cát và gần như vô hồn ở Nội Mông từ lâu đã được coi là vùng đất chết. Giờ đây, các cánh đồng cồn cát của nó đã trở thành tiềm năng quang điện, được chuyển đổi nhờ sự gia tăng gần đây trong các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời", NASA đánh giá.
Việc lựa chọn sa mạc Kubuqi làm địa điểm xây dựng siêu dự án không phải ngẫu nhiên. Ánh nắng mặt trời dồi dào và vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn như Baotou và Bayannur khiến khu vực này trở thành điểm đặt dự án lý tưởng.
Tham vọng 100 gigawatt
Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, siêu dự án này được thiết kế với công suất phát điện lên đến 100 gigawatt - đủ để cung cấp điện cho Bắc Kinh và các tỉnh lân cận. Con số này tương đương với tổng công suất điện của các quốc gia phát triển như Đức hoặc Anh.
Với chiều rộng lên tới 5km, hành lang năng lượng mặt trời này không chỉ cung cấp điện sạch cho các trung tâm đô thị và công nghiệp ở miền Bắc Trung Quốc mà còn góp phần quan trọng trong chiến lược giảm phụ thuộc vào than đá và chống sa mạc hóa.
Về mặt kinh tế, dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 50.000 việc làm, mang lại nguồn sinh kế mới cho cộng đồng địa phương và đưa Nội Mông trở thành vùng biên giới mới của ngành năng lượng tái tạo.
Biểu tượng của chiến lược năng lượng sạch
"Vạn lý Trường thành" năng lượng mặt trời là minh chứng cho chiến lược năng lượng sạch rộng lớn của Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2024, tổng công suất điện mặt trời lắp đặt của quốc gia này đã vượt quá 880 gigawatt - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Không chỉ dẫn đầu về triển khai, Trung Quốc còn thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu cho các tấm pin mặt trời, kiểm soát khoảng 80% sản lượng.
Trong khi Mỹ và châu Âu vẫn đang tranh luận về trợ cấp công nghiệp và thuế quan công nghệ sạch, Bắc Kinh đang kiên định xây dựng nền tảng cho một siêu lưới điện sử dụng năng lượng mặt trời, kết nối sa mạc, núi non và bờ biển thành một hệ sinh thái năng lượng tái tạo thống nhất.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở năng lượng mặt trời. Các trang trại gió ngoài khơi và trên bờ, hệ thống lưu trữ năng lượng và đường dây truyền tải điện cao thế cũng đang được triển khai với tốc độ chưa từng có.
Khác với nhiều dự án năng lượng quy mô lớn, "Vạn lý Trường thành" năng lượng mặt trời còn mang sứ mệnh sinh thái. Các cánh đồng năng lượng mặt trời được tích hợp với những nỗ lực phục hồi đất đai để chống lại tình trạng sa mạc hóa - một vấn đề cấp bách đối với các vùng lãnh thổ phía Bắc của Trung Quốc.
Bằng cách ổn định các cồn cát, giảm xói mòn đất, dự án này phù hợp với tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh về "nền văn minh sinh thái".
Cách tiếp cận tích hợp này phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc, nơi cơ sở hạ tầng năng lượng, phục hồi môi trường và phát triển kinh tế được coi là những trụ cột phụ thuộc lẫn nhau của sự phát triển quốc gia.
Tham vọng năng lượng của Trung Quốc vượt xa biên giới quốc gia. Khi nhu cầu toàn cầu về công nghệ năng lượng sạch tăng mạnh, Bắc Kinh đang chuyển đổi ưu thế công nghệ thành đòn bẩy địa chính trị. Các dự án như trên không chỉ chứng minh năng lực công nghệ mà còn thể hiện khả năng mở rộng quy mô - một khả năng mà hiện nay ít quốc gia nào có thể sánh kịp.
Khi thế giới đang vật lộn với bất ổn năng lượng, khủng hoảng khí hậu và sự thay đổi chuỗi cung ứng, Trung Quốc đang định vị mình là nhà cung cấp và người đặt tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh. "Vạn lý Trường thành" năng lượng mặt trời không đơn thuần là một dự án năng lượng - mà còn là thông điệp gửi đến thế giới: Trung Quốc sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng tiếp theo.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc