Theo báo cáo, trong quý đầu năm, các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật quốc gia Trung Quốc đã tiếp nhận tổng cộng 834.000 đơn thư và báo cáo phản ánh, trong đó có 231.000 đơn tố cáo; xử lý 502.000 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, mở 220.000 vụ án và xử lý kỷ luật 185.000 người.
Cựu phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Lý Cát Bình bị kết án 14 năm tù vì tội nhận hối lộ. Ảnh: CCTV.
Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành điều tra các vụ việc liên quan 13 quan chức cấp tỉnh và bộ, 1.037 quan chức cấp sở, cục, 8.285 quan chức cấp huyện và 27.000 cán bộ cấp xã. Trong số 185.000 người bị xử lý, có 139.000 người bị kỷ luật đảng và 60.000 người bị xử lý hành chính, bao gồm 14 quan chức cấp tỉnh và bộ, 910 quan chức cấp sở, cục, 7.216 quan chức cấp huyện, 23.000 cán bộ cấp xã, 24.000 cán bộ cấp cơ sở và 130.000 người thuộc các ngành khác như doanh nghiệp, nông thôn…bị xử lý.
Trong quý I, các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc cũng đã áp dụng “bốn hình thức” để phê bình, giáo dục và xử lý 375.000 đối tượng. Trong đó có 187.000 người bị phê bình, giáo dục, chiếm 49,9%; 149.000 người bị khiển trách, cảnh cáo Đảng và xử phạt hành chính, chiếm 39,6%; 20.000 người bị cách chức, giáng chức, khai trừ Đảng hoặc buộc thôi việc, chiếm 5,3% và 19.000 người bị truy tố hình sự, chiếm 5,2%.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh điều tra cả tội đưa hối lộ, khởi tố 7.027 người đưa hối lộ và chuyển 954 trường hợp sang viện kiểm sát.
Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm siết chặt kỷ luật Đảng và phòng chống tham nhũng. Việc xử lý kỷ luật hàng loạt quan chức cấp tỉnh và bộ cho thấy thái độ kiên quyết của Trung Quốc trong phòng chống tham nhũng với tôn chỉ không khoan nhượng và không có vùng cấm.
Trung Kiên/VOV-Bắc Kinh