Theo Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), bão Danas hình thành vào sáng sớm thứ Bảy (5/7), dự kiến di chuyển theo hướng Bắc-Đông Bắc với tốc độ khoảng 10 km/giờ và cường độ tăng dần. Mức gió vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 12-13 (tốc độ gió từ 35-40 mét/giây) và dự kiến đổ bộ vào bờ biển từ phía Bắc tỉnh Phúc Kiến đến tỉnh Chiết Giang vào đêm ngày 7 đến sáng ngày 8/7.
Cơ quan an toàn hàng hải tiến hành tuần tra phòng chống bão ở vùng biển Ôn Châu, Chiết Giang. Ảnh do Cục An toàn Hàng hải Chiết Giang cung cấp.
Vào lúc 6h sáng nay (6/7), Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo bão màu vàng. Thông tin mới nhất cho thấy, lúc 5h sáng (giờ địa phương), tâm bão nằm ở vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông, cách Cao Hùng, Đài Loan khoảng 270 km về phía Tây Nam.
CMA cũng dự báo, từ thứ Bảy đến thứ Ba, nguy cơ xảy ra lũ quét và thảm họa địa chất ở miền Trung và Đông Chiết Giang cùng phía Đông Phúc Kiến sẽ tăng cao. Mực nước ở các con sông vừa và nhỏ ở Chiết Giang có nguy cơ vượt mức cảnh báo, gây tình trạng ngập úng đô thị.
Ngay trong ngày 5/7, Ban tổng chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán Quốc gia Trung Quốc đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cấp độ IV về phòng chống lũ lụt và bão, đồng thời cử một nhóm công tác đến Phúc Kiến để chỉ đạo công tác cứu hộ và cứu trợ thiên tai.
Cơ quan an toàn hàng hải tỉnh Phúc Kiến đã phải kích hoạt ứng phó bão cấp độ II đối với tàu thuyền vào trưa thứ Bảy. Trước đó, cùng ngày, cơ quan khí tượng của tỉnh đã phải nâng mức cảnh báo và ứng phó với bão lên cấp III. Nhiều tuyến phà chở khách đã tạm dừng hoạt động, 50 dự án xây dựng trên biển phải dừng thi công.
Cơ quan an toàn hàng hải tỉnh Chiết Giang cũng đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp với bão trên biển cấp độ IV vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy. Trong khi cơ quan an toàn hàng hải tỉnh Quảng Đông triển khai ứng phó khẩn cấp cấp độ III về phòng ngừa bão nhiệt đới vào lúc 10h sáng cùng ngày. Cảnh báo chuẩn bị ứng phó với bão đã được ban hành tại 6 thành phố trong tỉnh như Sán Đầu, Sán Vĩ và Thâm Quyến.
Trung Quốc hiện vẫn đang phải hứng chịu lũ lụt và nắng nóng cực đoan hoành hành ở miền Bắc và miền Đông. Nhiệt độ tăng cao đã khiến lượng sử dụng điện của nước này vượt 1,4 tỷ kilowatt vào ngày 4/7, lập mức cao mới trong lịch sử.
Tính đến ngày 4/7, nắng nóng oi bức - với mức nhiệt từ 37-40 độ C - bao trùm bờ biển phía Đông Trung Quốc đang khiến các trung tâm sản xuất và nông nghiệp quan trọng dọc theo sông Dương Tử gặp nhiều khó khăn, làm dấy lên lo ngại về hạn hán và thiệt hại kinh tế.
Trong khi đó, ngày 3/7, mưa lớn liên tục gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Bắc và Tây nước này, buộc chính quyền địa phương phải huy động hàng nghìn nhân viên cứu hộ để ứng phó. Cảnh báo đỏ - mức cảnh báo nghiêm trọng nhất đã được kích hoạt ở một số nơi khi mưa lan từ Tứ Xuyên (miền Tây Nam) qua Cam Túc (miền Tây Bắc) đến Liêu Ninh (miền Đông Bắc) Trung Quốc.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh