Chỉ còn một cơ quan quản lý
Hiện nay, bộ máy và các quy định liên quan trung tâm đào tạo lái xe hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đào tạo lái xe do người đứng đầu cơ sở đào tạo ban hành. Tỷ lệ thời gian đào tạo lý thuyết cũng được quy định cứng là 25% và thực hành 75%.
Việc chuyển sang loại hình dịch vụ giúp hoạt động của các trung tâm thuận lợi hơn vì không còn nhiều cấp quản lý.
Các trung tâm đào tạo lái xe do cả sở Lao động Thương binh & Xã hội và sở GTVT cùng quản lý. Diện tích đất dành cho trung tâm đào tạo lái xe phải được quy hoạch là đất giáo dục nghề nghiệp. Thực tế, để có được quy hoạch đất cho loại hình này gặp nhiều khó khăn.
Tới đây, khi Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024 có hiệu lực (ngày 1/1/2025), sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý. Cụ thể, luật quy định "cơ sở đào tạo lái xe là đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo lái xe". Điều này khác với quy định "cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề" tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
Nói cách khác, đào tạo lái xe ô tô sẽ không còn là giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cũng sẽ thay đổi.
Luật Trật tự ATGT đường bộ giao Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành chương trình đào tạo lái xe, thay vì người đứng đầu cơ sở đào tạo ban hành như trước.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, khi tách khỏi giáo dục nghề nghiệp, sẽ chỉ có một cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm là sở GTVT thay vì cả sở Lao động Thương binh & Xã hội và sở GTVT như hiện nay.
"Khi chuyển sang loại hình mới, tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Trật tự ATGT đường bộ sẽ quy định cụ thể về người đứng đầu trung tâm, trách nhiệm của tâm đào tạo lái xe và các vấn đề khác liên quan", ông Thống nói.
Rõ trách nhiệm
Một giám đốc trung tâm đào tạo lái xe ở Khánh Hòa cho rằng, việc chuyển sang loại hình dịch vụ hoạt động của các trung tâm thuận lợi hơn vì không còn nhiều cấp quản lý.
Hiện có nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội và TP.HCM không thành lập được các trung tâm đào tạo lái xe mới do vướng quy hoạch đất giáo dục nghề nghiệp. Khi các trung tâm đào tạo lái xe là loại hình dịch vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, xây dựng mới các cơ sở đào tạo.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN
"Chẳng hạn như lần thay đổi chương trình đào tạo vừa qua, chỉ mỗi thời gian xin ý kiến của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã mất 3 tháng", vị này nói.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, ông Lại Thế Chất, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt (Hà Nội) cho biết, từ lâu đào tạo lái xe đã hoạt động theo loại hình dịch vụ. Tuy vậy, các quy định pháp luật liên quan có nhiều chồng chéo, nhiều cơ quan cùng quản lý nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, họ quản lý chặt chẽ về mặt Nhà nước nhưng không coi đây là đào tạo nghề nghiệp. Việc tách cơ sở đào tạo lái xe ra khỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp tránh được tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý, thống nhất một đầu mối là ngành GTVT.
"Khi là cơ sở dịch vụ, trung tâm đào tạo hoạt động như một doanh nghiệp và chi phối bởi Luật Doanh nghiệp. Trong đào tạo thực hiện theo các quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch lái xe hiện hành", ông Chất cho biết.
Giữ nguyên điều kiện kinh doanh
Ông Lại Thế Chất cũng cho biết, theo quy định của Bộ GTVT, cơ sở đào tạo lái xe sẽ là trung tâm đào tạo, nhưng theo quy định của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội lại là trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Liên quan đến giáo dục, người dạy lại là nhà giáo, trong khi giáo viên dạy lái xe không thể đạt được đến mức độ theo định danh này.
"Khi chuyển đổi sang loại hình cơ sở dịch vụ có thể quy định theo hướng giáo viên dạy thực hành chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 thay vì phải có bằng trung cấp như hiện hành", ông Chất góp ý.
Cùng quan điểm, giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe ở Khánh Hòa cho hay, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, đối với giáo viên dạy thực hành nếu dạy sơ cấp mới đòi hỏi phải có bằng trung cấp trở lên. Nếu là đào tạo thường xuyên chỉ yêu cầu các chuyên gia trong lĩnh vực nghề, có chứng chỉ, tốt nghiệp THPT.
"Khi chuyển sang dịch vụ, đào tạo lái xe là đào tạo thường xuyên với thời gian dưới 3 tháng nên cần thay đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe", vị này đề xuất.
Tuy nhiên, theo ông Lương Duyên Thống, quy định mới chỉ thay đổi về loại hình, các điều kiện về cơ sở vật chất. Còn điều kiện kinh doanh dịch vụ, trong đó có điều kiện về giáo viên vẫn được giữ nguyên theo các quy định pháp luật hiện nay.
"Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, các quy định pháp luật hiện nay đã khá chặt chẽ nên không lo về chất lượng đào tạo", ông Thống nói.
Trần Duy