Trung tâm dạy thêm, học thêm nở rộ, học phí tăng vọt

Trung tâm dạy thêm, học thêm nở rộ, học phí tăng vọt
2 ngày trướcBài gốc
Trung tâm dạy thêm, học thêm mở tràn lan, an toàn có đảm bảo?
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với việc ra đời Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (TT 29). Đối với Hà Nội, hiện 100% nhà trường ký cam kết thực hiện Thông tư 29. Tuy nhiên, sau 1,5 tháng thực hiện Thông tư 29, một số vấn đề phát sinh. Các trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm ở Hà Nội, các hộ đăng ký kinh doanh tăng nhiều. Theo con số thống kê ban đầu, đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm ở Hà Nội. Cũng theo vị Giám đốc này, qua khảo sát và kiểm tra ở cấp xã, phường, mức thu phí học thêm bên ngoài cao hơn rất nhiều so với trước đây, dù tự nguyện.
“Điều khó khăn hiện nay, chúng ta chưa có chế tài xử lý vi phạm liên quan dạy thêm học thêm, áp lực thời gian và nguồn lực kiểm tra ở cấp xã rất khó khăn, số lượng người thực thi nhiệm vụ rất ít”, ông Cương nhấn mạnh.
Với thông tư 29, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết, ngành đồng thuận trong việc triển khai. "Hiện Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hơn 11 đoàn kiểm tra hơn 31 trường từ tiểu học đến THPT. Bên cạnh đó, thành phố đã ghi nhận số lượng các đơn vị dạy thêm học thêm ở thời điểm thực hiện Thông tư 29 khoảng hơn 10.000...”.
Còn ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT băn khoăn: “Khi chúng tôi tổ chức đi kiểm tra thực tế tại các nơi tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường thì thấy rằng, nhiều nơi cơ sở vật chất, phòng chật hẹp, nóng; bàn ghế sọc sệch, ánh sáng phòng dạy ít, thường nằm sâu trong hẻm, chủ yếu là tận dụng nhà dân để tổ chức...”
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện cả nước có 4 tỉnh ra quy định về dạy thêm học thêm gồm: Long An, Cà Mau, Hải Dương, Bình Dương và 44 tỉnh đã báo cáo. Theo ông Tài, báo cáo của các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục được kiểm tra và các ý kiến trực tiếp của giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh ghi nhận tại các buổi làm việc với Bộ GD-ĐT đều khẳng định sự đúng đắn để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, giúp các cơ sở giáo dục có định hướng trong việc thực hiện. Đối với học sinh, quy định của Thông tư hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định.
Ghi nhận tại một số địa phương, nhiều nơi vào cuộc rất kịp thời và nghiêm khắc thanh kiểm tra, xử lý giáo viên vi phạm về dạy thêm, học thêm như Bắc Giang. Hải Phòng đưa vào dự thảo, sau 19h30, các hoạt động dạy thêm học thêm dù đúng quy định cũng không được thực hiện… Đồng thời, Bộ GD-ĐT nghiêm khắc phê bình 19 tỉnh chưa báo cáo về việc triển khai dạy thêm học thêm.
Về tồn tại, hạn chế, TS Thái Văn Tài thừa nhận: Việc địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn khiến lúng túng trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường nên một số giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng. Nhiều trường do chưa nắm rõ thông tư nên dừng đột ngột việc dạy thêm trong nhà trường, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, cha mẹ học sinh, gây ra các luồng ý kiến trái chiều trên truyền thông.
Cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch của việc dạy thêm, học thêm
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết: Một nội dung mà ngành giáo dục Gia Lai mong mỏi bao nhiêu năm nay cũng đã góp ý đó là việc quy định là cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh mà mình đã dạy chính khóa. Chúng tôi thấy đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục và khiến cho xã hội mất niềm tin đối với ngành giáo dục. Hiện Sở GD-ĐT Gia Lai đã thành lập Đoàn Kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 để tiến hành kiểm tra; Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố, các trường THPT tổng hợp các thông tin về cơ sở kinh doanh ngoài nhà trường và giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường trên địa bàn quản lý. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Tuy nhiên, ông Lê Duy Định cũng băn khoăn: Việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, phải sử dụng ngân sách nhà nước. Trong khi thời điểm Thông tư ban hành (30/12/2024) thì ngân sách năm 2025 đã được phân bổ, bên cạnh đó, mức chi cho 01 tiết dạy them cũng chưa có quy định cụ thể.
Còn theo ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Hiện TP.HCM có tới 93% các trường học tại đây chuyển qua dạy học 2 buổi/ngày. Với tỷ lệ trường dạy 2 buổi/ngày cao, mong muốn bộ có chỉ đạo cụ thể về dạy 2 buổi/ngày để thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện thông tư 29. Thành phố cũng băn khoăn, lo lắng việc tổ chức dạy thêm học thêm sao đảm bảo thời gian giảng dạy, an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo sức khỏe học sinh trong dạy thêm học thêm như thế nào cho rõ ràng", ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Quốc Bảo đề xuất, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của việc dạy thêm, học thêm cần triển khai toàn diện công tác kiểm tra, đánh giá, bởi đâu đó vẫn còn một số trường dùng điểm số để yêu cầu học sinh tham gia học thêm. "Để triển khai thông tư 29 một cách toàn diện, có thể xem xét, rà soát lại thông tư khác về kiểm tra, đánh giá; kiểm tra đánh giá tập trung sử dụng ngân hàng đề thi của Bộ hoặc Sở xây dựng trên cơ sở phù hợp hoặc sử dụng các đơn vị khảo thí độc lập để tổ chức các đợt thi ở các trường học. Từ đó, có thể kiểm tra, giám sát việc thầy cô tổ chức giảng dạy có đảm bảo mục tiêu chương trình, các kiến thức kỹ năng hay không", ông Quốc đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Thông tư mang lại quyền lợi công bằng cho người học, tôn vinh vị thế, hình ảnh của nhà giáo. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Thông tư 29 cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị cần đồng bộ các giải pháp, về chuyên môn cần đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương thức ra đề thi, hướng dẫn học sinh tự học… để học sinh là người thụ hưởng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học buổi 2/ngày, qua đó thực hiện tốt quy định về học thêm, dạy thêm. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã có một kênh tiếp nhận phản ánh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm để xác minh, xử lý.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/trung-tam-day-them-hoc-them-no-ro-hoc-phi-tang-vot-post1188174.vov