Trung tâm tài chính quốc tế duy nhất của Việt Nam

Trung tâm tài chính quốc tế duy nhất của Việt Nam
14 giờ trướcBài gốc
TP.HCM - nơi dòng tiền vận động như nhịp tim của nền kinh tế. Đà Nẵng - một cực tăng trưởng mới, trẻ, nhanh và đầy khát vọng. Hai thành phố, một chiến lược. Một trung tâm, một cơ chế và một kỳ vọng: kết nối Việt Nam với dòng chảy tài chính toàn cầu, bằng chính thế mạnh nội sinh của mình. Quyết định này không đơn thuần là chuyện địa lý mà là cách Việt Nam định vị mình trong cuộc chơi tài chính toàn cầu, bằng tư duy gộp lực thay vì phân tán, bằng mô hình linh hoạt thay vì dập khuôn.
Trung tâm tài chính quốc tế là nơi tập trung các dịch vụ tài chính đa tầng: ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, chứng khoán, fintech, trọng tài tài chính quốc tế và nhiều hoạt động tài chính xuyên biên giới khác.
Khác với các trung tâm tài chính trong nước vốn phục vụ thị trường nội địa, trung tâm tài chính quốc tế hướng đến vai trò là “trạm trung chuyển” vốn khu vực và toàn cầu, nơi các dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế được phân phối lại theo chiến lược toàn cầu.
Trung tâm tài chính quốc tế cần một khung chính sách đặc biệt: linh hoạt hơn luật hiện hành, cạnh tranh về thuế, về tự do luân chuyển dòng vốn, về giải quyết tranh chấp quốc tế, về sandbox pháp lý cho fintech… Đây không phải là việc "cấp thêm giấy phép" mà là xây một thể chế tài chính song hành như mô hình Dubai, Thượng Hải, hoặc Singapore từng áp dụng thành công.
Vậy tại sao Việt Nam lựa chọn TP.HCM và Đà Nẵng?
Không phải ngẫu nhiên khi đề xuất chỉ chọn một trung tâm quốc tế, với hai ứng viên là TP.HCM và Đà Nẵng.
TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có hạ tầng tài chính sẵn có: các ngân hàng thương mại, sàn giao dịch chứng khoán, công ty tài chính quốc tế đang hoạt động. Thành phố này cũng là nơi tập trung lực lượng nhân sự tài chính hàng đầu. Quan trọng hơn, TP.HCM là đô thị có kinh nghiệm làm việc với các đối tác toàn cầu, có độ “mở” cao và tiềm lực công nghệ đủ để thử nghiệm sandbox tài chính.
Trong khi đó, Đà Nẵng lại là trung tâm đang vươn lên mạnh mẽ, có tiềm năng trở thành "thủ phủ tài chính số hóa" nhờ vào tốc độ chuyển đổi số nhanh, hệ thống hạ tầng mềm hiện đại và vị trí chiến lược kết nối với ASEAN. Đà Nẵng cũng là cầu nối giữa miền Trung - Tây Nguyên và các nền kinh tế ven biển Đông Á.
Việc chọn một hoặc phối hợp cả hai sẽ không chỉ dừng ở việc phát triển nội lực, mà còn tạo ra vùng lan tỏa lớn đến các khu vực phụ cận: TP.HCM hỗ trợ Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tiếp cận vốn toàn cầu. Còn Đà Nẵng có thể “nâng vai” cho các đô thị trẻ như Huế, Quảng Nam, thậm chí cả Tây Nguyên trong thu hút đầu tư công nghệ - tài chính.
Nếu nhìn sang khu vực - Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc) - cơ hội nào cho Việt Nam?
Nếu Singapore từng bị hoài nghi khi tuyên bố trở thành trung tâm tài chính vào năm 1980, thì ngày nay, quốc đảo này thu hút hơn 70% quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với gần 400 tỷ USD giá trị giao dịch tài chính mỗi năm. Điều đó không đến từ việc xây văn phòng đẹp, mà từ một hệ sinh thái tài chính ưu việt, với chính sách minh bạch, trọng tài độc lập và hệ thống luật tài chính chuẩn mực Anh - Mỹ.
Dubai International Financial Centre - hình thành giữa sa mạc, lại đang là nơi đặt trụ sở của hàng trăm ngân hàng và định chế tài chính toàn cầu, nhờ vào mô hình khu tài chính tự trị, luật riêng, thuế ưu đãi và thủ tục số hóa.
Thượng Hải, với sự hỗ trợ của Trung ương Trung Quốc, cũng đã dựng nên khu thương mại tự do chuyên biệt về tài chính, áp dụng sandbox và thử nghiệm tiền kỹ thuật số quốc gia.
Từ những mô hình trên có thấy thể Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi: không cần chạy đua toàn diện, mà hãy chọn phân khúc tài chính phù hợp để làm tốt nhất. Ví dụ như tài chính xanh, tài chính số, ngân hàng đầu tư, hoặc công nghệ blockchain.
Việc Chính phủ đề xuất duy nhất một trung tâm tài chính quốc tế và xây dựng một khung chính sách riêng biệt là một hướng đi mạnh mẽ và đáng khích lệ. Tuy nhiên, để thành công, chúng ta cần cam kết thể chế mạnh mẽ, không “một nửa”, không “vừa làm vừa sửa”. Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành trung tâm tài chính hiệu quả tại Đông Nam Á nếu biết lựa chọn đúng phân khúc, đúng thành phố và đúng thời điểm.
Võ Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-duy-nhat-cua-viet-nam-323478.htm