Trung tâm tài chính quốc tế, tự tin nhưng không quá viển vông

Trung tâm tài chính quốc tế, tự tin nhưng không quá viển vông
2 ngày trướcBài gốc
Vị thế của TPHCM đã được nâng lên
Ngoại trừ xếp hạng, thì về phân loại TPHCM vẫn thuộc nhóm thị trường “khu vực” (hay địa phương). Theo phân loại của GFC, thị trường tài chính được chia thành nhóm: từ “khu vực” (local) đến “quốc tế” (international), và cao nhất là “toàn cầu” (global). Trong cùng nhóm “khu vực”, TPHCM thuộc vào nhóm “trung tâm đang phát triển” (evolving).
Thực ra theo ý nghĩa của phân loại vào nhóm “khu vực”, “quốc tế” hay “toàn cầu” là dựa trên đánh giá về mức độ khả năng kết nối với các trung tâm tài chính khác trên toàn cầu. Còn với TPHCM, nằm ở nhóm cấp “khu vực” nhưng trong nhóm này lại thuộc nhóm “trung tâm đang phát triển”, tức là dựa trên đánh giá về mức độ đa dạng và chuyên sâu của dịch vụ tài chính.
Năm 2024, TPHCM được xếp vào nhóm “thị trường chuyên môn hóa ở cấp khu vực”, thì báo cáo lần này của năm 2025 đã xếp TPHCM vào nhóm “thị trường đang phát triển ở cấp khu vực”, có nghĩa là mức độ đa dạng hóa đã nhiều hơn, nhưng vẫn chưa được đưa vào nhóm “thị trường toàn diện cấp khu vực”.
Nói cách khác, TPHCM có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và hạ tầng, cũng như có một sự đa dạng về dịch vụ được công nhận hơn so với năm ngoái, nhưng chưa đến được mức được công nhận là một thị trường tài chính toàn diện.
Những lựa chọn phía trước
Những chuyển biến và vị thế xếp hạng trên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là TPHCM cần tập trung cải thiện.
Thứ nhất, để nâng từ nhóm “trung tâm tài chính khu vực” lên nhóm “trung tâm tài chính quốc tế”, TPHCM cần cải thiện về mức độ kết nối, và đó là một cuộc chơi mang tính thương hiệu.
Theo đánh giá của báo cáo GFCI 37, mức độ kết nối của một trung tâm được đo lường bằng hai yếu tố: đánh giá đầu kết nối đến (số lượng nơi mà trung tâm đó nhận được đánh giá), và đánh giá đầu kết nối đi (số lượng trung tâm khác được đánh giá bởi các người tham gia khảo sát từ trung tâm đó).
Nếu bình quân gia quyền số đánh giá cho một trung tâm đạt 42% trở lên từ các người tham gia ở những trung tâm khác, thì trung tâm đó được coi là “toàn cầu”. Nếu các đánh giá đến từ trên 20,5% các trung tâm khác, thì trung tâm đó được coi là “quốc tế”.
Nói cách khác, đây là một cuộc chơi về tên tuổi và mạng lưới liên kết, cũng như độ nhận diện “thương hiệu”.
Càng nhiều người và tổ chức ở nước ngoài biết và sử dụng các dịch vụ tài chính ở TPHCM, thì mức độ được xác nhận kết nối sẽ càng cao hơn. Thương hiệu của các trung tâm tài chính London, New York hay Tokyo cũng từ đó mà ra.
Muốn nâng độ nhận diện và kết nối như vậy, phải thu hút được nhiều định chế tài chính nước ngoài tham gia vào trung tâm tài chính ở Việt Nam. Nếu vậy những khung pháp lý về sở hữu nước ngoài, những giới hạn về hoạt động dịch vụ tài chính, luân chuyển vốn, huy động vốn cần phải được nới lỏng hơn nhiều.
Thứ hai, về mặt mô hình và định hướng phát triển, trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM cần xác định là phát triển ưu tiên theo hướng đa dạng hóa hay chuyên sâu trong những năm sắp tới.
Vẫn biết đích đến cuối cùng là những trung tâm tài chính toàn diện ở tầm quốc tế. Thế nhưng, để đi đến đó có thể lựa chọn đi vào hướng chuyên sâu một vài dịch vụ trước rồi mở rộng ra dần, hoặc ngược lại phát triển theo chiều rộng trước rồi chuyên sâu từng mảng, hoặc thậm chí kết hợp cả hai, nếu có cơ hội thì tập trung chuyên sâu vào một mảng. Ví dụ tài sản số do nhiều người Việt Nam đang sở hữu tiền mã hóa, trong khi vẫn duy trì định hướng chung là phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính.
Thứ ba, đặt ra những mục tiêu thích hợp để mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM không trở nên viễn vông. Bởi một trong những trở ngại là khi nghĩ tới trung tâm tài chính quốc tế, người ta nghĩ ngay đến những cái tên của những trung tâm tài chính đã định hình vững chắc ở tầm toàn cầu như London, New York, Tokyo, hay chí ít cũng là những trung tâm có vẻ ở tầm gần ta hơn thuộc top 15 như Dubai, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore...
Nhưng để đi từ vị trí hiện nay của Việt Nam đang được xếp vào nhóm “khu vực”, lên đến những cái tên top 15 đó (được xếp vào nhóm “trung tâm dẫn đầu toàn cầu” hoặc “trung tâm toàn diện toàn cầu”), thì TPHCM còn vượt qua hơn 50 trung tâm khác thuộc loại “quốc tế”, trong đó có những cái tên trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur.
Tôi tin rằng, nếu nói Việt Nam có thể làm được như Bangkok, Jakarta hay thậm chí là muốn vượt lên cùng nhóm với Kuala Lumpur là khả thi. Bởi Kuala Lumpur hiện đang ở hạng 51 toàn cầu, nhưng họ cũng từng ở hạng 70-80 vào năm 2023, còn Bangkok từng ở hạng 60 nhưng hiện nay chỉ cao hơn TPHCM 2 hạng.
Chúng ta không quá chú trọng vào chuyện bề ngoài của các xếp hạng này, nhưng nói sơ qua để thấy tham vọng làm trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam không có gì là quá sức. Nói cách khác, cái “quốc tế” nó cũng không phải cái gì quá cao xa so với vị thế được xếp hạng trong nhóm “khu vực” hiện nay của TPHCM.
Thế nhưng, nếu chúng ta lại chỉ đặt những mục tiêu hướng tới những trung tâm dẫn đầu toàn cầu như London, New York, Tokyo ngay trong vài năm, thì lại dễ dẫn đến những sai lầm do nóng vội và đặt mục tiêu sai. Lựa chọn về mặt chiến lược là quan trọng, và trong đó đặt mục tiêu đúng là rất cần thiết.
Trung tâm tài chính quốc tế không phải là quá cao xa so với vị thế được xếp hạng trong nhóm “khu vực” hiện nay của TPHCM. Vấn đề là lựa chọn về mặt chiến lược, đặt mục tiêu đúng rất cần thiết. Còn nếu chúng đặt những mục tiêu hướng tới quá viễn vông như những trung tâm dẫn đầu toàn cầu London, New York, Tokyo ngay trong vài năm lại dễ dẫn đến những sai lầm.
TS. HỒ QUỐC TUẤN, Đại học Bristol, Vươg quốc Anh
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tu-tin-nhung-khong-qua-vien-vong-post121635.html