Theo Savill Hà Nội, sau thành công của dự án Saigon Centre tại TP.HCM, chủ đầu tư Keppel sẽ tiến ra Hà Nội, thổi hơi nóng vào thị trường mặt bằng trung tâm thương mại, với dự án Hanoi Centre. Còn Thiso Mall cũng đang lên kế hoạch ra mắt dự án đầu tiên tại Thủ đô vào năm 2026.
Nhiều cơ hội
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, thị trường Hà Nội đang chuyển biến tích cực trong 3 năm trở lại đây, khi các chủ đầu tư và các nhãn hàng lớn đã có mặt bằng kinh doanh tốt tại TP.HCM bắt đầu xu hướng Bắc tiến.
“Thành công của Lotte Mall Westlake đã mang lại những tín hiệu tích cực, động lực để các nhãn hàng tham gia sâu hơn vào thị trường Hà Nội cũng như các chủ đầu tư mang tới nguồn cung chất lượng hơn”, bà Minh đánh giá.
Thực tế cũng cho thấy, thị trường bán lẻ sôi động kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM gia tăng chóng mặt. Khảo sát của VnBusiness cho thấy thị trường trung tâm thương mại đang có cú bứt tốc mạnh mẽ trong gần 1 năm qua.
Thị trường trung tâm thương mại đang ở thời kỳ "đẻ trứng vàng" nhưng cạnh tranh rất khốc liệt.
Tại TP.HCM, hầu hết mặt sàn tại các trung tâm thương mại tên tuổi trên địa bàn quận 1 như Saigon Center, Parkson Lê Thánh Tôn, Vincom... hiện được lấp đầy trên dưới 95%.
Báo cáo mới nhất của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy những con số đầy lạc quan. Đơn cử, theo Avison Young Việt Nam, khối đế bán lẻ tại các khách sạn lớn ở quận 1 như Rex Arcade, MPlaza Saigon, Times Square, Terra Royal... đang có tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 100%
Trong khi đó, báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho thấy thị trường bán lẻ TP.HCM năm 2024 có thêm khoảng 117.000 m2 diện tích cho thuê mới. Tất cả đều khai trương với tỷ lệ lấp đầy gần 100% dù không thuộc khu vực trung tâm.
Nhu cầu thuê cao khiến giá thuê trung bình khối bán lẻ trung tâm thương mại đạt 280 USD mỗi m2 một tháng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, ngoài trung tâm là 53 USD mỗi m2 một tháng, tăng 4%.
Ông Phan Anh Tuấn, quản lý một sàn bất động sản đang vận hành hơn 12.000m2 mặt sàn trung tâm thương mại trên địa bàn quận 1 (TP.HCM), cho hay kể từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kinh doanh của công ty ông khởi sắc đáng kể, tỷ lệ lấp đầy các mặt bằng luôn đạt 93-98%.
"Vào cuối năm 2022, chúng tôi đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn khi chấp nhận giảm giá từ 15 - 20%, nhưng đối tác vẫn chọn trả mặt bằng. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, khi sức mua tăng, các thương hiệu lớn bắt đầu mở rộng, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê đã dần phục hồi trở lại", ông Tuấn chia sẻ.
Lắm thách thức
Sức hấp dẫn của thị trường trung tâm thương mại đang thu hút hàng loạt ông lớn cả trong và ngoài nước nhảy vào cuộc đua giành thị phần. Bên cạnh những “tay chơi mới” hùng mạnh như Becamex IDC và THACO, còn có sự hiện diện của hàng loạt tên tuổi lớn, như AEON, Central Group, Vincom…
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi, song ngành bán lẻ cũng đang đứng trước những thách thức lớn do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Đây là lý do khiến nhiều trung tâm thương mại đang chìm trong ế ẩm bất chấp “cơn khát” nguồn cung đang gia tăng.
Điển hình, tại tòa nhà Discovery Complex (đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), với 5 tầng hầm và 8 khối đế thương mại, hiện nhiều mặt sàn thương mại cho thuê đang trong tình trạng bỏ trống, đóng cửa hàng loạt.
Dù tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trung tâm quận Cầu Giấy, một trong những tuyến đường kinh doanh thương mại sầm uất, đồng thời đấu nối trực tiếp với ga Metro trên cao, thế nhưng phần khối đế thương mại của tòa nhà lại vắng vẻ, đìu hiu đến mức khó tin.
Chị Hoài, nhân viên văn phòng làm việc trong tòa nhà này, cho biết: “Nhiều mặt bằng tại tòa nhà này bỏ trống lâu rồi, trước đây có một số công ty cũng đến đây thuê nhưng sau đó họ lại nhanh chóng chuyển đi”.
Tương tự, Trung tâm thương mại Atermis (quận Thanh Xuân) thời gian qua lâm vào cảnh “vườn không nhà trống”, dù có 4 mặt tiền giáp ba tuyến đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng và Lê Trọng Tấn.
Dự án The Artemis gồm một tòa tháp cao 27 tầng, với 2 tầng thương mại, 6 tầng văn phòng và 19 tầng căn hộ. Tòa tháp được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại dự án chỉ khoảng 45%, theo Avison Young.
Hay như Vincom Mega Mall Royal City, trung tâm thương mại ở mặt đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, từng là tâm điểm vui chơi, giải trí, mua sắm tại Thủ đô nhiều năm trước. Hiện lượng khách đến đây ngày càng èo uột dù cuối tuần, chủ yếu là cư dân tại khu chung cư hiện hữu.
Việc hàng loạt trung tâm thương mại “ế ẩm” bất chấp phân khúc này đang trong thời kỳ “ăn nên làm ra” cho thấy mức độ cạnh tranh đang vô cùng khốc liệt. Theo chuyên gia, phần lớn các trung tâm thương mại ế ẩm hiện tại đã hoạt động 7-10 năm nên có quy hoạch, thiết kế gian hàng bị cũ…
Việc thiếu hụt các hoạt động giải trí, sự kiện và trải nghiệm độc đáo cũng khiến nhiều không gian mua sắm trở nên nhàm chán, theo chuyên gia CBRE.
Trước tình hình thực tế, bà Trang Đỗ, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam), nhận định “miếng bánh” thị phần mặt bằng bán lẻ vô cùng hấp dẫn nhưng cũng ngày càng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu có tiềm lực mạnh đang nôn nóng nhảy vào thị trường Việt Nam.
Những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp cần giữ sự năng động tươi mới bằng các hoạt động cải tạo, đổi mới liên tục để duy trì tính cạnh tranh gắt gao giữa các loại hình bán lẻ. Nói một cách đơn giản, mặt bằng trung tâm thương mại đang trong thời kỳ “đẻ trứng vàng”, tuy nhiên, những doanh nghiệp chậm thay đổi sẽ sớm bị loại khỏi cuộc đua.
Hưng Nguyên