Sau khi hoàn tất trùng tu, ngôi biệt thự Pháp tại 46 Hàng Bài – 49 Trần Hưng Đạo đã trở thành địa chỉ văn hóa mới của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lân.
Dự án trùng tu biệt thự 46 Hàng Bài – 49 Trần Hưng Đạo là kết quả của quá trình hợp tác, nghiên cứu kỹ lưỡng từ các chuyên gia Pháp và Việt Nam, với sự phối hợp của UBND quận Hoàn Kiếm, kéo dài từ năm 2007- 2023. Từ ngày 26-1-2024, ngôi biệt thự được chính thức mở cửa đón khách tham quan và dần trở thành không gian sáng tạo nghệ thuật mới của Hà Nội. Tại đây, thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, các triển lãm, trưng bày hội họa kiến trúc hấp dẫn.
Tại hội thảo “Biệt thự 46 Hàng Bài: Trùng tu di sản kiến trúc Pháp để thúc đẩy di sản đô thị tại Hà Nội” vừa diễn ra tại Hà Nội do Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Đại sứ quán Pháp, Cơ quan Đại học Pháp ngữ, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, một lần nữa các chuyên gia nhận diện kết quả những giá trị lớn từ việc bảo tồn, phát huy giá trị từ những di sản kiến trúc của Hà Nội.
Ngôi biệt thự trở thành địa chỉ văn hóa sáng tạo, diễn ra nhiều sự kiện trưng bày, triển lãm hấp dẫn. Ảnh: Hoàng Lân.
TS.KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam thông tin chi tiết quá trình trùng tu công trình. Theo đó, các chuyên gia đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình, phương thức bảo tồn, trùng tu đối với biệt thự Pháp cổ này cũng như thực hiện diễn giải di sản đối với công chúng.
Trước đó, trong rất nhiều sự kiện văn hóa diễn ra tại ngôi biệt thự này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Tuấn Long cho biết, việc bảo tồn, trùng tu ngôi biệt thự có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kiến trúc mà còn tạo thêm không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn quận. Ngôi biệt thự trở thành địa chỉ văn hóa tổ chức các sự kiện trưng bày, triển lãm và là nơi gặp gỡ của cộng đồng sáng tạo của Thủ đô.
Trong hơn 1 năm mở cửa đón khách, đã có hàng chục sự kiện văn hóa, trưng bày diễn ra tại đây, gần đây nhất có triển lãm mỹ thuật mang tên “Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội''; trưng bày, sắp đặt không gian với chủ đề “Khám phá di sản” … Hiện nay, tại tầng 1 của ngôi biệt thự vẫn có không gian trang bày các tranh, ảnh, hiện vật về lịch sử, quá trình trùng tu của ngôi biệt thự này.
Hiện ở tầng 1 của ngôi biệt thự còn trưng bày các hình ảnh, hiện vật về quá trình trùng tu. Ảnh: Hoàng Lân
Theo Giáo sư Lê Văn Lan, việc trùng thu và phát huy giá trị của ngôi biệt thự số 46 Hàng Bài đã tạo thêm cho Hà Nội địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút du khách. Ngôi biệt thự mang dáng dấp tiêu biểu của công trình kiến trúc Pháp đặc trưng ở Hà Nội, đồng thời nơi đây có vị trí đắc địa, lợi thế về không gian để tổ chức các sự kiện văn hóa dành cho cộng đồng.
Diễn giả cũng các đại biểu, chuyên gia, sinh viên tham dự buổi nói chuyện chuyên đề “Biệt thự 46 Hàng Bài: Trùng tu di sản kiến trúc Pháp để thúc đẩy di sản đô thị tại Hà Nội” vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cách tiếp cận hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và nhận thức cộng đồng. Qua ví dụ biệt thự 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo , câu chuyện về việc bảo tồn và trùng tu di sản được đặc biệt quan tâm.
Việc đánh giá lại lại kết quả trùng tu và việc bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi biệt thự Pháp mở đầu cho chuỗi sự kiện của dự án "Hành trình du lịch di sản Hà Nội" do Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ, kết hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội để nghiên cứu, đào tạo và phát triển hành trình du lịch di sản tại Hà Nội.
Hoàng Lân