Sau dấu mốc năm 1975, với các cương vị và trọng trách được giao, Khuất Duy Tiến luôn thể hiện là người cán bộ chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong mọi tình huống để lãnh đạo chỉ huy thắng lợi mọi nhiệm vụ. Luôn đồng nhất ở ông, từ khi là cậu thiếu niên tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, từng bị địch bắt đưa vào nhà tù Hỏa Lò, tiếp đến sớm vượt tù ngục có mặt trong đội hình Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Khuất Duy Tiến được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Khi ra trường, ông được điều về công tác tại Quân khu 3. Khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông lại cùng Sư đoàn 320 hành quân vào đánh Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng miền Nam. Những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt cũng là những năm tháng rèn đúc nên ý chí và bản lĩnh thép của một Khuất Duy Tiến kiên cường, cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát, hiểu biết rõ đến từng người chiến sĩ, từng đơn vị thuộc quyền, luôn nắm bắt đầy đủ ý định, tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, bằng trí tuệ và bản lĩnh, tầm nhìn của mình đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau khi đất nước thống nhất, hai đầu biên giới lại rộ lên tiếng súng, Khuất Duy Tiến trên cương vị mới Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (1976 - 1979); Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980 - 1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984 - 1989) đã ngày càng trưởng thành trong sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đội ta. Khuất Duy Tiến cùng bộ đội tham gia đánh Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1989, ông được điều giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 và nghỉ hưu năm 1997 khi tròn 66 tuổi.
Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: qdnd.vn
Cuộc đời của Trung tướng Khuất Duy Tiến là điển hình của người chiến sĩ cách mạng chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ngẫm ngợi về thế hệ các ông, chúng tôi, thế hệ cầm bút vinh dự được khoác trên mình bộ quân phục càng thấy thật rõ những gì có được hôm nay đã phải đổi bằng rất nhiều máu xương của các thế hệ đi trước trong đó có ông, vị Trung tướng khả kính của quê hương Đại Đồng - Thạch Thất.
Tiếp xúc với ông, nghe ông trò chuyện tôi càng cảm phục sự mẫn tiệp và đức tính giản dị của người con quê hương Đại Đồng. Nhìn vẻ mặt tươi nhuần, nụ cười rạng rỡ của lão tướng quân tôi càng thấy rõ một điều, thế hệ cha anh đã đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thiêng liêng là một lẽ đương nhiên. Những vị tướng sinh ra từ nhân dân, chiến đấu trong sự bao bọc, chở che của nhân dân chắc chắn sẽ đi đến ngày toàn thắng.
Đoàn quân chính nghĩa trong đó có Khuất Duy Tiến dưới sự dẫn dắt của Đảng, của Bác Hồ đã làm nên những điều thần kỳ từ chính lầm than, cơ cực, để đất nước chúng ta, nhân dân chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Từ trong sâu thẳm, bằng những trực cảm của mình, tôi đã thấy được vị lão tướng trong hành trình trưởng thành của mình đã như những suối nguồn đi ra sông dài biển lớn. Vị tướng trận rung rung mái đầu bạc trắng, nheo cặp mắt hồn hậu nhìn ra khoảng trời phía trước đang mở ra an bình, thơ thới. Phía trước, lá cờ đỏ sao vàng tung bay cuồn cuộn trên nóc cột cờ Hà Nội. Xa kia, dòng sông Hồng đang mùa phù sa dâng đẫm mật cho đôi bờ ngô lúa tốt tươi. Và nơi xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, ngôi làng cổ từng có tên “Kẻ Đòng”, “Cự Đồng”, “Ấp Đồng” từ thời vua Lê Thế Tông, Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông đến nay vẫn còn đó ngôi đình cổ với những phiến đá xanh vuông đế tròn thấm đẫm nước thời gian. Đó cũng là nơi sinh ra người con, người chiến sĩ, vị tướng Khuất Duy Tiến.
Cây có cội nước có nguồn, chính quê hương - nguồn cội lớn đã tạo nên sức mạnh cho người chiến sĩ. Ngẫm về ông - vị tướng của vùng đất Đại Đồng - xưa kia là tổng Đại Đồng với các địa danh: Đại Đồng, Cẩm Bào, Yên Lỗ, Thanh Câu, Lại Khánh, Hạnh Đàn, Hoàng Xá, chúng ta càng thấy rõ một điều, chính các mạch nguồn đất đai, tổ tông nguồn cội đã sinh thành và nuôi dưỡng những người con đủ sức lớn mạnh, trưởng thành, đi đánh giặc và đánh thắng giặc, để những người con ấy, buổi thanh bình về hiếu kính tiên tổ, quê hương. Trung tướng Khuất Duy Tiến là một người con trung - dũng - hiếu - thuận, một niềm tự hào của vùng đất Đại Đồng giàu truyền thống cách mạng. Cuộc đời ông đã thể hiện sự phong phú, sinh động, sự trưởng thành của người chiến sĩ cách mạng giàu nghị lực, luôn khiêm tốn, sẵn sàng hy sinh trên mỗi chặng đường.
Trong hành trình của vị Trung tướng quê hương Đại Đồng từ những ngày thiếu đói, cơ cực, nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm chỉ mơ ước bữa ăn no, manh áo vải nâu, giấc ngủ không chập chờn ốm đau, bệnh tật, giặc giã đến những buổi sớm theo Việt Minh, tham gia công tác đoàn thể nơi quê hương những ngày đánh Pháp. Nhưng cũng chính tuổi thơ lầm than đã cho Khuất Duy Tiến sớm có ý chí, sớm có bản lĩnh kiên cường, dứt khoát, chỉ có thể tiến theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ đến ngày toàn thắng mà không màng gì đến tính mạng của mình.
Tuổi thơ Khuất Duy Tiến cũng như tuổi thơ hàng vạn, hàng triệu người con đất Việt buổi mất nước, buổi bị tước đi cái quyền cơ bản nhất - quyền làm người. Ông cũng được hưởng đức tính kiên cường, sự tiết tháo của người cha Khuất Duy Đản vốn mang trọng trách trưởng tộc dòng họ Khuất ở Đại Đồng. Người cha Khuất Duy Đản được ông bà nội ngoại quý mến, sớm cho đi học chữ Nho từ năm 6 tuổi. Khi bố mất, Khuất Duy Đản tròn 7 tuổi. Cái tuổi còn quá non nớt để phải chịu đựng đau thương, mất mát không dễ bề gượng dậy được ấy. Người mẹ Vũ Thị Tốt sau buổi chết đi sống lại đã gắng gượng cùng họ hàng nội ngoại cắn chặt răng làm lụng nuôi nấng các con thành người. Người con Khuất Duy Đản 9 tuổi đã phải ngày ngày đi mót lúa mót khoai, bắt cua bắt ốc, kiếm củi cắt rạ giúp đỡ mẹ nuôi các em. 9 tuổi đầu, Khuất Duy Đản đã nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Con lớn rồi, con có thể chăn trâu, cắt cỏ, quét dọn nhà cửa, phơi rơm, phơi thóc được. Mẹ cho con đi ở để kiếm bát cơm của người đỡ mẹ phải nuôi con.
Người mẹ góa chồng khóc mắng con trong nước mắt:
- Con phải đi học khi nào viết được văn tế tổ đi làm gì hãy đi. Mẹ còn lê được chân, con còn phải đi học.
Những năm tháng ấy cả nước đói. Người chết la liệt. Ruột thịt còn không cứu được nhau. Khi không còn gì để ăn, người mẹ đành dứt ruột cho Khuất Duy Đản đi ở tại làng Thụy Phiếu khi Đản mới hơn 9 tuổi. Cậu bé Đản lam làm, hiếu thuận, nhẫn nhịn đã gặp được gia đình người chủ rất tốt bụng và quý mến đến năm 23 tuổi còn định gả con gái cho nhưng chàng trai họ Khuất theo lời họ mạc và mẹ đã trở về cưới vợ. Gia đình người chủ tiếc lắm, luôn coi như con cái ruột. Tiếp đó là chiến tranh giặc giã mỗi người mỗi nơi ly tán phương trời.
Bố mẹ Khuất Duy Tiến sinh 10 người con chỉ nuôi được 5 người. Tiến là anh cả sinh năm 1931, tiếp đó Khuất Thị Đạt sinh năm 1933, người em thứ 8 Khuất Thị Lan sinh năm 1948, em thứ 9 Khuất Thị Liên sinh năm 1950, em thứ 10 Khuất Duy Viễn sinh năm 1952. Còn các em từ thứ 3 đến thứ 7 mất còn rất nhỏ vì đói, bệnh tật. Xã hội phong kiến hủ lậu với những thối nát cùng cực đã cướp đi sinh mạng của biết bao người.
Cách mạng Tháng Tám như một ngọn gió mạnh quét sạch những tàn dư, thổi một luồng sinh khí mới vào mỗi con người Việt Nam mới hôm qua thôi còn bần cùng, sợ sệt, không dám ngẩng đầu lên trước đòn vọt kẻ xâm lăng. Tại Thạch Thất, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Xứ ủy viên đã quyết định huy động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang giành chính quyền ở Thạch Thất. Khuất Duy Tiến hăm hở cầm con dao phát bờ cùng các cậu ruột nhập vào đoàn người tham gia cướp chính quyền.
Khuất Duy Tiến nhập ngũ vào Trung đoàn 48. Người con xã Đại Đồng trở thành người lính của Trung đoàn 48 từ ngày 4 tháng 9 năm 1950.
Năm đó Khuất Duy Tiến tròn 19 tuổi.
Theo bước trưởng thành của đơn vị, qua thực tiễn chiến đấu, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 19 xung kích đầu năm 1954, khi trên toàn chiến trường, ta đang chuẩn bị mọi mặt để đánh Điện Biên Phủ. Đại đoàn 320 khẩn trương hoạt động đánh địch trên khắp đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các khu vực Thái Bình, Phủ Lý, Ninh Bình, Phát Diệm, các trục đường quốc lộ, đường sông để phân tán, xé nhỏ tiềm lực của địch. Các Trung đoàn 48, 52, 64 liên tiếp nổ súng đánh địch khắp nơi và lập được nhiều chiến công. Trong trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Chùa Ông, Khuất Duy Tiến bị thương vào cổ tay phải vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm. Đúng là bom đạn tránh người, Khuất Duy Tiến nhiều lần bị thương nhưng dường như bom đạn chưa thể sát thương được người con anh dũng Đại Đồng.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
Bài 2: Người chắp bút kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Nguyên