Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần

Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
một giờ trướcBài gốc
Sáng 24/11, trao đổi với VietNamNet, đại diện gia đình Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến cho biết, Trung tướng Khuất Duy Tiến mất lúc 16h10 ngày 23/11.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, sinh năm 1931 ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ông là nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Trung tướng Khuất Duy Tiến phát biểu tại hội thảo khoa học với chủ đề Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 hồi năm 2021. Ảnh: Hương Lài
Trung tướng Khuất Duy Tiến được giác ngộ cách mạng từ năm 13 tuổi. Sau khi vào bộ đội, ông liên tục chiến đấu, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.
Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, sau đó về quân khu 3 công tác. Khi Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông cùng Sư đoàn 320 hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn.
Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại cùng đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế...
Trải qua nhiều cương vị công tác, với sự phong phú về vốn sống và những trải nghiệm quý báu, ông đã phát huy phẩm chất đáng quý về trí tuệ và nhân cách của một cán bộ cao cấp trong quân đội.
Trung tướng Khuất Duy Tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý gồm: Huân chương Quân công (hạng nhì, bа) Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (nhất, nhì, ba), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...
Năm 2013, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2023, ông được trao tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú.
Người chắp bút "kế hoạch nghi binh" ở Tây Nguyên
Theo Báo QĐND, đầu tháng 11/1973, ông Khuất Duy Tiến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 được điều về làm Tham mưu phó Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Chưa tròn một tuần sau, ông lại có quyết định mới: Bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên.
Sau khi ra Hà Nội dự tổng kết chiến dịch Tây Nguyên năm 1972 trở lại mặt trận thì ông được biết, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận nhiệm vụ chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt địch theo Đường 14 qua Đức Lập, giải phóng Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) mở hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Phòng Tác chiến Mặt trận đã tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch mang tên “Chiến dịch tháng 2/1975”.
Nhưng do tình hình thay đổi, sau chiến thắng Phước Long, Trung ương đánh giá Mỹ không có khả năng can thiệp. Phương án tác chiến trong năm 1975 hướng tấn công chính sẽ là các thành phố, thị xã. Từ tháng 10/1974, Trưởng phòng Khuất Duy Tiến lại cùng trợ lý bắt tay vào xây dựng một kế hoạch khác.
Sau 2 tuần soạn thảo, một kế hoạch mới “hoàn hảo”, gọi tắt là kế hoạch B do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến viết tay, tổng hợp trên 10 trang giấy pơ-luya chính thức được Tư lệnh Vũ Lăng thông qua.
Đây chính là kế hoạch nghi binh để giữ bí mật tuyệt đối về kế hoạch thật của chiến dịch.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, việc nghi binh nhằm đánh lừa địch lên phía Bắc Tây Nguyên, trong khi ta bí mật để hai sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 hành quân xuống Nam Tây Nguyên bao vây, cô lập Buôn Ma Thuột để có được thắng lợi trong trận then chốt. Kế hoạch nghi binh thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng của ta.
Bản gốc “Kế hoạch nghi binh” nói trên được Trung tướng Khuất Duy Tiến nâng niu giữ gìn suốt 35 năm. Đến ngày 11/2/2009, hưởng ứng Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, ông đã tặng lại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật giáo dục truyền thống.
Trần Thường
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/trung-tuong-khuat-duy-tien-tu-tran-2345051.html