Ngày 17-12, thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia và kỷ niệm Ngày An ninh mạng Việt Nam, Bộ Công an phối hợp Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lần đầu tiên tổ chức Diễn tập An ninh mạng quốc gia năm 2024.
Triển lãm có chủ đề Ứng phó khắc phục sự cố tấn công APT vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thông tin tại sự kiện, Ban tổ chức cho biết thời gian qua, tình hình tấn công mạng không ngừng gia tăng, phức tạp, khó lường và có xu hướng nhắm vào các hệ thống thông tin quan trọng của các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông…
Các đội thi ứng phó với tình huống giả định.
Năng lực phòng, chống và ứng phó với tấn công mạng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Khi có sự cố tấn công mạng xảy ra, quy trình xử lý, ứng phó nhanh chóng để giảm thiểu tối đa thiệt hại còn gặp lúng túng, khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp các đơn vị, tổ chức phải chịu thiệt hại lớn từ các cuộc tấn công mạng và để lại những hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn tiếp tục bị tấn công trong tương lai.
Trong năm 2024, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 74.000 cảnh báo tấn công mạng, 83 chiến dịch tấn công mạng có chủ đích (APT) tại Việt Nam, thu thập và phân tích 125 mẫu thuộc 64 dòng mã độc khác nhau của tin tặc.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Việt Nam muốn xây dựng kỷ nguyên mới phát triển thịnh vượng phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có sự thịnh vượng trên không gian mạng, phải bảo vệ được các hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia, như bảo vệ hệ thống thần kinh trung ương.
“Nhưng không gian mạng vốn đã mang trong mình sự không an toàn, an ninh. Bảo đảm an ninh không gian mạng Việt Nam là sứ mạng cao cả của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực an ninh mạng"- Trung tướng Nguyễn Minh Chính nói và khẳng định đây là trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia, Bộ Công an, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Văn phòng Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chuyên về an ninh mạng.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tổng kết diễn tập.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính nêu thực tế, với hàng chục triệu cảnh báo, chỉ dấu tấn công mạng diễn ra vào hệ thống thông tin của nước ta hằng năm, chúng ta đã thấy rõ đây không phải là cuộc chơi mà là cuộc chiến.
“Một cuộc chiến toàn cầu sẽ không có nền an ninh đúng nghĩa nếu như không gian mạng quốc gia liên tục bị tấn công mà không thể ứng cứu”- Trung tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại Diễn tập An ninh mạng quốc gia năm 2024, ban tổ chức giả định một đơn vị kinh tế trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực vận tải hàng không bị tấn công, xâm nhập (Đơn vị X).
Đơn vị này đã báo cáo lực lượng chuyên trách về an ninh mạng Cục A05, Bộ Công an đề nghị trợ giúp.
Dựa trên báo cáo, A05 triển khai ngay các hoạt động cần thiết, điều phối các đơn vị chức năng, phối hợp các chuyên gia của doanh nghiệp thành viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cùng với đơn vị X thực nghiệm kiểm tra, điều tra và ứng phó sự cố.
Diễn tập diễn ra trong 6 tiếng liên tục, chia thành nhiều pha khác nhau. Ở mỗi pha, để tăng thêm các tình huống mới, ban tổ chức sẽ liên tục thực hiện tấn công giả lập ngẫu nhiên vào các máy chủ trong hệ thống diễn tập mà không báo trước.
Các đội thi được cung cấp thông tin, công cụ diễn tập, đồng thời trao đổi thông tin trong đội qua kênh truyền tin bảo mật do cục A05 bố trí trên hệ thống Signet
41 đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, lực lượng Công an, đơn vị chủ quản các hệ thống thông tin trọng yếu, các ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực an ninh mạng được chia thành 10 đội thi.
VIẾT THỊNH