Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hòa Quý (TP Đà Nẵng), từ nhỏ Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã chứng kiến sự dã man của địch đối với người dân yêu nước. Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, lòng căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc cậu bé Hai Thu dũng cảm giết giặc từ tuổi 12.
Tuổi nhỏ, chí lớn
Trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, vợ chồng ông Chín nhiều lần bị địch bắt. Chúng đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng họ vẫn một lòng kiên trung không hề khai báo đồng chí, đồng đội của mình. Tấm gương dũng cảm, kiên trung ấy đã trực tiếp tác động đến Hai Thu, khơi dậy lòng căm thù giặc cao độ. Vì lẽ đó, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Hai Thu đã thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, quyết tâm tiêu diệt địch, được tặng 4 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, dũng sĩ diệt xe cơ giới, bắn rơi máy bay Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu kể chuyện dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu giác ngộ cách mạng từ rất sớm bởi ảnh hưởng từ người cha kính yêu. Cha ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Hề (tức Chín), dũng cảm hy sinh khi đang là bí thư chi bộ. Trong lòng người dân xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) liệt sĩ Nguyễn Văn Hề xứng đáng là người anh hùng.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Hề quê gốc ở Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tham gia bộ đội, làm cán bộ Huyện đội Hòa Vang thời chống Pháp. Thời điểm phong trào cách mạng ở địa phương bị địch đàn áp, truy lùng gắt gao, ông đưa vợ là Lê Thị Tưởng (Bảy), cũng là một du kích bí mật vào móc nối với cơ sở hoạt động cách mạng tại xã Bình Dương.
Từ làng chài ven biển ông Chín cùng bà Bảy vừa gắn bó với nghề đi biển, vừa tích lũy lương thực bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội trong nhà. Thời kỳ này, Hai Thu còn nhỏ tuổi, nhưng ông Chín đã huấn luyện cậu con trai cả làm liên lạc, đưa thư, dò la tin tức, lấy vũ khí địch đánh địch. Ông còn hướng dẫn Hai Thu cách luồn lách vòng tránh khi chạm mặt kẻ thù, chạy dích dắc khi đạn bắn theo. Cách giáo dục các con làm cách mạng của ông Chín rất điềm tĩnh, gan dạ và bản lĩnh. Dù con trai còn nhỏ tuổi nhưng ông hoàn toàn tin tưởng, coi như đồng chí của mình. Chính vì vậy, khi Hai Thu tròn mười tuổi ông đã giới thiệu vào Đội thiếu niên tiền phong, làm “du kích nhí”. Ngày ấy, có lần hai cha con phối hợp mưu trí giải cứu 20 cán bộ, du kích thoát khỏi vòng vây của quân địch.
Trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, vợ chồng ông Chín nhiều lần bị địch bắt. Chúng đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng họ vẫn một lòng kiên trung không hề khai báo đồng chí, đồng đội của mình. Tấm gương dũng cảm, kiên trung ấy đã trực tiếp tác động đến người con trai đang nuôi chí lớn và lòng căm thù giặc cao độ.
Lấy vũ khí địch diệt địch
Ngày ấy, Đội du kích thiếu nhi mới thành lập được một thời gian ngắn thì lính Mỹ đã đặt chân lên vùng cát trắng Bình Dương. Căm thù quân giặc, Nguyễn Trung Thu trăn trở suy nghĩ làm sao để diệt được lính Mỹ khi chúng vào làng. Từ cuối năm 1965, hầu như ngày nào cũng có lính Mỹ đi lùng sục. Thế nên anh cùng đồng đội tích cực đi lượm pháo lép, bom câm về lấy thuốc nổ, gắn kíp chế tạo thành mìn chống bộ binh, chống xe tăng. Khi thấy lính Mỹ cơ động vào làng, Hai Thu bỏ mìn vào túi nhỏ đảm bảo vừa cơ động nhanh, vừa có thời gian để gài ở những vị trí hóc hiểm như: Bãi cỏ, trên bụi dứa dại, dưới triền cát ven đường… khiến cho địch bao phen kinh hồn bạt vía.
Điều đặc biệt là dù đang độ tuổi thiếu niên nhưng sau mỗi trận đánh hoặc khi tiếp xúc với lính Mỹ, Hai Thu luôn chủ động rút kinh nghiệm để đồng đội biết mà tránh. Ngày ấy, anh căn dặn các đội viên du kích: “Với lính Mỹ, ta có thể ăn cắp được đạn, lựu đạn. Còn thuốc lá, cà phê, bánh kẹo, ta xin chúng sẽ cho. Anh em nên nhớ tuyệt đối không được ăn cắp bi đông và súng vì đây là hai thứ bất ly thân của lính Mỹ. Mình mà ăn cắp hai thứ ni, chúng sẽ truy đuổi đến cùng!...”.
Trong điều kiện kháng chiến còn nhiều khó khăn, du kích chủ yếu lấy súng địch để đánh địch, lực lượng du kích thiếu niên càng khan hiếm vũ khí hơn. Ngược lại, lính Mỹ được trang bị hiện đại “đến tận răng”. Sau nhiều lần vào làng dính mìn của du kích, quân địch trang bị thêm máy dò gỡ mìn cho lính ra sức lùng sục. Đến chỗ nào muốn nghỉ ngơi, chúng cảnh giác dò gỡ từng mét vuông đất. Do đó, muốn tiếp tục tiêu diệt được lính Mỹ, du kích phải biết dùng mưu.
Không chịu khuất phục trước khó khăn, Hai Thu nghĩ ra những cánh đánh Mỹ độc đáo mà chỉ khi ông nói thì người khác mới biết. Một lần, Hai Thu cùng người bạn đi đặt mìn phục kích lính Mỹ vào làng. Kết quả, mìn do ông đặt đã tiêu diệt được ba tên lính Mỹ và làm bị thương ba tên khác. Người bạn đi cùng thấy lạ hỏi: “Mi đặt ra răng mà lính Mỹ chết nhiều rứa?”. Ông cười rồi giải thích, mìn tui đưa cho ông gài là mìn giả, còn mìn tui đặt là mìn thật. Khi dò mìn, lính Mỹ thấy mìn giả nên chủ quan không cần dò nữa mà tiếp tục đi sâu vào bên trong nên mới vướng vào mìn thật, rứa là nổ tan xác..”. Nhặt bom câm, bom lép, đạn pháo chưa nổ về cải tiến thành vũ khí, gài mìn, đào hầm chông, đặt bẫy... đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi ngày ấu thơ dữ dội và đầy oai hùng của “du kích nhí” Nguyễn Trung Thu.
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ và chư hầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Chúng không chỉ ráo riết lùng sục mà còn đóng quân dã ngoại ngay những nơi nghi ngờ có lực lượng du kích của ta hoạt động. Đầu năm 1967, một đại đội Mỹ lùng sục khắp thôn 6, xã Bình Dương vì chúng biết nơi đây du kích hoạt động mạnh mẽ. Dù đã có tin gián điệp cho biết cán bộ, du kích của ta đang ở trong thôn nhưng địch vẫn không thể nào dò được hầm bí mật ở đâu. Chúng kiên trì mai phục và đóng quân ngay trên khu vực hầm bí mật mà du kích và cán bộ đang ẩn náu trong đó.
Suốt ba ngày đêm liền, nhưng lính Mỹ không có dấu hiệu rời đi. Lúc này Hai Thu vô cùng sốt ruột, bởi nếu kéo dài thêm nữa thì các anh dưới hầm bí mật sẽ khó sống vì chết đói, chết khát. Nếu ta xông lên đánh cũng khó thoát vì địch có quân số áp đảo, vũ khí trang bị mạnh và chúng chỉ ở cách miệng hầm vài mét. Nát óc suy tính nhiều phương án, cuối cùng Hai Thu quyết định hành động để cứu lực lượng của ta ở trong hầm. Trước mắt, anh chọn hai bạn du kích thiếu nhi là Nguyễn Văn Bổng và Phạm Mười cùng đi gài mìn và lựu đạn ở những vị trí mà ông cho rằng lính Mỹ sẽ rút lui khi bị ta tiến công. Sau đó, ông thông báo cho dân làng bí mật rời đi vì tới đến sẽ có đánh nhau. Bà con hiểu ý, cứ để nguyên cửa ngõ như vậy, lặng lẽ rút sang làng bên cạnh. Đội du kích thiếu nhi chỉ có ba người, Hai Thu quyết định sang làng khác gọi hai anh du kích lớn tuổi là ông Lưu và ông Yên cùng tham gia chiến đấu. Lúc này ông Lưu giật mình hỏi:
- Đánh thế chết dân đấy mày!
- Họ đi hết rồi chú ơi! Cháu báo cho dân đi hết rồi mới sang kêu mấy chú đây!
Đồng chí Nguyễn Trung Thu cùng hai em ruột Nguyễn Thị Năm và Nguyễn Mạnh Cường gặp nhau sau ngày giải phóng miền Nam (tháng 5-1975). Ảnh do nhân vật cung cấp
Không thể dàn trận chiến đấu trực diện với địch, Hai Thu hướng dẫn từng người nằm tại vị trí, cho tới khi nào nghe tiếng súng từ trong đánh ra thì nhanh chóng rút theo hướng nào thuận lợi, lưu ý tránh bắn nhầm người của ta. Sở dĩ ông phân công như vậy vì Hai Thu biết chắc rằng khi nghe tiếng súng thì nhất định lực lượng dưới hầm bí mật sẽ bật nắp hầm lên chiến đấu. Đúng 21 giờ đêm hôm ấy, cả năm mũi đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn vào vị trí đóng quân của địch. Lính Mỹ bị bất ngờ vì không biết bị lực lượng nào của ta tập kích, vội nổ súng loạn xạ vào bóng đêm.
Dưới hầm bí mật, cán bộ, du kích của ta nghe tiếng súng biết là đội du kích thiếu niên đã giải cứu liền bật tung nắp hầm nhảy lên chiến đấu. Bị quân ta bất ngờ từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào nhưng với quân số đông và vũ khí trang bị mạnh nên địch vẫn cầm cự đến gần sáng mới chịu rút lui. Về phía ta, mục đích chính là giải thoát cán bộ, du kích trong hầm bí mật nên vừa đánh vừa lui để bảo toàn lực lượng. Khoảng hai giờ sáng hôm sau, du kích “nhí” và số cán bộ, du kích vừa mới thoát ra khỏi hầm bí mật mới hội quân được với nhau.
Trong niềm vui khôn tả, mọi người phát hiện thiếu Bí thư chi bộ xã Bình Dương Nguyễn Văn Hề. Lúc này, lính Mỹ đã rút khỏi làng. Tất cả cùng tỏa ra tìm kiếm và phát hiện ông Chín Hề bị thương, nằm trong căn hầm bí mật gần điểm xuất phát. Lúc này Hai Thu gặp được ba Chín Hề mừng mừng tủi tủi. Ôm Hai Thu vào lòng, ông Nguyễn Văn Hề ánh lên niềm tự hào, xúc động nói với người con trai cả của mình: “Ba biết là thế nào các con cũng cứu ba và các chú. Nghe tiếng súng là ba biết ngay mấy đứa bay đánh rồi!”.
Lần khác, thấy từng đoàn xe tăng địch càn quét, hung hãn bắn giết nhân dân, trong đó có nhiều người thân của mình, Thu nghĩ, phải diệt cho được xe tăng của Mỹ. Vậy là Thu cùng bạn bè lấy cắp vũ khí của quân Mỹ để chế thành mìn bí mật đem đặt giữa đội hình địch trú quân. Khi chúng tiếp tục tiến quân những chiếc xe đi sau rất chủ quan, vừa rời khỏi vị trí, một chiếc đè lên mìn, mìn nổ xe tăng địch bốc cháy. Đội hình địch rối loạn, chúng bắn bừa bãi khắp nơi, lợi dụng cơ hội đó, anh em du kích lao vào tấn công diệt hàng chục tên Mỹ. Trận đánh ấy khiến nhân dân vô cùng phấn khởi, khâm phục… Chưa đầy hai năm, Thu tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, cùng đồng đội tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy.
Trong hai năm 1965 và 1966, Nguyễn Trung Thu đã được tặng thưởng 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú. Riêng năm 1966, Hai Thu còn được Đội Thiếu niên tiền phong xã Bình Dương bình chọn đề nghị cấp trên tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới cấp ưu tú do thành tích gài mìn đánh cháy xe tăng địch. Với những chiến công ấy, cuối năm 1966, Nguyễn Trung Thu vinh dự có mặt trong đoàn dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm miền Bắc, được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội… Có lẽ với Trung tướng Nguyễn Trung Thu, lần gặp Bác Hồ năm mùa xuân năm ấy mãi mãi là kỷ niệm thiêng liêng và máu thịt, là hành trang theo ông suốt cả cuộc đời…
Dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ
Tham gia du kích thiếu niên, gài mìn, đặt bẫy, ném lựu đạn… dường như không có gì khó khăn đối với Hai Thu. Tuy nhiên sau nhiều lần thất bại, địch đã thay đổi chiến thuật, hạn chế dùng bộ binh đi tuần mà tăng cường sử dụng máy bay trực thăng vũ trang quần đảo, sẵn sàng đổ quân bất ngờ tập kích những nơi chúng nghi ngờ có quân ta ẩn náu. Chúng gọi đây là chiến thuật “trực thăng vận”. Với thủ đoạn mới của địch thì nhiệm vụ bắn máy bay bằng trang bị của du kích ta thì không hề dễ dàng, đối với du kích thiếu nhi lại càng khó khăn hơn. Trước tình hình như vậy, Hai Thu nghĩ rằng khó không có nghĩa là không thực hiện được nên anh âm thầm nghĩ cách phải bắn rơi cho bằng được máy bay trực thăng vũ trang của địch. Súng bộ binh mà bắn vào thân máy bay thì không khác gì “muỗi đốt inox”. Vì vậy, chỉ có cách duy nhất là bắn trúng tên giặc lái.
Nghĩ sao làm vậy, Hai Thu mượn súng của du kích bí mật ra nỗng cát xa làng, nằm khuất sau những khóm xương rồng để tập ngắm bắn máy bay. Hai Thu tưởng tượng mục tiêu đang di động, từ từ rê nòng súng theo, chờ khi nào nó bay treo mới bình tĩnh siết cò. Ngày tiếp ngày trôi qua, Hai Thu luyện tập đến thuần thục từng động tác mà vẫn chưa có cơ hội nổ súng. Vì khi anh đang tập ngắm thì máy bay không vào, lúc máy bay vào lại không mang theo súng. Kiên trì chờ đợi, cuối cùng thời cơ đã đến.
Hôm ấy là một ngày giữa năm 1967, như thường lệ, Hai Thu ra cồn cát tập bắn. Đang giữa mùa hè nhưng hôm đó trời chuyển mưa, mây mù dày đặc. Bất ngờ, một chiếc máy bay trực thăng CH47 của địch bay vè vè trước mũi súng của Nguyễn Trung Thu. Do thời tiết xấu nên khả năng quan sát kém, máy bay phải bay thấp và chậm. Mặt khác, có thể do địch chủ quan vì từ trước tới nay chưa có chiếc máy bay nào bị bắn rơi ở đây.
Nằm khuất sau những bụi cây xương rồng khổng lồ đảm bảo địch không thể nhìn thấy, Hai Thu lấy phần tử bắn đón là tên giặc lái, bình tĩnh rê nòng súng theo hướng máy bay. Chờ khi chiếc trực thăng bay treo tại chỗ để bọn lính trên máy bay sử dụng ống nhòm quan sát những nơi nghi ngờ quân ta ẩn náu, Hai Thu nín thở ngắm thật chuẩn rồi lặng lẽ siết cò. Anh biết rằng nếu mình bắn trượt thì khẩu đại liên trên máy bay sẽ lập tức vãi đạn về phía mình, dù có tài độn thổ cũng không thoát được sự hy sinh. Sau tiếng nổ đanh gọn của khẩu súng trường, chiếc máy bay lập tức mất độ cao rơi thẳng xuống đất nổ tung.
Kiềm chế niềm vui chiến thắng, Nguyễn Trung Thu vội rút vào làng giấu súng, sau đó chạy ra biển như không hề biết việc gì vừa xảy ra. Quân Mỹ tức tối điều quân lên bảo vệ hiện trường, thu nhặt xác lính, xác máy bay nhưng cũng không giám nã pháo vào làng. Nhân dân rất vui mừng, du kích cải trang hợp pháp ra xem, có người đếm được 34 chiếu mũ sắt bị cháy sém nên phỏng đoán có 34 tên lính Mỹ đã chết cháy theo máy bay. Trong điều kiện chiến tranh bí mật, không ai bảo ai nhưng mọi người vẫn biết chiến công trên là của Đội trưởng Đội Du kích thiếu nhi Nguyễn Trung Thu vì thường ngày họ vẫn thấy ông lén mượn súng đi tập bắn máy bay.
Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, bà Bảy bị địch bắt bỏ tù vì tội đi đầu trong đoàn biểu tình chống Mỹ - ngụy. Trong hoàn cảnh này, ông Chín Hề có thể giữ cậu con trai bên mình, nhưng không làm vậy vì thấy lòng căm thù và quyết tâm giết giặc từ cậu con trai mới 16 tuổi, vóc dáng bé nhỏ, thân súng cao hơn thân người nên đồng ý để Hai Thu đi bộ đội. Ông Chín đâu có ngờ ngày chia tay cậu con trai cả vào bộ đội cũng chính là ngày hai bố con không bao giờ gặp lại nhau. Bởi không lâu sau đó ông Chín Hề anh dũng hy sinh...
Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Trung Thu và người thân bên mộ mẹ Lê Thị Tưởng năm 2019. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tháng 2-1968, Nguyễn Trung Thu lên đường nhập ngũ. Chưa tròn 15 tuổi, anh trở thành người chiến sĩ của Sư đoàn bộ binh 2, Quân khu 5. Sau đó, cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Trung Thu cuốn theo những tháng năm ác liệt trên các chiến trường Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1971, Đảng ủy - Chỉ huy Sư đoàn bộ binh 2 đã cử ông đi học sĩ quan tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đơn vị.
Mặc dù không muốn xa đồng chí, đồng đội nhưng xác định đi học cũng là một nhiệm vụ nên Nguyễn Trung Thu đã lên đường ra Sơn Tây nhập học đúng thời gian. Cuối năm 1974, ông tốt nghiệp và trở về miền Nam chiến đấu. Từ đấy ông gắn bó với chiến trường Liên khu 5. Quá trình chiến đấu, trưởng thành ông kinh qua nhiều vị trí công tác. Rồi trở thành Tư lệnh Quân khu 5 và sau này là Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
(còn nữa)
Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG