Trung tướng Nguyễn Trung Thu: Kiên trung thời chiến, nhân ái thời bình - Bài 3: Tấm lòng nhân ái của vị tướng (tiếp theo và hết)

Trung tướng Nguyễn Trung Thu: Kiên trung thời chiến, nhân ái thời bình - Bài 3: Tấm lòng nhân ái của vị tướng (tiếp theo và hết)
3 ngày trướcBài gốc
Những giọt nước mắt tri ân
Tôi nhớ mãi chiều mùa hạ năm 2009, nắng miền Trung như thiêu đốt, Hội trường Quân khu 5 chật cứng bóng quân phục cùng màu áo cựu chiến binh và đông đảo các thế hệ những người lính “Khu 5” về dự buổi “Giao lưu với các nữ cựu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vận tải 232 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu trò chuyện cùng các nữ cựu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vận tải 232 (19-6-2009).
Hôm đó, trong chương trình giao lưu, giọng Trung tướng Nguyễn Trung Thu bùi ngùi: “Cuộc gặp mặt này là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, không chỉ nhắc nhở chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng, mà còn thể hiện sự tri ân đối với những người chẳng tiếc máu xương, xả thân vì sự trường tồn của một dân tộc anh hùng. Bước chân của các chị đã đi suốt chiều dài chiến dịch. Hình ảnh những cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi gùi hàng trong lửa đạn mãi mãi là hình ảnh cao đẹp, là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thế hệ chúng ta hôm nay phải bày tỏ niềm tin, lòng tự hào và sự biết ơn sâu nặng...”. Vì quá xúc động, giọng ông cứ bị ngắt quãng. Những giọt nước mắt của vị tướng từng tham gia đánh giặc từ tuổi 12 đã rơi trong buổi giao lưu. Cả hội trường hôm ấy chìm trong yên lặng…
Hơn 34 năm về trước, khi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go, căng thẳng và ác liệt nhất, trên chiến trường Khu 5 khói lửa, một đội quân “tóc dài” của miền Trung đã ra đời với cái tên Tiểu đoàn Vận tải 232, mà quân dân đất Quảng và Khu 5 quen gọi “Tiểu đoàn bà Thao”... Với ý chí sắt đá và quyết tâm phi thường họ đã vượt núi, băng rừng vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men... với mục tiêu duy nhất là tất cả chi viện cho chiến trường. Trong khoảng thời gian gần 4 năm (từ 1969 - 1972), Tiểu đoàn nữ vận tải 232 đã vận chuyển 5.019 tấn hàng, bình quân mỗi năm vận chuyển 1.255 tấn, với tổng số hơn 7.000km hành quân bộ....
Để các nữ cựu cán bộ, chiến sĩ “Tiểu đoàn bà Thao” có được phút giây hạnh phúc gặp lại nhau sau hơn 34 năm trời đằng đẵng xa cách, công đầu phải nói tới Trung tướng Nguyễn Trung Thu.
Trong lần về thăm chiến trường xưa, chứng kiến cuộc sống lam lũ của một nữ cựu chiến sĩ Tiểu đoàn Vận tải 232, ông cũng đã xúc động không nói nên lời… Và không lâu sau đó, trong một buổi họp bàn kế hoạch triển khai các hoạt động nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã phát biểu những lời từ gan ruột của mình: “Trong chiến tranh, người dân Khu 5 một lòng một dạ vững tin theo lời Đảng gọi. Họ luôn nhận gian khó về mình, nhường thuận lợi về phía bạn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vận tải 232 cũng như vậy, các chị âm thầm lặng lẽ đón nhận hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân phục vụ chiến trường. Hòa bình, họ lại âm thầm chịu đựng nỗi khó khăn vất vả... Sự hy sinh ấy nhất thiết phải được thế hệ ngày hôm nay và mai sau biết đến, tôn vinh và tri ân...”
Trung tướng Nguyễn Trung Thu trao quà tặng các già làng, trưởng thôn tiêu biểu (tháng 5-2009).
Câu nói của Tư lệnh Quân khu hôm ấy đã khiến những người có trách nhiệm phải suy nghĩ... Không lâu sau đó, bằng chính sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Trung Thu và sự tham mưu của các cơ quan, ban ngành, một loạt các chủ trương, chính sách được đề ra, cùng với đó là các phong trào, hoạt động tình nghĩa dấy lên mạnh mẽ và trở thành một nội dung lớn trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong năm 2009.
Với tổng số tiền 1,66 tỷ đồng mà các cơ quan đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, Bộ tư lệnh Quân khu quyết định tặng mỗi chị một phần quà trị giá 1,3 triệu đồng; hỗ trợ 120 triệu đồng tới 12 chị thương binh nặng (mỗi chị 12 triệu đồng) để chữa bệnh; hỗ trợ 140 triệu đồng tới 7 chị (mỗi chị 20 triệu đồng) để sửa chữa, nâng cấp nhà ở; tặng 14 ngôi nhà tình nghĩa (trị giá mỗi căn nhà 50 triệu đồng) tới các chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng Ban liên lạc Tiểu đoàn Vận tải 232 số tiền 20 triệu đồng để phục vụ các hoạt động thường niên...
“Ngày vui như trong đêm mơ, qua hết rồi những năm thương đau”, tôi thấy các chị lên nhận quà mà nước mắt lưng tròng… Những ánh mắt ấy đã phần nào bày tỏ sự biết ơn tấm lòng của một vị tướng và những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 5 và những nhà hảo tâm đã dành cho họ...
Mang niềm vui đến với người nghèo
Tôi nhớ mãi dịp Tết Mậu Tý (2008), xuất phát từ ý tưởng của ông, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã trích 250 triệu đồng từ Quỹ “Ngày vì người nghèo” để mua gạo tặng các hộ nghèo trên địa bàn đơn vị đóng quân. Hôm đó ông đã nói một câu mà tôi cảm thấy thấm thía và có sức lan tỏa sâu rộng: “Mươi cân gạo, vài bộ quần áo, tấm chăn, chiếc màn đối với đồng bào nghèo trong mùa giáp hạt là rất quý. Món quà tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, vì đó là tất cả tấm lòng của người chiến sĩ dành cho nhân dân”.
Từ số tiền 250 triệu đồng được phân bổ, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương khảo sát cụ thể từng đối tượng, trực tiếp cử cán bộ mang quà tới từng gia đình. Không chỉ cấp gạo cho dân, các đơn vị trong toàn quân khu còn tổ chức đợt phát động quyên góp chăn màn, quần áo tặng người nghèo.
Thừa ủy quyền của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, đoàn công tác của Quân khu 5 trao quà tặng nhân dân xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 (18-1-2011).
Để thực hiện có hiệu quả đợt phát động, Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã thống nhất bàn bạc với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị triển khai tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức phát động ký kết đến mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân khu. Cán bộ, chiến sĩ còn vận động thêm gia đình, người thân, đơn vị địa phương kết nghĩa, các cơ quan, trường học, công ty, xí nghiệp, nhà máy đứng chân trên địa bàn cùng tham gia… Tất cả mọi người đóng góp trên tinh thần tự nguyện, số lượng không hạn chế. Kết quả đạt được hơn cả sự mong đợi, có tới 13.000 bộ quần áo các loại, 2.300 tấm chăn màn… đã được quyên góp tặng người nghèo.
Ngoài việc quyên góp tặng gạo, quần áo, chăn màn cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, Trung tướng Nguyễn Trung Thu cũng đã thống nhất với Cục Chính trị Quân khu chỉ đạo các đội công tác 123 phối hợp với các đại đội làm công tác dân vận và các đội tuyên truyền văn hóa cơ sở lập kế hoạch cử 350 lượt cán bộ, chiến sĩ đến thăm và chúc Tết hơn 15.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; dự kiến tặng 3.500 suất quà tới các đối tượng chính sách, già làng, trưởng thôn; tham gia giúp dân vệ sinh môi trường, giao lưu văn hóa văn nghệ. Các tỉnh Tây Nguyên hỗ trợ thêm kinh phí cho đội 123 để cán bộ, chiến sĩ vui Tết, đón xuân cùng đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng…
Kỷ niệm sâu sắc với Bộ đội Biên phòng
Bên tách trà tỏa hương dịu ngọt, Trung tướng Nguyễn Trung Thu kể cho tôi về kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo và làm việc với lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm, chúc Tết Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (20-1-2014). Ảnh do nhân vật cung cấp
Giọng ông chậm rãi: “Trên nhiều cương vị công tác, tôi may mắn được gặp gỡ, làm việc với Bộ đội Biên phòng rất nhiều lần, kể cả biên giới đất liền và hải đảo xa xôi. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, song có một kỷ niệm mà tôi tâm đắc nhất…
Ngày ấy, khi lực lượng ta đang thi công đường tuần tra biên giới. Khi đoàn công tác của chúng tôi vừa đến vị trí cụ thể khu vực tranh chấp, tôi đã chuẩn bị sẵn những lời phê phán gay gắt trong đầu để “xạc” cho lực lượng Bộ đội Biên phòng ở đây vì đã không quản lý được đường biên. Thế nhưng ngay trước mặt tôi, các đồng chí Bộ đội Biên phòng đã chờ sẵn, bản đồ trên tay với những khuôn mặt bình tĩnh, rắn rỏi và những lời giải thích: “Báo cáo thủ trưởng! Đây là vùng đất của ta, đường đang làm cách đường biên giới hơn 100m nữa, nhưng có thể bạn có tài liệu khác, cũng có thể còn có một cái gì đó ở phía sau họ, nên bạn không đồng ý cho ta làm”.
Tôi hỏi luôn: “Phía sau họ” là cái gì? Một cán bộ biên phòng còn rất trẻ trả lời: “Thưa thủ trưởng! quốc gia nào cũng vậy, cấp trên chỉ đạo phải bảo vệ trọn vẹn biên giới, ta cũng vậy, có lẽ cấp trên của họ chưa nắm được, chưa hiểu chính xác địa hình, họ cố gắng bảo vệ tốt lãnh thổ của họ. Chúng tôi cũng phải vậy thôi, nếu chưa chắc là biên giới thì phải có ý kiến với bên kia để tìm ra đường biên chính xác nhất. Hôm đó trên đường về, tôi thật sự vui mừng, lớp trẻ của chúng ta đang làm nhiệm vụ nơi biên cương xa xôi, hiểu sâu sắc tình hình nhiệm vụ và các đối sách. Họ làm việc với tình yêu, trách nhiệm, tình cảm, ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…”.
Thời chiến tranh, ông lớn lên và trưởng thành giữa lòng dân. Thời bình, ông luôn gắn bó với nhân dân, nên Trung tướng Nguyễn Trung Thu rất giản dị mà khiêm tốn; nhân ái, bao dung, thương đồng đội, kính trọng nhân dân. Có thể nói, từ lúc cầm súng đánh giặc, rồi về hưu cho đến hôm nay, cuộc đời ông là những trang đời đẹp và đáng trân trọng.
Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-trung-thu-kien-trung-thoi-chien-nhan-ai-thoi-binh-bai-3-tam-long-nhan-ai-cua-vi-tuong-tiep-theo-va-het-801915