Chiều 20/12, tới thăm khu vực trưng bày ngoài trời của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân đã có những trải nghiệm với chiếc TP-150 - máy bay huấn luyện quân sự đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn tại gian trưng bày của Flying Legend Vietnam, đơn vị sản xuất TP-150, Trung tướng Phạm Tuân nhận định loại máy bay này rất tốt để huấn luyện cho phi công trong giai đoạn 1 trước khi chuyển loại lên máy bay huấn luyện phản lực.
Trung tướng Phạm Tuân trải nghiệm trên khoang lái máy bay huấn luyện TP-150.
Trung tướng Phạm Tuân ấn tượng khi một công ty của Việt Nam không chuyên về sản xuất máy bay đã hợp tác với nước ngoài để tiếp nhận công nghệ, sản xuất tại Việt Nam.
Cũng theo Trung tướng Phạm Tuân, về nguyên lý các máy bay đều tương tự nhau, trước đây sử dụng đồng hồ cơ nhưng hiện nay là đồng hồ điện tử, với nhiều tính năng hơn. "Tôi cho rằng sau khi huấn luyện với máy bay này, phi công có thể bay tốt với máy bay chiến đấu", Trung tướng Phạm Tuân nói.
Theo giới thiệu của Flying Legend Vietnam, mẫu TP-150 có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra. Máy bay được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm và trang bị hệ thống càng thu thả được. TP-150 có khả năng cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau.
Thiết kế của TP-150 cho phép máy bay thực hiện các động tác nhào lộn trên không hoặc bay theo đội hình.
Trung tướng Phạm Tuân chụp ảnh cùng các thành viên thuộc nhóm sản xuất TP-150 của công ty Flying Legend Vietnam.
Về tính năng kỹ thuật, TP-150 là máy bay huấn luyện sơ cấp với trần bay khoảng 7.000 m, tốc độ cất cánh 100 km/h, vận tốc tối đa 300 km/h.
Động cơ cánh quạt 915iS - 150HP do Mỹ chế tạo có mức tiêu thụ nhiên liệu tối ưu, đảm bảo cho các nhiệm vụ bay tầm xa, bay trần cao. Đặc biệt, mẫu động cơ này có thể sử dụng các nhiên liệu thông thường, điển hình như xăng A95.
Máy bay TP-150 có thiết kế hai chỗ ngồi, trọng lượng cất cánh tối đa 750 kg.
TP-150 có thể tích hợp được các hệ thống như: Dù khẩn cấp, thùng nhiên liệu phụ và hệ thống tuần tra giám sát (EO/IR và SAR radar).
TP-150 - sản phẩm liên doanh hợp tác giữa Italy và Việt Nam - được thiết kế bởi Công ty Flying Legend (Italy) và sản xuất tại Công ty Flying Legend Việt Nam (đóng tại Vĩnh Phúc).
Sau khi tham quan gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Trung tướng Phạm Tuân nhận xét: So với lần triển lãm năm 2022, triển lãm lần này có quy mô tổ chức, số lượng đơn vị trưng bày lớn hơn; nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại hơn, trong đó có các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Ông cho rằng điều này chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có khả năng tổ chức tốt triển lãm quốc phòng có quy mô quốc tế và các nước cũng nhìn nhận được tiềm năng của Việt Nam.
Theo ông đây là thành công lớn của Việt Nam, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
"Chúng ta tự hào có nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đóng góp lớn vào thành công của triển lãm", Trung tướng Phạm Tuân nói và nhận định thêm rằng hàm lượng công nghệ cao đã tăng rất nhiều, đặc biệt với tác chiến điện tử, tên lửa, máy bay...
Trà Khánh