Trung tướng phi công Phạm Tuân và những kỷ niệm với nước Nga

Trung tướng phi công Phạm Tuân và những kỷ niệm với nước Nga
2 giờ trướcBài gốc
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên đến Liên Xô, đối với phi công Phạm Tuân là những khó khăn, thử thách trong học tập, rèn luyện, nhưng trên tất cả là sự cởi mở, chân thành của người dân nơi đây, vì thế, ông luôn có một tình cảm đặc biệt với Liên Xô ngày đó và nước Nga bây giờ.
Trung tướng Phạm Tuân.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên đến Liên Xô, Trung tướng Phạm Tuân không khỏi bồi hồi: "Ngày còn ở Liên Xô, tôi cảm nhận là một đất nước có thiên nhiên rất đẹp và rộng mênh mông. Từ những dòng sông lớn đến những cánh rừng bát ngát và điều đặc biệt là tình cảm của những người bạn Liên Xô dành cho tôi. Họ luôn yêu quý và coi tôi như thành viên trong gia đình. Là phi công, tôi càng cảm thấy sâu sắc hơn với những gì các bạn dành cho đất nước chúng ta. Thầy giáo Liên Xô đào tạo mình giống như cách họ đào tạo phi công nước họ. Khi tốt nghiệp về nước, thầy giáo ôm lấy tôi bảo, Tuân ơi, mày về mày đánh nhau, nhớ quay đầu 360 độ. Nghĩa là muốn là chúng ta phải chiến thắng địch, không được để địch bắn rơi”.
Sau khi trở về nước, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tướng Phạm Tuân đã gắn liền với những chiến công đặc biệt. Trong đó, vào đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân đã bắn rơi máy bay B-52, trở thành người đầu tiên bắn hạ máy bay được mệnh danh là "siêu pháo đài bay" của Mỹ. Với thành tích này, ngày 3-9-1973, phi công Phạm Tuân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến năm 1977, phi công Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), sau đó được vào Đội bay vũ trụ quốc tế Việt - Xô. Đến ngày 23-7-1980, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko thực hiện chuyến bay vào không gian trên tàu Soyuz 37. Khi đó, ông trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Với thành tích này, trong năm 1980, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông còn vinh dự trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lênin.
Chia sẻ về những điều này, Trung tướng Phạm Tuân nói: “Tôi rất vinh dự khi đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Việc làm ấy như một cách để cá nhân tôi đóng góp thêm cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây, và nước Nga hiện tại”.
Khi được hỏi rằng muốn gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là những người đang học tập, rèn luyện tại Liên bang Nga, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: "Các bạn trẻ hiện đang học tập tại Liên bang Nga hãy học hỏi không chỉ từ sách vở mà cần kết hợp với thực tiễn. Sự kết hợp giữa tri thức và tinh thần ham học hỏi và những kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ là chìa khóa giúp các bạn thành công trong tương lai".
HOÀNG HIỆP - HÀ PHƯƠNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-phi-cong-pham-tuan-va-nhung-ky-niem-voi-nuoc-nga-802005