Ngày 11-1, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ, đã có báo cáo về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Đề xuất chuyển 3 nhóm chức năng, nhiệm vụ về Bộ Công an
Theo đó, về tên gọi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau hợp nhất, Bộ Nội vụ cho biết sẽ giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính; giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ.
Cùng đó, giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng; giữ nguyên tên Bộ KH&CN sau khi hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN và giữ nguyên tên Bộ VH-TT&DL sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ TT&TT.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG
Cũng theo Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ. Cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Cùng với đó, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ TT&TT sang Bộ VH-TT&DL. Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển Viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của Tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).
Về một số chức năng, nhiệm vụ theo đề xuất của Bộ Công an, chuyển ba nhóm chức năng, nhiệm vụ về Bộ Công an quản lý (không làm tăng đầu mối của Bộ Công an).
Cụ thể, chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội (hiện đang giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý).
Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đang giao cho Bộ Tư pháp quản lý) và chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đang giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý).
Đối với bốn nhiệm vụ còn lại là bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; bảo đảm an ninh hàng không, Ban Chỉ đạo của Chính phủ sẽ cho ý kiến để làm cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan.
Hoàn thiện Đề án hợp nhất, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong trước 15-1
Bộ Nội vụ cho biết Trung ương sẽ họp vào ngày 23 và 24-1, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ 12 đến 17-2. Do đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện Đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong (kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình), gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15-1.
Đối với sáu Bộ, ngành là Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ động trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cơ quan mình để Chính phủ ban hành, kịp thời công bố trước ngày 20-1.
Đối với 14 Bộ, ngành còn lại, gồm Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ (sau hợp nhất); Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ VH-TT&DL; Bộ Ngoại giao; Bộ GD&ĐT; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ, chủ động hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Trung ương Đảng có kết luận để kịp thời sau kỳ họp bất thường Quốc hội, Chính phủ sẽ công bố Nghị định.
Riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp giữa tháng 02-2025.
Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo Nghị quyết 18 của Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 17-1.
Chính phủ sẽ có 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ và 5 cơ quan
Về tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Nội vụ cho hay sẽ có 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ (giảm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ).
Gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.
ĐỨC MINH
NGUYỄN THẢO