Như vậy, chỉ sau một đêm giá vàng mất hơn 100 USD/ounce, do áp lực chốt lời của nhà đầu tư khi giá mặt hàng kim quý này đã vượt lên mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Giá vàng biến động trong biên độ rộng sau khi chạm mức cao kỷ lục 3.500 USD/ounce do những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ám chỉ khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Chính điều này đã phần nào làm gia tăng sự lạc quan trên thị trường chứng khoán và củng cố sức mạnh của USD. USD tăng trở lại sau khi thị trường đang tập trung vào các cuộc đàm phán thuế, song chỉ số USD Index vẫn nằm dưới ngưỡng 100 điểm.
Tuy nhiên, phía Bắc Kinh cảnh báo các quốc gia khác không nên đạt được thỏa thuận kinh tế rộng hơn với Mỹ nếu điều đó gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh - một động thái được cho là nhằm phản ứng với các nỗ lực của ông Trump trong việc vận động các nước xin miễn giảm thuế.
Vàng thế giới quay đầu giảm mạnh trước áp lực chốt lời; giá vàng SJC neo mức 124 triệu đồng/lượng
Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Mặc dù chính quyền của ông đã tạm hoãn áp thuế đối với một số nước, nhưng đồng thời cũng gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao gần đây, thêm vào đó những lo ngại về khả năng suy thoái của Mỹ đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc các nhà đầu tư nước ngoài giảm vị thế nợ đô la và nợ Mỹ của họ, đây cũng được coi là biện pháp phòng ngừa truyền thống chống lại sự hỗn loạn của thị trường.
Giới phân tích tài chính cho rằng, hiện thị trường theo dõi các bài phát biểu của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần này, hy vọng có thêm thông tin về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương.
Vàng vốn được xem là một công cụ phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và lạm phát, đồng thời thường phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp và nhất là trong bối cảnh thương chiến leo thang. Vì thế, các dự báo đưa ra, khả năng mặt hàng kim quý này còn triển vọng tăng trong thời gian tới, dựa trên kết quả đàm phán thuế quan Mỹ - Trung.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay đã tăng gần 30% so với đầu năm năm, ghi nhận mức cao kỷ lục lần 3.500 USD/ounce lần đầu tiên trong ngày 22/4. Ngân hàng JPMorgan dự đoán đà tăng sẽ tiếp tục, dự báo rằng vàng sẽ vượt mốc 4.000 USD/ounce vào năm sau trong bối cảnh rủi ro suy thoái gia tăng, thuế quan của Mỹ cao hơn và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài.
Tuy nhiên, với mức tăng giá gần 500 USD/ounce trong 10 ngày trở lại đây, vàng được cho là sắp đạt mức đỉnh và nhiều cảnh báo đưa ra có thể sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn. Và quả thực, khi giá vàng tăng mạnh thường sẽ xuất hiện lực bán chốt lời, khiến vàng quay đầu giảm sâu.
Sáng nay, giá vàng quốc tế giảm kéo theo giá vàng miếng SJC trong nước đi xuống, nhưng chỉ giảm nhẹ so với mức đỉnh lịch sử 124,5 triệu đồng/lượng bán ra trong chiều hôm qua. Cụ thể, SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 120-122 triệu đồng/lượng (mua-bán). Giá vàng nhẫn cũng giảm còn 114-117 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm khoảng 2-3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Như vậy, những người đổ xô mua vàng giá cao hôm qua thì sáng nay đã mất 3 triệu đồng/lượng.
Trước sức nóng của giá vàng hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư, người tiêu dùng không nên theo đám đông mua khi giá vàng tăng, bởi rất rủi ro khi "đu đỉnh", cho dù vẫn biết triển vọng của vàng chính là hầm trú ẩn an toàn trong bối cảnh thương chiến leo thang và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một khi giá vàng tăng nóng sẽ khó tránh đảo chiều, do áp lực chốt lời.
Sáng 23/4, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.897 đồng/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank được mua chuyển khoản lên 25.781 đồng/USD, bán ra lên 26.141 đồng, tăng 26 đồng so với hôm qua.
Thùy Vinh