Thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển dịch địa chính trị và kinh tế toàn cầu sâu sắc. Cạnh tranh công nghệ, biến đổi khí hậu và dịch chuyển chuỗi cung ứng tạo ra những thách thức khốc liệt, nhưng đồng thời cũng mở ra “cửa sổ cơ hội” cho các quốc gia nhạy bén.
Việt Nam, với chính sách đối ngoại mềm dẻo, tinh thần hợp tác và vị trí địa chiến lược trung tâm Đông Nam Á, đang nắm trong tay một cơ hội lịch sử để bứt phá nếu biết đi đúng hướng.
Nếu đi lên từ nội lực, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, chuyển mình thành nền kinh tế tri thức, hiện đại và tự chủ. Ảnh: Nguyễn Huế
Tư duy tỉnh táo: Xây nền từ nội lực bền vững
Trong bối cảnh thế giới bất định, Việt Nam cần một tư duy chiến lược tỉnh táo và chủ động. Trước mắt là giữ vững ổn định kinh tế - xã hội; về trung và dài hạn, là xây dựng nền tảng nội lực bền vững từ những thế mạnh sẵn có, với chi phí hợp lý và hiệu quả cao.
Câu hỏi đặt ra: Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?
Câu trả lời đầu tiên là nông nghiệp, ngành cung cấp sinh kế cho hơn 60% dân số, nhưng câu trả lời đầy đủ phải là nông nghiệp thông minh.
Việt Nam sở hữu lợi thế lớn: Diện tích canh tác rộng, khí hậu đa dạng, sản phẩm phong phú, đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ như thổ nhưỡng bị ô nhiễm, thiếu chăm sóc; giống cây trồng thiếu nghiên cứu bài bản, đặc biệt với điều và hồ tiêu; và đặc biệt là biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khắc nghiệt.
Chỉ cách Việt Nam vài chục cây số, Campuchia đã đầu tư giống điều mới, cho năng suất vượt trội. Trong khi đó, Việt Nam - quốc gia dẫn đầu xuất khẩu điều vẫn thiếu nền tảng nghiên cứu giống bài bản.
Nếu không nhanh chóng thay đổi, Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế ngay trên sân nhà.
Công nghệ số: Chìa khóa nâng tầm giá trị nông sản
Tích hợp công nghệ số như IoT, AI, blockchain có thể chuyển hóa nền nông nghiệp truyền thống thành nông nghiệp thông minh, gia tăng giá trị vượt trội: Ở Lâm Đồng, công nghệ nhà kính và tưới nhỏ giọt giúp tăng năng suất rau quả lên đến 40%. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cảm biến thông minh tiết kiệm 20% nước, 30% phân bón và tăng 12-15% năng suất lúa.
Trong khi đó, blockchain truy xuất nguồn gốc minh bạch, mở rộng thị trường xuất khẩu cao cấp, nâng giá trị sản phẩm thêm 20%.
Ước tính, nếu năng suất nông nghiệp tăng đều 10% mỗi năm và cộng hưởng hiệu ứng lan tỏa ở mức khiêm tốn 1,7 lần, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể tăng từ 7% hiện nay lên gần 10% trong vòng 3-5 năm.
Công nghệ cao: Động lực mở đường cho kinh tế tri thức
Nông nghiệp thông minh không thể tách rời công nghệ cao - nơi Việt Nam đang dần khẳng định vị thế.
Năm 2024, công nghệ thông tin chiếm khoảng 14% GDP Việt Nam, xuất khẩu phần mềm đạt 7 tỷ USD. Việt Nam có 70% dân số dưới 35 tuổi, nền tảng toán học tốt và tốc độ tiếp cận công nghệ nhanh.
AI phân tích dữ liệu đất đai, nước, khí hậu để tối ưu hóa sản xuất. Drone giúp giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dữ liệu lớn và điện toán đám mây xây dựng chuỗi cung ứng theo thời gian thực.
Ưu thế công nghệ không chỉ hiện đại hóa nông nghiệp mà còn mở ra cánh cửa cho Việt Nam bước vào nền kinh tế sáng tạo tri thức và dịch vụ giá trị cao.
Xây dựng hệ sinh thái cộng hưởng giá trị: Điều kiện đủ để thành công
Tuy nhiên, nông nghiệp thông minh và công nghệ cao chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để thành công là phải xây dựng được hệ sinh thái cộng hưởng giá trị, cộng hưởng toàn diện tích hợp từ đất, giống, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo, tài chính, đến đầu ra và chính sách.
Đất, giống chất lượng cao kết hợp công nghệ sinh học và quản lý bền vững tạo nền tảng. Công nghệ nông nghiệp thông minh (IoT, AI, blockchain) nâng cao năng suất, kết nối thị trường. Nguồn nhân lực số hóa vận hành công nghệ hiệu quả. Tài chính linh hoạt (vay ưu đãi, quỹ đầu tư) hỗ trợ đổi mới. Đầu ra ổn định nhờ chuỗi cung ứng số hóa. Chính sách nhà nước gắn kết nông dân, doanh nghiệp, startup, thúc đẩy hợp tác, đảm bảo phát triển bền vững và giá trị cao.
Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ các khu nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm đổi mới sáng tạo, đồng thời đào tạo kỹ năng số cho nông dân và tạo hành lang pháp lý mở cho các mô hình kinh doanh mới.
Chỉ khi có một hệ sinh thái cộng hưởng giá trị, đổi mới sáng tạo mới thực sự nảy nở và lan tỏa trong toàn nền kinh tế.
Việt Nam: Tận dụng sức mạnh chế biến sâu và xuất khẩu đặc sản
Bên cạnh việc hiện đại hóa nông nghiệp, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm - yếu tố then chốt tạo giá trị gia tăng bền vững.
Việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu chế biến sâu tại Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long là bước đi chiến lược, giúp Việt Nam không chỉ xuất khẩu nông sản thô, mà còn xuất khẩu thực phẩm chế biến cao cấp.
Nafoods và Vinamit - hai trong nhiều công ty điển hình thành công
Công ty Nafoods tiên phong trong chế biến sâu nông sản Việt Nam. Với sản phẩm chủ lực là chanh dây, Nafoods đã đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất nước ép cô đặc và các sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Công ty Vinamit là thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm trái cây sấy dẻo và sấy thăng hoa, xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty xây dựng vùng nguyên liệu trái cây sạch và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại.
Thành công của Nafoods, Vinamit và nhiều công ty khác như GC Food, Đồng Giao, ADC…, cho thấy tiềm năng to lớn của chiến lược chế biến sâu và xây dựng thương hiệu Việt trên bản đồ thực phẩm thế giới.
Lựa chọn tương lai: Con đường độc lập và tự chủ
Việt Nam đang đứng trước ngã ba lịch sử: Phía trước là một thế giới đầy bất định, phía sau là bài học từ những thập kỷ phát triển phụ thuộc.
Nếu tỉnh táo đi lên từ nội lực - với nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, chế biến sâu và hệ sinh thái cộng hưởng giá trị - Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, chuyển mình thành nền kinh tế tri thức, hiện đại và tự chủ.
Nông nghiệp từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu của sự trỗi dậy ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đan Mạch…
Đây không còn là một giấc mơ xa vời. Đây là con đường khả thi nếu chúng ta đủ quyết tâm và hành động.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương là đồng tác giả (cùng GS. James Riedel, ĐH Johns Hopkins) báo cáo đầu tiên của Ngân hàng thế giới (WB/IFC, 1997), đánh giá tiềm năng phát triển thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam và đề xuất một số chính sách cho sự nghiệp công nghiệp hóa quốc gia.
Ông đã có trên 30 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và cho một số doanh nghiệp tại Châu Á, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Ông Trần Sĩ Chương từng là Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, D.C., và đồng thời là Trợ lý Nghị sĩ về các vấn đề ngoại thương và ngoại giao.
* Bài viết có sự tham gia đóng góp ý kiến của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (chuyên ngành Nông lâm Sinh vật học - Đại học RMIT và Viện Nông nghiệp Gosford - Úc), và bà Nguyễn Thị Thành Thực - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nghệ AutoAgri.
Trần Sĩ Chương