Mỗi mùa bão về: Nỗi lo lại ngập lòng
Ở những vùng đất ven biển như Hạ Long hay Cửa Lò, không cần báo động, người dân đã quen với “chế độ phòng thủ”. Với Lương Thùy Dương (2005) – quê Quảng Ninh, hiện đang học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – điều đầu tiên khi nghe tin bão Wipha sắp đổ bộ là: “Gia đình mình tập trung gia cố nhà cửa, cửa hàng và tích trữ thực phẩm đủ dùng trong ít nhất một tháng. Bên cạnh đó, máy phát điện cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng”.
Tương tự, Đặng Khánh Linh, cũng đến từ Hạ Long, cho biết: “Mỗi khi nghe tin bão, mình và bố mẹ sẽ kiểm tra các khe cửa, chắn khăn vải để ngăn nước và gió lùa vào. Sau đó, mẹ sẽ chuẩn bị đủ đồ ăn cho những ngày bão”.
Ở Nghệ An – nơi cũng chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão – Vũ Bảo Nguyên Anh chia sẻ: “Mẹ mình sẽ đi chợ sớm, mua đủ đồ khô, rau củ có thể trữ được. Còn bố mình thường lên mái nhà chèn bao cát để phòng tốc mái. Mình thì được giao nhiệm vụ sạc đèn pin, sạc dự phòng và kiểm tra bình gas, nước sạch”.
Chẳng cần ai dạy, người trẻ vùng bão sớm thuộc lòng các quy trình ứng phó thiên tai như kỹ năng sinh tồn. Có người nói vui: “Sống ở vùng bão như sống cạnh biển đang ngủ. Không ai biết khi nào nó giận dữ, nhưng ai cũng học cách sống cùng nỗi lo ấy”.
Lớn lên trong vùng bão: Người trẻ học cách mạnh mẽ và yêu thương
Người sống ở nơi thường xuyên có thiên tai thường được rèn luyện một thứ mà không sách vở nào dạy: sự thấu cảm.
“Chúng mình hiểu cảm giác mất mát là như thế nào. Nên khi thấy tin bão ở miền Trung, miền Nam, người Hạ Long đều thương như chính quê mình”, Thùy Dương chia sẻ. Khánh Linh thì nói thêm: “Người vùng bão có thói quen ứng phó bình tĩnh. Vì nếu hoảng loạn thì chẳng làm được gì. Kinh nghiệm năm này qua năm khác đã dạy chúng mình cách chuẩn bị và thích nghi”.
Nguyên Anh nhìn nhận: “Sống ở nơi hay có bão khiến chúng mình biết quý trọng những ngày nắng đẹp, biết vui với điều bình thường. Mình thấy các bạn ở nơi khác không có cảm giác đó”.
Dù bão có về mỗi năm, dù thiệt hại không ít, nhưng điều đọng lại trong lòng những người trẻ vẫn là tình quê, sự sẻ chia.
“Người Hạ Long mình sau bão lại cùng nhau sửa đường, sửa mái. Không ai bỏ ai. Cũng nhờ vậy mà mình càng yêu mảnh đất này – mảnh đất chịu thương chịu khó”, Dương nói. Khánh Linh bày tỏ: “Bão khiến cuộc sống chậm lại, nhưng cũng khiến người ta gần nhau hơn. Mình tự hào vì quê mình mạnh mẽ, và vì mình là một phần của sức mạnh đó”.
11 kỹ năng ứng phó bão: Những điều người trẻ cần nhớ
Từ những kinh nghiệm thực tế, người trẻ vùng bão học được cách chủ động đối mặt với thiên tai. Tuy nhiên, không chỉ người vùng biển mới cần trang bị kỹ năng ứng phó – đó là điều ai cũng cần ghi nhớ, nhất là khi thời tiết ngày càng cực đoan.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo 11 kỹ năng phòng tránh để người dân bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình:
- Theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
- Đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản, nhất là người dân trên các đảo; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, tàu du lịch, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
- Đảm bảo an toàn khi đi du lịch mùa mưa bão: thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, chủ động hoãn hoặc hủy các chuyến đi khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn; tránh di chuyển đến khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng.
- Xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán.
- Chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công.
- Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
- Đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
- Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.