Trước hạn chót đăng ký nguyện vọng: Thí sinh lưu ý gì để tránh trượt đại học đáng tiếc?

Trước hạn chót đăng ký nguyện vọng: Thí sinh lưu ý gì để tránh trượt đại học đáng tiếc?
7 giờ trướcBài gốc
17h ngày 28/7 là hạn cuối để thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Cần kiểm tra lại tất cả thông tin đã đăng ký
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, một sai lầm nhiều thí sinh thường mắc phải những năm trước khi thao tác trên Hệ thống là đã hoàn tất cả quy trình nhưng không nhấn nút nộp, có nghĩa tất cả thông tin của thí sinh vẫn bị treo, không được hệ thống ghi nhận. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để tránh việc bị trượt đáng tiếc.
Bên cạnh đó, thí sinh cần kiểm tra lại những thông tin mình đã đăng ký như căn cước công dân, các thông tin về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, các điểm thi khi hiển thị (đối chiếu lại kỹ lưỡng với kết quả gốc), đặc biệt là nhóm thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, điểm học bạ để xét tuyển. Nếu tới khi xét tuyển xong mới phát hiện có sai sót, kết quả đã có rồi sẽ rất khó thay đổi.
Theo Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, từ năm 2020 đến nay, chúng ta xét tuyển theo điểm thi, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Do đó, thí sinh nếu yêu thích, mong muốn theo học ngành nào, trường nào thì hãy xếp mong muốn đó lên nguyện vọng 1 - là nguyện vọng cao nhất, dù điểm của mình chưa đủ tự tin. Hệ thống sẽ xét tuyển từ cao đến thấp theo điểm, nếu hai thí sinh bằng điểm nhau mới xét đến thứ tự nguyện vọng.
Với những thí sinh xét tuyển vào khối ngành đặc thù như công an, quân đội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý các em cần đảm bảo đủ hồ sơ, thông tin theo yêu cầu của các khối ngành đặc thù này, khi đăng ký xét tuyển lên Hệ thống chung. Bởi khi Hệ thống đóng cửa, kết thúc đăng ký, khả năng để điều chỉnh vô cùng khó khăn.
“Có nhiều bạn những năm trước vì không kiểm tra lại thông tin nên bị trượt đại học rất đáng tiếc. Đặc biệt, với nhóm xét tuyển học bạ, nếu điểm nhập lên bị sai thì việc thống kê lại, minh chứng lại rất khó khăn”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Xuân Quý
TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý thí sinh, Bộ GD-ĐT quy định tất cả thí sinh, bao gồm cả thí sinh được xét tuyển thẳng phải thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, đưa tất cả nguyện vọng xét tuyển vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Vì vậy, thí sinh sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học vẫn cần nhập nguyện vọng lên hệ thống chung, theo thời gian quy định.
Theo ThS Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông & Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại, quy chế tuyển sinh có nhiều thay đổi nên một số thí sinh và phụ huynh còn bỡ ngỡ, chưa tuân thủ đúng quy trình tuyển sinh của các trường.
ThS Nguyễn Quang Trung lưu ý thí sinh, hiện Bộ GD-ĐT cho phép các em không giới hạn số lần thay đổi nguyện vọng. Bởi vậy, nếu tạm chốt được một số ngành yêu thích, thí sinh nên đăng ký ngay, sau đó tiếp tục rà soát và tiếp tục điều chỉnh dần cho phù hợp.
Các em không để đến những thời gian cuối cùng mới đăng ký, bởi có thể gặp tình trạng nghẽn mạng, hệ thống không đăng ký được hoặc muốn thay đổi nguyện vọng nhưng lưu không thành công, từ đó không đăng ký được đúng ngành mình mong muốn.
Sắp xếp nguyện vọng xét tuyển thế nào để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển?
Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, gợi ý thí sinh 3 nguyên tắc vàng để tối ưu hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.
Nguyên tắc 1: Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn từ cao đến thấp
Thầy Ngọc nhấn mạnh, các nguyện vọng sẽ được hệ thống của Bộ GD-ĐT tự động xét tuyển tuần tự bằng mọi phương thức có thể. Khi đỗ nguyện vọng nào, những nguyện vọng sau sẽ bị loại bỏ, dù có đủ/dư điểm. Nguyên tắc tuyển sinh của năm nay, điểm thi là ưu tiên số một. Do vậy, dù mục tiêu chỉ là mức thấp thì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh vẫn phải xếp ngành có điểm cao lên trên, kể cả khi nghĩ rằng mình "không đủ tầm.
Công thức tư duy đúng là ưu tiên theo mong muốn thực sự của mình, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự điểm chuẩn (dự kiến) giảm dần, không cần bận tâm đến tiêu chí phụ thứ tự nguyện vọng.
Nguyên tắc 2: “Rải thảm” nguyện vọng quanh mức điểm xét mình có
Thầy Ngọc chia sẻ, trên thực tế, một số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 có mức điểm chuẩn dự kiến cách khá xa (ví dụ nguyện vọng 1 là ngành năm ngoái lấy 27 điểm, nguyện vọng 2 là ngành ngành năm ngoái lấy 24 điểm). Điều này có thể khiến các em đánh mất lợi thế mình có, khi Bộ GD-ĐT cho phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng.
Thí sinh nên xác định đúng mức điểm xét tuyển mình đang có (bằng các phương thức khác nhau, nhân hệ số, quy đổi ....), rồi rải nguyện vọng ra xung quanh với mức điểm thêm hoặc bớt từ 0,5 đến 1 điểm. Công thức tư duy đúng nên là "đặt bẫy" điểm chuẩn quanh mức điểm của mình với bước sóng 0,25 - 0,5 điểm, rải dày trong biên độ hợp lý. Khoảng cách như vậy đủ để "cầu may", cũng đủ để phòng trừ rủi ro. "Bước sóng" như vậy cũng đủ để đảm bảo thí sinh đỗ vào ngành có điểm chuẩn cao nhất có thể.
Nguyên tắc 3: Chỉ tập trung các nguyện vọng vào 2 - 3 nhóm ngành có liên quan
Theo thầy Ngọc, việc thí sinh lựa chọn ngành nghề - công việc em sẽ theo đuổi cả đời thì ngoài đam mê cũng phải dựa vào lý trí. Các em cần trung thực với bản thân và đánh giá đúng năng lực của mình, để xác định mình phù hợp với điều gì nhất. Hãy vạch ra cho mình 2 - 3 nhóm ngành có liên quan để tập trung "rải" nguyện vọng.
Mỗi ngành học thường chỉ có một vài trường dẫn đầu, bởi vậy khi chọn một ngành, các em nên chọn đúng trường chuyên và có tiếng về ngành đó. Tuy vậy, điểm xét tuyển của những trường top thường khá cao, do đó, thí sinh vẫn cần có thêm phương án 2, phương án 3. Ví dụ, nếu mục tiêu là ngành Y, hãy thêm phương án 2 là Công nghệ sinh học, Thực phẩm, Môi trường, Hóa dược, Y sinh và có thể chọn Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Học viện Nông nghiệp...
Giải thích về lý do nên chọn một nhóm ngành, thầy Ngọc chia sẻ, thực tế hiểu biết của mỗi người về từng ngành học cụ thể khá hạn hẹp, do đó, không nên bó buộc vào một ngành cụ thể mà hướng về một nhóm ngành gần gũi nhau về tính chất học tập và công việc. Nếu chọn quá nhiều ngành xa nhau sẽ khó có sự nhất quán trong định hướng dài hạn.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/truoc-han-chot-dang-ky-nguyen-vong-thi-sinh-luu-y-gi-de-tranh-truot-dai-hoc-dang-tiec-10381229.html