Trước khi bị bẻ gãy, ngai vua triều Nguyễn là ngai vàng duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn ở Việt Nam

Trước khi bị bẻ gãy, ngai vua triều Nguyễn là ngai vàng duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn ở Việt Nam
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 24/5 tại điện Thái Hòa (Đại nội Huế) đối tượng Hồ Văn Phương Tâm có biểu hiện không bình thường, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn và làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.
Ngai vua sau đó được chuyển ra khỏi khu vực trưng bày, đưa về nơi bảo quản để đánh giá mức độ hư hỏng, làm cơ sở nghiên cứu phục chế. Đây là vụ việc được đánh giá là hết sức hy hữu.
Ngai vua triều Nguyễn đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa.
Ngai vua triều Nguyễn - được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2025 - là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ. Đây cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ngai vàng là hiện vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc. Ngai được làm từ gỗ, sơn son thếp vàng, cao 101 cm, dài 87 cm và rộng 72 cm.
Theo hồ sơ của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa - nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày 1 và 15 âm lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình như lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần....
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng hết sức sinh động. Các mảng trang trí chạm khắc và thếp vàng rực rỡ không chỉ mang vẻ đẹp lộng lẫy, uy nghiêm của chốn hoàng cung mà còn thể hiện sự tinh xảo trong kỹ nghệ chạm khắc của nghệ nhân đương thời.
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng.
Là biểu tượng quyền lực của triều đại, ngai vua triều Nguyễn được trang trí các hình ảnh về rồng với cách thể hiện phong phú mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy. Ngai vua có niên đại 1802-1945.
Trong 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, ngai vàng tại điện Thái Hòa chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Ngai vàng từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Do khi lên làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo. Để đồng bộ, nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.
Trong đợt trùng tu tổng thể điện Thái Hòa năm 2021, ngai vàng được di chuyển vào kho bảo quản và sau khi công trình trùng tu xong được đưa ra trưng bày trở lại. Bửu tán phía trên ngai cũng được gia cố để đảm bảo vững chắc, an toàn.
Ngai vàng triều Nguyễn là hiện vật gắn liền với 13 đời vua, từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại.
Sau vụ việc ngai vua triều Nguyễn bị đập gãy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đưa ngai vua về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án bảo quản, xử lý, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, đơn vị này có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Ngọc Ánh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/truoc-khi-bi-be-gay-ngai-vua-trieu-nguyen-la-ngai-vang-duy-nhat-duoc-bao-ton-nguyen-ven-o-viet-nam-post1745430.tpo