Trước ngưỡng cửa hòa bình

Trước ngưỡng cửa hòa bình
7 giờ trướcBài gốc
Phát đạn oan nghiệt
Những chiếc xe tăng, xe cơ giới chở bộ binh từ ngoài Cam Ranh đi ngang qua thị xã Phan Rang hầu như không gặp sự phản kháng đáng kể nào. Khi đi qua đoạn Kênh Nam (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) được vài trăm mét, tới gần lối rẽ vào làng Bàu Trúc, bỗng nhiên có mấy tiếng nổ phát ra từ trận địa pháo 105 tại chi khu An Phước, gần quốc lộ 1A. Một khẩu pháo đã hạ nòng bắn trực tiếp vào đội hình hành quân.
Xe chở bộ binh trúng đạn, 5 chiến sĩ hy sinh tại chỗ. Ngay sau đó, một tăng T54 cũng bị đạn bắn sượt trước mũi xe, găm xuống mặt đường thành lỗ sâu hoắm, chiếc xe khựng lại một lát rồi rồ ga vượt dốc đi tiếp về hướng cổng quận lỵ. Những chiến sĩ hy sinh được đơn vị khâm liệm ngay dưới gốc cây duối bên quốc lộ 1A, sau đó đưa tới mai táng bên cổng làng Bàu Trúc, cách nơi các anh hy sinh hơn 100 mét.
Các anh ấy không bắn
Một trong những người lính dân vệ có mặt tại thời điểm đó kể lại: Sau khi lính Sư đoàn 2 tan rã bỏ chạy, tên quận trưởng chi khu An Phước ra lệnh cho một nhóm địa phương quân và dân vệ tập trung bảo vệ chi khu. Mấy người dân vệ đang gác ngoài cổng nhìn máy bay A37 từ phía Nam bay ra ném bom, bỗng nghe mấy tiếng nổ đầu nòng của đại bác 105 ly phía trong chi khu, cách chỗ họ ngồi gần 100 mét. Không biết ai đã hạ nòng bắn trực tiếp vào đội hình quân Giải phóng. Nhìn xuống quốc lộ 1A thấy có cột khói bốc lên và từng đoàn xe tăng, xe chở quân cắm cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ nối đuôi nhau đi trên quốc lộ.
Có tiếng ai la lớn: “Cộng sản vô rồi”. Không ai bảo ai, hơn chục người rời các ụ chiến đấu đắp bằng bao cát, bỏ chạy tán loạn. Tên quận trưởng chui hàng rào kẽm gai chạy trốn xuống làng Chăm Bàu Trúc. Toán lính dân vệ chạy về phía cổng ấp Phú Quý, khi gần tới quốc lộ bất ngờ gặp mấy chiếc xe tăng vừa chuyển hướng chạy vào quận lỵ. Tiếng xích xe nghiến lên mặt đường ầm ầm, trên tháp pháo phía dưới lá cờ sao vàng, màu nửa xanh nửa đỏ bay phấp phới, một chiến sĩ đang chĩa khẩu 12,7 ly về phía họ trong tư thế sẵn sàng nhả đạn.
Toán lính lúc này hoảng hốt đứng sững, chỉ biết quăng súng, cởi áo và giơ tay hàng. Chiếc xe tăng dừng lại, nòng súng vẫn hướng về họ, đã có người nhắm mắt nghĩ phen này chắc là chết rồi... 5 giây, 10 giây trôi qua, không có tiếng nổ nào phát ra. Có vài anh bộ đội chĩa khẩu AK, tới thu súng của mấy người lính rồi nói: “Các anh hãy trở về nhà, rồi ra trình diện chính quyền cách mạng, sẽ được khoan hồng”. Mấy người lính dân vệ chỉ biết dạ... dạ..., liếc nhìn mấy anh Giải phóng quân đóng khóa an toàn súng rồi chạy vào bên trong quận lỵ.
Sau ngày giải phóng 30/4, không có chuyện cộng sản vào sẽ "tắm máu", những người phục vụ cho chính quyền cũ và gia đình vẫn yên ổn làm ăn, không bị phân biệt đối xử. Mỗi khi gặp nhau, những người lính chế độ cũ vẫn còn nhắc lại khoảnh khắc khi nòng súng lạnh toát trên xe tăng hướng về phía mình, khi ấy ai cũng nghĩ phen này là chết chắc rồi...
Thật đáng khâm phục lòng nhân ái, khoan dung của những anh bộ đội cách mạng hôm ấy. Họ là những người vừa chứng kiến đồng đội bị phía địch bắn thương vong, nhưng vẫn tha mạng cho đối phương, không trả thù kẻ thua trận đã đầu hàng. Ngày nơi đây giải phóng, chỉ có phát đạn oan nghiệt của kẻ thua trận, mà không có viên đạn nào của những người chiến thắng bắn ra.
Chiếc đồng hồ chết máy, kim chỉ 9 giờ 10
Sau năm 1975, tôi - người kể lại câu chuyện này - đã vài lần tới nơi ấy. Những nấm mộ liệt sĩ đắp đất hướng mặt ra phía biển nằm bên cổng làng Bàu Trúc. Không ai rõ tên tuổi, quê quán người nằm bên dưới, chỉ biết rằng đây là mộ các anh bộ đội Giải phóng. Tháng 7/1982, từ chiến trường Tây Nam, tôi chuyển ngành về làm phóng viên Đài Truyền thanh, đúng dịp cùng chi đoàn cơ quan huyện đưa hài cốt các anh quy tập vào nghĩa trang tỉnh Thuận Hải, tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Rất tiếc là đã không ghi lại tên và quê hương các anh, chỉ nghe nói họ đều rất trẻ, quê ở Đồng bằng Bắc bộ.
Chị NTH, nhà ở gần cổng làng Bàu Trúc kể lại: “Khi ấy phía cổng làng không có nhiều nhà như bây giờ, tôi chỉ mới 10 tuổi, thấy bộ đội tới bốc cốt các anh Giải phóng quân và có tới coi. Khi đào lên, trong mỗi mộ đều có mảnh giấy để trong lọ thủy tinh (lọ thuốc penicillin) nhỏ. Có cả những cây viết nhựa, vài cuốn sổ và một chiếc đồng hồ đã chết máy, kim chỉ 9 giờ 10 phút...”.
Sau đó gia đình tôi về dựng nhà ở khu đất sát cây duối ven quốc lộ 1A, nơi các liệt sĩ được đồng đội khâm liệm trưa 16/4 năm ấy. Vào một buổi sáng tháng 4/1991, có chiếc xe tải dừng phía trước nhà, 3 người trên xe bước xuống. Họ ghé nhà tôi và hỏi thăm về nơi chôn cất người thân, hy sinh trên chiếc xe bị địch bắn vào đúng ngày giải phóng Ninh Thuận ở khu vực này. Tôi kể cho 3 người nghe các anh ấy hy sinh như những gì mình biết, hướng dẫn họ tới nghĩa trang tỉnh Bình Thuận để tìm mộ người thân, rồi đưa họ đến chỗ chiếc xe bị địch bắn ngày đó.
Cho đến bây giờ, mỗi khi đi qua chiếc cổng chào của huyện Ninh Phước, là nơi các anh hy sinh và gốc duối bên đường, trong tôi lại hiện lên hình ảnh 3 người im lặng cúi đầu và câu nói run run của người phụ nữ thoảng trong khói nhang: "Em ơi! Chỉ còn vài ngày nữa là giải phóng rồi...".
Núi Xanh
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/truoc-nguong-cua-hoa-binh-i766257/