Ngày 13-2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Vẫn bảo đảm đủ 15 sở theo định hướng
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thông tin trong quá trình xây dựng đề án để triển khai thực hiện, TP cũng nghiên cứu rất sâu, kỹ thực tiễn tại TP liên quan đến tổ chức bộ máy, đặc biệt là khối chính quyền.
Theo bà Tuyết, TP hiện vẫn đảm bảo đủ 15 sở theo đúng định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, TP quyết định giữ lại Sở GTVT và đổi tên thành Sở Giao thông công chính nhằm đảm nhiệm thêm những nhiệm vụ liên quan đến mảng công tác này. Đây là nhiệm vụ mà trước giờ Sở GTVT cũng như một số sở khác đang thực hiện.
“Bây giờ chúng tôi chuyển toàn bộ nhiệm vụ đó về cho Sở GTVT để đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các chức năng liên quan” – bà Tuyết nói.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: QH
Tuy nhiên, về sáp nhập Sở Xây dựng với Sở QH-KT, bà Bạch Tuyết cho hay có sự điều chỉnh khác với hướng dẫn của Trung ương và Hà Nội. Nêu lý do, bà Tuyết cho biết do yêu cầu về phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng đô thị của TP gắn với các dự án, công trình mà TP đang ấp ủ và đã trình Bộ Chính trị, Quốc hội nên khối lượng công việc của Sở GTVT hiện nay rất lớn. Cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đang phụ trách một mảng công việc khá lớn.
“Nếu như sáp nhập hai sở này lại với nhau sẽ trở thành một siêu sở đặc biệt lớn” – bà Bạch Tuyết nói, đồng thời thông tin TP đã cân nhắc, đề xuất phương án trình và được Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất rất cao.
TP cũng quyết định giữ nguyên tên Sở TN&MT sau khi sáp nhập với Sở NN&PTNT. Đây là điểm khác theo hướng dẫn của Chính phủ khi hai sở này hợp nhất sẽ lấy tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Lý do theo bà Tuyết là để hạn chế sửa đổi các biểu mẫu liên quan đến hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trường hợp phải sửa đổi tên gọi theo hướng dẫn, sẽ phải sửa toàn bộ hồ sơ với khối lượng rất lớn, ảnh hưởng chi phí hành chính.
Đề xuất tiếp tục thí điểm Sở An toàn thực phẩm
Từ thực tế nêu trên, bà Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Quốc hội cùng các cơ quan liên quan bổ sung vào nghị quyết này cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi nội dung liên quan đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND của cấp tỉnh, đặc biệt ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM có thể khác biệt so với hướng quy định. Việc này là nhằm giúp các cơ quan này sau khi được thành lập sẽ đảm đương được nhiệm vụ một cách tốt nhất.
“Nếu như không có sự linh hoạt thì sẽ rất khó cho các địa phương, nhất là những địa phương có đặc điểm rất riêng như Hà Nội và TP.HCM” – bà nói thêm.
Với Sở An toàn thực phẩm đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 98, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho hay do đặc thù của TP có quy mô dân số lớn nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng. Do đó, TP kiến nghị cho phép được tồn tại sở này.
Việc này nhằm gắn với công tác đảm bảo sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn thực phẩm mà vẫn đảm bảo yêu cầu chung. Khi hết thời gian thí điểm, TP sẽ đánh giá lại, chịu trách nhiệm đề xuất tiếp về hoạt động của cơ quan này.
Tính toán kỹ trong xử lý tài sản, chế độ chính sách
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) bày tỏ quan tâm đến việc xử lý tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ông nói các quy định hiện nay vẫn chủ yếu hướng đến những vấn đề chung như mua sắm, trang bị, thanh lý, khai thác… Trong khi đó, việc sáp nhập hiện nay đang ở tầm rất lớn là giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Dẫn chứng, đại biểu Minh Đức nói khi hợp nhất Bộ GTVT vào Bộ Xây dựng hay Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT thì tài sản không đơn thuần chỉ là công trình nhà ở, nhà công vụ của các cơ quan này mà còn liên quan đến rất nhiều dự án.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Bên cạnh những dự án thực hiện đúng tiến độ, đúng quy định thì cũng có những dự án đang chậm, kéo dài, thậm chí đang có dấu hiệu vi phạm… Vậy khi chuyển giao sang cho các bộ mới tiếp quản, nếu có vấn đề xảy ra thì liên đới trách nhiệm ra sao, xử lý rồi hồi tố thế nào.
“Những cán bộ có thẩm quyền của các bộ mới nhận các dự án về thì tài sản sẽ giải quyết như thế nào? Chưa kể có những tài sản được hình thành trong tương lai” – ông Đức đặt vấn đề và cho rằng phải tính toán, đưa vào nghị quyết để thuận lợi cho xử lý khi có những vấn đề phát sinh sau này.
Mặt khác, vị đại biểu cũng nêu vấn đề những hợp đồng đã ký kết giữa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban quản lý vốn (nay được chuyển về các bộ) với các doanh nghiệp nước ngoài thì cơ quan, đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. “Cần có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, tiếp tục thực hiện dự án” – ông Nguyễn Minh Đức nói và cho biết việc này cũng giúp các nhà đầu tư mới nắm được địa chỉ để hợp tác, đầu tư.
Cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, khi sắp xếp bộ máy cũng tác động tới một bộ phận cán bộ, công chức trong diện tinh giản. Hiện nay đã có quy định về các chế độ với những cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng còn những cán bộ nghỉ nhưng không thuộc diện này thì cũng phải có tính toán và quy định cụ thể.
N.THẢO - Đ.MINH