Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Xây dựng chính quyền các cấp gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Xây dựng chính quyền các cấp gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại
4 giờ trướcBài gốc
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, để bảo đảm mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chính quyền các cấp gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và thống nhất rất cao các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Ảnh: Hồ Long
Việc xác định tên gọi và địa điểm đặt các trung tâm chính trị các tỉnh sau sắp xếp như các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, lịch sử, truyền thống văn hóa, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; ưu tiên sáp nhập các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc đặt tên cần dễ nhận diện, ngắn gọn, có giá trị truyền thống, văn hóa được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Ưu tiên sử dụng một trong những tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới; trung tâm chính trị hành chính của đơn vị hành chính mới cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thuận tiện, kết nối các khu vực, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; xem xét lựa chọn trung tâm chính trị, hành chính của một trong số các tỉnh hiện nay làm trung tâm chính trị, hành chính mới. Sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn xây dựng các trung tâm chính trị, hành chính mới hợp lý, phù hợp.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu rõ, trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, Trung ương đã đồng tình, thống nhất rất cao và thông qua chủ trương, định hướng như: tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh (gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (gồm có xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương; dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh của 34 tỉnh, thành phố sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất; đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1.7.2025, sau khi Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Trung ương, Bộ Chính trị giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.
Về tổ chức MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức.
Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn; đồng thời, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương về thời điểm tổ chức đại hội MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngay sau đại hội Đảng các cấp.
Bảo đảm ở đâu có hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thì ở đó phải được kiểm tra, giám sát
Về sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng, Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14.6.2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18.1.2025 của Bộ Chính trị Khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua các nội dung bổ sung, sửa đổi quy định thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Trong đó, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quy định về tổ chức đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp địa phương, cơ quan tham mưu, giúp việc và các đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, bảo đảm “ở đâu có hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thì ở đó phải được kiểm tra, giám sát, không để khoảng trống về chính trị, pháp lý nhằm phục vụ việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp”.
Các quy định này sẽ được ban hành đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu rõ.
Quán triệt những nội dung của Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14.4.2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Kết luận số 150-KL/TW ngày 14.4.2015 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Chỉ thị số 45-CT/TW cơ bản kế thừa các nội dung còn phù hợp của Chỉ thị số 35-CT/TW và Kết luận số 118-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XIII, đồng thời bổ sung điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới.
Cụ thể, về bối cảnh tình hình, Chỉ thị đã bổ sung nội dung để xác định rõ hơn bối cảnh, tình hình Đại hội XIV của Đảng là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân vươn mình của dân tộc tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Đồng thời là thời điểm tiến hành mạnh mẽ của cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Chỉ thị 45-CT/TW đã bổ sung yêu cầu về xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu văn kiện đại hội phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra. Yêu cầu về công tác chuẩn bị nhân sự phải chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ để tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2030.
Về nội dung đại hội và công tác chuẩn bị văn kiện, Chỉ thị 45-CT/TW đã bổ sung: Đối với những Đảng bộ những tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập và các đảng bộ cấp xã mới gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức Đại hội, thì tổ chức Đại hội với hai nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở nội dung Nghị quyết Đại hội của các đảng bộ trước khi kỳ hợp nhất, sáp nhập và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2025 - 2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và không bầu cấp ủy, đại biểu dự đại hội cấp trên.
Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khóa mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu về dự đại hội đảng ở cấp trên.
Đối với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập, nếu đã tổ chức đại hội thì tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhân sự, đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên bảo đảm theo đúng quy định.
Việc hoàn thiện dự thảo văn kiện mới đối với các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sáp nhập hợp nhất thực hiện theo kế hoạch hướng dẫn tại Kế hoạch số 47 của Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, sau khi Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII thông qua dự thảo các Văn kiện, Văn phòng Trung ương Đảng đã khẩn trương hoàn thiện 4 dự thảo văn kiện để gửi cho đảng bộ các tỉnh, làm cơ sở để nghiên cứu tham gia ý kiến từ những vấn đề thực tiễn phong phú ở các địa phương để đóng góp, hoàn thiện dự thảo văn kiện với Trung ương.
Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Chỉ thị 45-CT/TW đã bổ sung, điều chỉnh các quy định về về tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2025 - 2030; độ tuổi tham gia cấp ủy chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ cấu, số lượng cấp ủy, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy; quy trình nhân sự cấp ủy; đại biểu dự đại hội; thời gian đại hội đảng bộ; việc kiện toàn, bổ sung các ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; phân công, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ…
Để bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất trong công tác nhân sự, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ngày 14.4 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Về quan điểm, nguyên tắc, nhu cầu, Kết luận 150-KL/TW nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban thường vụ các tỉnh ủy và thành ủy. Phương án nhân sự cấp ủy của các cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh hiện có; cấp ủy, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện, cấp xã hiện có phải giữ vững nguyên tắc và bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đặc biệt là phải đáp ứng được nhu cầu công việc, coi trọng và đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là tư duy đổi mới và kết quả sản phẩm công tác cụ thể; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, công nghệ, tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.
Cùng với đó, không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang và sẽ điều tra, thanh tra và kiểm tra…
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến thực hiện việc chỉ định theo thẩm quyền đối với nhân sự lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Trưởng các Ban của HĐND, Ủy viên UBND để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND để giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.
Đồng thời, giao Thường trực và Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy sau khi hợp nhất, sáp nhập phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị phương án nhân sự và định hướng phân công cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành ủy để đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo thực hiện các thủ tục liên quan và xem xét, quyết định công tác nhân sự của địa phương theo thẩm quyền.
Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để tham mưu công tác nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, có chỉ đạo.
“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư xác định nhiệm vụ sẽ phải triển khai trong thời gian tới là rất lớn, rất khó và chưa có tiền lệ nên trong quá trình tổ chức thực hiện có thể sẽ phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết”.
Lưu ý thực tế trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Bộ Chính trị đề nghị các cấp ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan, đơn vị căn cứ chủ trương, định hướng của Trung ương phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả và chủ động thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận, thống nhất, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh, báo cáo những nội dung của thẩm quyền.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, về quy trình nhân sự cấp ủy, Chỉ thị 45-CT/TW đã bổ sung quy trình chỉ định nhân sự đối với các đảng bộ tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập gồm 3 bước.
Bước 1: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy sau khi hợp nhất, sáp nhập chỉ đạo xây dựng Đề án nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua trước khi trình Ban chấp hành Đảng phố, tỉnh, thành phố thảo luận biểu quyết thông qua.
Bước 2: Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thảo luận thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Bước 3: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín, giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình nhân sự và tình hình thực tiễn đội ngũ cán bộ để cụ thể hóa chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các đảng bộ xã, phường đặc khu trực thuộc.
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/truong-ban-to-chuc-trung-uong-le-minh-hung-xay-dung-chinh-quyen-cac-cap-gan-dan-sat-dan-dap-ung-yeu-cau-quan-tri-xa-hoi-hien-dai-post410415.html