Trường Chính trị Thanh Hóa: Từ lý luận đến đồng hành cải cách

Trường Chính trị Thanh Hóa: Từ lý luận đến đồng hành cải cách
7 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết 76/NQ‐CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ mở đầu cho chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, xác định 6 lĩnh vực trọng tâm: thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Mục tiêu thứ tư đặc biệt nhấn mạnh cải cách chế độ công vụ - thiết kế cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, nâng cao trách nhiệm công vụ và năng lực chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại.
Đến ngày 12/3/2025, Nghị quyết 77/NQ‐CP bổ sung yêu cầu hoàn tất sắp xếp cấp xã, cấp huyện trước ngày 30/6/2025, đồng thời triển khai chính quyền hai cấp gắn với Chính phủ số, tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương.
Giữa yêu cầu cấp bách đó, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tái định vị vai trò: không chỉ là nơi đào tạo lý luận mà còn là trung tâm tư vấn, phản biện, nghiên cứu ứng dụng - có thể ví như “trạm biến áp học thuật”. Vai trò này đã được mở rộng và nâng tầm so với chức năng truyền thống, góp phần chuyển hóa chủ trương cải cách thành hành động thực tiễn, phù hợp với lộ trình cải cách đến năm 2030.
Nghị quyết 76/NQ‐CP xác định rõ trách nhiệm của hệ thống chính quyền: “Hoàn thiện thể chế công vụ, tạo lập cơ chế tuyển dụng, trọng dụng người tài; nâng cao chất lượng cán bộ; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát triển năng lực, chuyển đổi số”. Đây không chỉ là kêu gọi mà là căn cứ pháp lý cho các hoạt động đào tạo gắn thực tế của chính quyền địa phương.
Tiếp theo, Thông tư 57‐QĐ/TW, ngày 8/2/2022 do Ban Bí thư ban hành quy định rõ: “Trường chính trị cấp tỉnh có trách nhiệm tổng kết thực tiễn, tham gia nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và hỗ trợ tổ chức bộ máy chính quyền địa phương". Đây là văn bản thể chế hóa vai trò mới của nhà trường, chuyển từ vai trò giảng dạy sang trung tâm học thuật - chính sách - thực tiễn.
Nghị quyết 77/NQ‐CP, ngày 12/3/2025 tiếp tục yêu cầu: hoàn thiện cơ cấu hành chính đến ngày 30/6/2025, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp kèm Chính phủ số. Văn kiện này tạo “sức ép” chính sách mạnh, đòi hỏi hệ thống chính quyền phải hành động quyết liệt.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương trao bằng và biểu trưng công nhận Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 1 năm 2023.
Trong bối cảnh các văn bản pháp lý ngày càng cụ thể hóa - yêu cầu nâng tầm vai trò của trường chính trị cấp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã chủ động hiện thực hóa định hướng đó bằng những chuyển biến rõ nét và có sức lan tỏa. Minh chứng nổi bật là việc được công nhận đạt chuẩn chất lượng mức 1 theo Quyết định số 6384/QĐ-HVCTQG ngày 31/12/2023 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo đó, trường đã hoàn thành 55/55 tiêu chí của Quy định số 11-QĐ/TW - bao gồm những nhóm tiêu chí then chốt như tổ chức đào tạo, đổi mới phương pháp và liên kết thực tiễn cải cách hành chính.
Theo báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Trường (tháng 6/2025), Đảng ủy đã phát động phong trào thi đua với khẩu hiệu: “Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt” - coi đây là động lực chính để hình thành Trường Chính trị “kiểu mẫu đến năm 2030”.
Ngay sau Kết luận 729-KL/TU, ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, nhà trường đã nhanh chóng ban hành Đề án 39-ĐA/TrCT và xây dựng 36 quy chế thể chế để thực hiện nghiêm trách nhiệm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, trường đã tổ chức bình quân 120 lớp/năm với trên 10.000 học viên/năm, vượt mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ đề ra. Tỷ lệ giữa lớp chính quy và không chính quy đạt 1:1,83 vào năm 2024, cho thấy định hướng rõ ràng về nâng cao tính chính thức, chuyên nghiệp và hiệu quả đào tạo.
Giờ học tập, thảo luận theo nhóm tại Trường Chính trị tỉnh.
Về phương pháp giảng dạy đã có những bước đổi mới rõ rệt. Trường áp dụng nhiều mô hình đổi mới, như mô hình “3 tăng - 3 giảm”, “3 trước - 3 sau - 3 sâu - 3 sáng tạo”... khuyến khích đối thoại, tập trung, gắn lý thuyết với thực hành qua tương tác, mô phỏng tình huống...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025 có 7 giảng viên tham gia thi cấp học viện, trong đó 5 giảng viên đạt loại xuất sắc và 2 giảng viên đạt loại giỏi - vượt chỉ tiêu do Đảng bộ đề ra .
Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm bài bản: Trường đã biên soạn 35 cuốn chuyên khảo, xuất bản Tập san “Nghiên cứu Lý luận & Thực tiễn” mỗi quý, đồng thời lập chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng với trung bình 2.500 lượt truy cập/ngày. Mô hình “nghiên cứu trước - bồi dưỡng sau - tư vấn sâu - tổng kết, nhân rộng” đã tạo ra hệ thống liên kết bền vững giữa đào tạo lý luận và hành động thực tế...
Những kết quả trên đã khẳng định tiềm lực học thuật ngày càng lớn mạnh của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cả về quy mô đào tạo, chất lượng giảng viên, chiều sâu nghiên cứu và năng lực gắn kết thực tiễn.
Tuy nhiên, để năng lực này không chỉ dừng ở phạm vi “tốt trong nhà trường” mà thực sự lan tỏa vào hệ thống chính trị - hành chính các cấp, điều cốt lõi là phải kiến tạo được một hành lang thể chế liên kết ba chiều: Trung ương - Địa phương - Nhà trường. Đây chính là điều kiện tiên quyết để vai trò “trạm biến áp học thuật” của nhà trường không chỉ là một định danh mang tính biểu tượng, mà trở thành một thiết chế có sức tác động chính sách thực chất, mạnh mẽ và liên tục.
Về phía Trung ương, cần có những chính sách cụ thể để thể chế hóa vai trò mới của các trường chính trị cấp tỉnh.
Về phía địa phương, đề xuất tỉnh nghiên cứu triển khai mô hình “đặt hàng đào tạo - kiểm soát đầu ra - giám sát hiệu quả” với Trường Chính trị tỉnh. Cơ chế này không chỉ dừng lại ở việc “giao chỉ tiêu” mà phải gắn chặt với nhu cầu cải cách cụ thể như bồi dưỡng cán bộ vận hành chính quyền số, đào tạo đội ngũ quản lý hành chính cấp xã trong giai đoạn sáp nhập...
Về phía nhà trường, Trường Chính trị Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao năng lực tự thân bằng ba nhóm giải pháp then chốt: Phát triển đội ngũ giảng viên chuyên sâu; Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo; Phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa ba chủ thể: Trung ương kiến tạo thể chế, Địa phương chủ động đặt hàng và Nhà trường nâng cấp năng lực, thì vai trò “trạm biến áp học thuật” mới thực sự được vận hành hiệu quả trong hệ sinh thái cải cách hành chính của tỉnh Thanh Hóa – và xa hơn, góp phần vào kiến tạo nền hành chính quốc gia hiện đại, dân chủ, phục vụ và chuyên nghiệp.
ThS Nguyễn Thị Yến
Trường Chính trị Thanh Hóa
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/truong-chinh-tri-thanh-hoa-tu-ly-luan-den-dong-hanh-cai-cach-253735.htm