Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức, các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học cơ bản, đặc biệt trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Không có các môn khoa học cơ bản, đất nước không thể phát triển được
PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ về vai trò của khoa học cơ bản, trong đó có lý luận chính trị đối với trách nhiệm quốc gia.
Theo ông, trong các khoa học, lý luận chính trị được hiểu là một hệ thống các tri thức về lĩnh vực chính trị, thể hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của một chính Đảng về quyền lực chính trị hay thể hiện các lợi ích, các quan điểm của giai cấp đối với Nhà nước. Lý luận chính trị là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất công phu, bài bản, có hệ thống, cũng là một bộ phận của tri thức nhân loại và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của một quốc gia.
“Đường hướng của một quốc gia, dân tộc là cực kỳ quan trọng. Nếu đường hướng sai, chúng ta không thể đi lên. Đường hướng đúng có thể giúp cho một quốc gia “đi tắt đón đầu”, tìm ra những hướng đi riêng, có sức cạnh tranh, có lợi thế để phát triển”, PGS.TS Phạm Văn Linh cho hay.
GS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại Hội thảo
Ông khẳng định, không có lý luận chính trị, không có các môn khoa học cơ bản thì đất nước không thể phát triển được vì lý luận chính trị liên quan đến đường hướng của một quốc gia, liên quan đến tổng hợp các tri thức để chọn ra hướng đi của đất nước.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Linh, chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sắp tới có điểm rất hay là đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hệ thống các nội dung bên trong cũng có rất nhiều nội dung mới về vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, con người,... Việc xây dựng đường hướng trên từng lĩnh vực đều có đóng góp rất to lớn của lý luận chính trị.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định, khoa học cơ bản cùng khoa học ứng dụng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của loài người, giúp con người hiểu biết rõ, nhận thức rõ về thế giới đang sống và nắm bắt được các quy luật khoa học của sự phát triển.
Nhìn lại lịch sử, vai trò của khoa học công nghệ được thể hiện qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 khi James Watt phát minh ra đầu máy hơi nước, tạo ra nền sản xuất lớn, làm ra đời chủ nghĩa tư bản thay thế chế độ phong kiến. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai là khi thế giới phát minh ra động cơ đốt trong và ra đời nền sản xuất đại công nghiệp, chủ nghĩa tư bản độc quyền toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba vào đầu thế kỷ thứ 20, khi phát minh ra internet, tạo ra được một thế giới phẳng, toàn cầu hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mà đặc trưng là về sự xuất hiện của AI và cơ sở dữ liệu lớn, dự đoán sẽ làm thay đổi về phương thức sản xuất và các quan hệ xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, khoa học cơ bản giúp cho đất nước xây dựng con người mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và có đóng góp quan trọng trong việc tổng kết, đánh giá Nghị quyết Đại hội XIII và xây dựng Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng, đưa ra các mục tiêu và giải pháp mới. Khoa học cơ bản cũng có vai trò lớn trong việc giải quyết những vấn đề nóng hiện nay như nâng cao năng suất lao động, già hóa dân số, vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân, người lao động.
Thứ trưởng cho rằng một vấn đề rất cần thiết trong thị trường toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” đầy cạnh tranh hiện nay đối với các trường đại học đào tạo khoa học cơ bản là phải đào tạo đội ngũ nhân lực cao - những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng, sánh ngang với các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, sau đó là các nước phát triển như Úc, Nhật Bản và Mỹ. Sinh viên được đào tạo trong nước trước hết phải có mặt bằng chất lượng ngang hàng với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thu hút sinh viên nước ngoài, thu hút nhân lực các nước về học tập, làm việc tại Việt Nam.
Chủ thuyết của một quốc gia đều bắt đầu từ khoa học cơ bản
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận, kỷ nguyên mới nói một cách đơn giản là kỷ nguyên của sự kết nối, tương tác và chia sẻ. Khoa học cơ bản là khoa học nền tảng, tri thức của một quốc gia. Chủ thuyết của một quốc gia hay nền móng của một nền khoa học quốc gia đều bắt đầu từ khoa học cơ bản.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, chúng ta đang ở trong một thời điểm đặc biệt. Chưa bao giờ thời cuộc, thực tiễn lại đặt ra một cách gay gắt về sự đổi mới căn bản tư duy khoa học như hiện nay. Trong các lĩnh vực đang đặt ra những điều rất mới, đòi hỏi phải có lời giải từ khoa học cơ bản.
“Tổng Bí thư đã chỉ đạo chúng ta phải đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”. Vậy phương thức sản xuất số là gì, có nền tảng khoa học ra sao? Hay nói đến việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại trên cơ sở Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số thì quản trị xã hội sắp tới thế nào? Tất cả vấn đề đó đặt ra những câu hỏi rất mới mà các ngành khoa học xã hội nhân văn phải tập trung giải quyết. Những sự thay đổi này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy rất mạnh mẽ”, GS.TS Phùng Hữu Phú cho hay.
Theo ông, cần bàn sâu hơn về vấn đề khoa học cơ bản trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ đó suy nghĩ về nghiên cứu khoa học cơ bản, đào tạo khoa học cơ bản thế nào.
Phải có được học thuyết phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển cho rằng, cần phân biệt giữa “khoa học cơ bản” và “nghiên cứu cơ bản”.
“Khoa học cơ bản khác với khoa học ứng dụng, nghiên cứu cơ bản khác với nghiên cứu ứng dụng. Trong khoa học cơ bản có nghiên cứu ứng dụng, trong khoa học ứng dụng có phần nghiên cứu cơ bản. Khoa học cơ bản là sáng tạo ra tri thức khoa học mới, tức là bỏ tiền vào đầu tư để làm ra tri thức mới, làm nền tảng cho những ngành khoa học khác như toán học, triết học, vật lý, hóa học, ngôn ngữ, lịch sử,... Còn khoa học ứng dụng là bỏ “chất xám” vào để làm ra tiền. Nhưng ngay trong khoa học ứng dụng có phần nghiên cứu cơ bản, như nghiên cứu về công nghệ thông tin thì phần nghiên cứu cơ bản rất nhiều. Nếu không phân biệt được mà nhầm lẫn thì rất nguy hiểm”, ông phân tích.
GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, hiện nay, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đang có xu hướng tích hợp rất chặt chẽ và rất cao. Nhưng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thì không bao giờ tích hợp được và cũng không bao giờ nên tích hợp. Lý do bởi nghiên cứu cơ bản là nghiên cứu phần về lý thuyết, phương pháp, thông tin mới; còn nghiên cứu ứng dụng là để vận dụng, ứng dụng đầu ra của nghiên cứu cơ bản vào trong phát triển kinh tế xã hội và trong cuộc sống của con người.
Ông cho rằng thời điểm hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, CMCN 4.0, nhất là trong bối cảnh cả nước vươn mình để sánh vai với các cường quốc năm châu thì định vị nghiên cứu cơ bản và khoa học cơ bản Việt Nam vẫn đang ở “vùng trũng” trên bản đồ khoa học của thế giới. Chúng ta cũng có những thành tựu tuyệt vời ở tầm nhân loại nhưng không tổng kết “đến nơi đến chốn”, điều này cũng có phần trách nhiệm lớn của những cán bộ công tác ở các đơn vị khoa học cơ bản.
GS.TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh: Thực tế trong cuộc chạy đua của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp mới thì bản chất chỉ có 2 cuộc chạy đua về đổi mới tri thức trong khoa học cơ bản và đổi mới, rút ngắn vòng đời công nghệ. Nếu chúng ta thua thiệt trong 2 cuộc đua này, Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới, mãi mãi đi sau trong khoa học cũng như trong các lĩnh vực khác.
Trước hết phải có được học thuyết phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Nếu chúng ta không có mà cứ đi cóp nhặt từ mô hình này, mô hình kia thì bao giờ mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, hay họ sẽ vẫn vượt lên trước rồi chúng ta đi sau?.
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, khoa học cơ bản không làm ra tiền. Do đó, muốn có được những sinh viên giỏi nhất vào khoa Toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hay có những người giỏi nhất vào ngành Triết học để “canh gác” cho nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải đảm bảo rằng họ sẽ được đào tạo thành nhân tài và được cấp học bổng đủ cao để có thể tập trung vào việc học, trở thành những nhà khoa học đẳng cấp thế giới.
“Bên cạnh đó, nếu trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản chỉ "căng mình" với KPI, ISI/ Scopus rồi những định mức chi tiêu tính trên đầu sinh viên, giảng viên thì không thể có khoa học cơ bản Việt Nam”, GS.TS Phạm Hồng Tung nói.
Nguyễn Liên