Ngoài hệ thống trường công lập tồn tại nhiều năm thì cũng có không ít trường dân lập và trường tư thục được xây dựng mới trong khoảng thời gian sau này. Hai hệ thống trường học này thu hút số lượng lớn học sinh theo học, không hề kém trường công lập.
Trường dân lập và tư thục có giống nhau?
Theo Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 47 Luật Giáo dục 2019, trường dân lập là loại hình trường học do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.
Trong khi đó, trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Có không ít người nhầm lẫn giữa trường dân lập và trường tư thục. (Ảnh minh họa)
Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
Như vậy, trường dân lập là trường do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Trong khi đó, trường tư tư thục là do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Thủ tục chuyển đổi trường dân lập sang tư thục
Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Luật Giáo dục 2019 quy định về nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
Thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo;
Bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học;
Không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.
Cùng với đó, thủ tục chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư 45/2014. Cụ thể, Hội đồng quản trị trường dân lập có trách nhiệm nộp 05 bộ hồ sơ quy định tại Điều 9 của Thông tư này về Bộ GD&ĐT.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ GD&ĐT xem xét đề án chuyển đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi loại hình trường.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận trường tư thục, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập chủ trì cuộc họp những người góp vốn để bầu thành viên đại diện người góp vốn trong Hội đồng quản trị trường tư thục.
Đồng thời, Hiệu trường trường dân lập chủ trì cuộc họp giảng viên cơ hữu của trường dân lập để bầu thành viên đại diện giảng viên cơ hữu trong Hội đồng quản trị trường tư thục. Tổ chức Đảng, đoàn thể của trường dân lập chủ trì bầu thành viên đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể trong Hội đồng quản trị trường tư thục.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường dân lập làm văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị trường tư thục.
Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, kế toán trưởng của trường dân lập bàn giao hồ sơ cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, kế toán trưởng của trường tư thục.
Anh Anh