Trường ĐH chỉ ra những yêu cầu mà thị trường lao động cần ở sinh viên ngành CNTT

Trường ĐH chỉ ra những yêu cầu mà thị trường lao động cần ở sinh viên ngành CNTT
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của công nghệ thông tin được thể hiện rõ ở hầu hết các lĩnh vực, từ y tế, văn hóa, giáo dục,...
Công nghệ thông tin là ngành học sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Ngành học này đang đóng vai trò then chốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đang trở thành một trong những ngành nghề "hot" hiện nay.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu về cải tiến công tác đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho những người theo đuổi ngành này phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, các kỹ năng làm việc để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.
Sinh viên tham gia thị trường lao động quá sớm sẽ dẫn đến lơ là việc học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang có rất nhiều cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghiệp công nghệ trên toàn cầu. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó cũng là thách thức.
“Trong thời gian qua, với sự cởi mở của nền kinh tế, Việt Nam đã có cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghiệp công nghệ trên toàn cầu. Với những lợi thế mà chúng ta có, việc các doanh nghiệp lớn trên thế giới phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam là điều dễ lý giải.
Để có thể được tham gia vào chuỗi công nghiệp công nghệ trên toàn cầu một cách công bằng với những lợi thế của mình, chúng ta phải có sự chuẩn bị về nguồn lực, trong đó, cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Do đó, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị để cho đội ngũ nhân lực của chúng ta có thể đáp ứng được những yêu cầu trong bối cảnh mới”, Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Dương Lê Minh - Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, việc các “ông lớn” về công nghệ đang chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để nghiên cứu khả năng đầu tư dự án mới tại Việt Nam dẫn theo hiệu ứng tích cực về truyền thông, hiệu ứng về công tác đào tạo. Đồng thời, đặt ra những yêu cầu tái cấu trúc về thị trường lao động.
Qua đó, giúp các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học và sinh viên có thể đưa ra những định hướng phát triển sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay.
Tiến sĩ Minh chia sẻ, một trong những thế mạnh của khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là về đội ngũ cán bộ, giảng viên, hầu hết các thầy cô trong khoa đều được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao và có thể nói là có tên tuổi trong từng lĩnh vực hẹp của công nghệ thông tin như: tin sinh học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo,…
“Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các doanh nghiệp với các đề tài nghiên cứu, có nghĩa là không chỉ đơn giản là nghiên cứu thuần túy mà là nghiên cứu ứng dụng. Qua đây, sẽ nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác với các doanh nghiệp về đào tạo. Trong chương trình đào tạo, chúng tôi xây dựng khá nhiều môn mà trong đó, sinh viên sẽ được những chuyên gia ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn.
Với các môn này, sinh viên sẽ được giảng viên cung cấp nội dung lý thuyết, sau đó, với các dự án hay bài tập lớn, doanh nghiệp sẽ trực tiếp “đặt hàng” và cùng với giảng viên nhà trường hướng dẫn các bạn trong suốt quá trình cho đến khi kết thúc môn học.
Theo tôi, với mô hình này, chỉ cần các bạn đầu tư học tập thực sự nghiêm túc, các bạn sẽ có được nhiều thuận lợi”, vị Phó chủ nhiệm khoa phân tích.
Theo Tiến sĩ Dương Lê Minh, sự hợp tác chặt chẽ của nhà trường với các doanh nghiệp không chỉ tạo cho sinh viên cơ hội được tham gia vào các dự án hợp tác của nhà trường mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các bạn.
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã được tiếp cận với những bài toán thực tế thông qua những chuyên gia đến từ các doanh nghiệp được mời giảng dạy, qua đây, sinh viên sẽ hiểu được việc áp dụng những kiến thức vào thực tế. Việc này sẽ giúp sinh viên rút ngắn được thời gian phải làm quen với thực tế công việc sau khi tốt nghiệp.
Thầy Minh nhấn mạnh, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) được xây dựng với những kiến thức chuyên sâu về nền tảng của lĩnh vực mà trong đó, lập trình chỉ là một phần tương đối nhỏ.
Với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ thông tin, để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lao động, chương trình đào tạo của nhà trường thường xuyên được cải tiến để phù hợp, vừa trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng, vừa giúp các bạn được tiếp cận với xu thế phát triển của lĩnh vực.
Tiến sĩ Dương Lê Minh - Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh
Thầy Minh phân tích: “Lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển quá nhanh dẫn đến thực tế là các sinh viên rất dễ bị “FOMO” (tạm dịch là hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ) về việc tham gia thị trường lao động quá sớm.
Việc có trải nghiệm thực tế là điều tốt, nhưng khi coi việc trải nghiệm là chính, học là phụ thì khi đó, sinh viên sẽ bị mất đi khoảng thời gian tích lũy kiến thức đủ chuyên sâu, xao nhãng việc học. Dẫn đến thực tế là sau một thời gian ngắn sau khi đi làm, nhiều sinh viên bắt đầu gặp vướng khi công nghệ và thị trường thay đổi nhanh chóng.
Để hạn chế tình trạng này, nhà trường đã thực hiện một số giải pháp, tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp mang tính hệ thống nhất là hợp tác với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần có nhận thức về vấn đề này. Nếu không có những kỹ sư đủ độ sâu với nền tảng tốt, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo tôi, cần phải hướng nghiệp từ sớm đối với các bạn sinh viên. Trước đây, chúng tôi hướng nghiệp cho các em từ năm thứ ba hoặc tư, nhưng vài năm gần đây, chúng tôi thực hiện việc này từ năm thứ nhất, giúp cho các bạn tiếp cận được những nguồn thông tin chính thống, chắt lọc, hạn chế được suy nghĩ học công nghệ thông tin chỉ ra làm lập trình.
Lập trình chỉ là một phần nhỏ trong cơ hội nghề nghiệp, khi các bạn được nhìn vào bức tranh tổng thể của công nghệ thông tin thì các bạn sẽ vững tâm trong việc học và có kế hoạch phù hợp cho việc trải nghiệm thực tế trong quá trình học đại học. Các bạn hoàn toàn có rất nhiều cơ hội nếu như các bạn có sự đầu tư, trang bị kiến thức và kỹ năng cho mình”.
Cần không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Thúy Nga - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và nâng cao về các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn,....
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị các kiến thức và kỹ năng liên ngành như: GIS, Viễn thám, mô hình hóa dự báo các vấn đề môi trường,...để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng; chuyên viên thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin; chuyên viên khai thác dữ liệu và thông tin ứng dụng cho các doanh nghiệp, ngành nghề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường trong vấn đề phân tích định lượng;....
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: NTCC.
“Ngành Công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, việc tìm kiếm giảng viên có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành Công nghệ thông tin là một trong những thách thức lớn đối với nhà trường”, cô Nga nhận định.
Nữ trưởng khoa nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay tạo ra sự cạnh tranh và thay đổi rất lớn của thị trường lao động, để đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới, sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, thường xuyên theo dõi và cập nhật xu hướng công nghệ. Ngoài ra, sinh viên cần có các kỹ năng mềm như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian,...
“Tôi cho rằng, để đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, sinh viên cần có tinh thần không ngại việc khó, liên tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện khả năng thích ứng, linh hoạt, chịu được áp lực cao.
Bên cạnh đó, các bạn cần có trình độ ngoại ngữ tốt để tham gia các dự án, làm việc trong các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ”, Tiến sĩ Nga chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Dương Thúy Nga, để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin trong thời gian tới, các nhà trường cần thu hút giảng viên có kinh nghiệm thực tế làm việc trong ngành Công nghệ thông tin. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nghiệp vụ cho giảng viên, khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, cần xây dựng các phòng lab chuyên dụng cho từng lĩnh vực của công nghệ thông tin; mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các cuộc thi, hội thảo, workshop để khuyến khích sinh viên sáng tạo; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp.
Nhằm giúp sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu công việc và cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay, Tiến sĩ Dương Lê Minh - Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ngoài những kiến thức chuyên môn của ngành, sinh viên cần trang bị khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, phản biện...
“Ngoài ra, để xác định đúng về mục tiêu, học tập tốt trên giảng đường đại học, ngay từ cấp trung học phổ thông, theo tôi, các em nên được hướng nghiệp từ sớm, cần chủ động hoặc được hỗ trợ nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường lao động và xác định mình phù hợp với lĩnh vực gì.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng nên có những giải pháp hướng nghiệp hiệu quả, sát thực tế, giúp các em đưa ra những định hướng chính xác”, thầy Minh cho biết.
Để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh - Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất cần định hướng sớm cho người học từ bậc phổ thông để các bạn xác định rõ đam mê và khả năng của mình.
Ngoài ra, cần đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo thường xuyên, đảm bảo tính cốt lõi nhưng phù hợp với xu hướng công nghệ. Trong đó, chú trọng đến các yêu cầu chuẩn đầu ra.
Theo thầy Vinh, cần đưa các công nghệ đào tạo mới vào để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa phòng thí nghiệm trong trường và trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và liên tục, cần hỗ trợ phát triển các kỹ năng phần mềm, nâng cao mức độ thích ứng cho sinh viên.
Thúy Quỳnh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/truong-dh-chi-ra-nhung-yeu-cau-ma-thi-truong-lao-dong-can-o-sinh-vien-nganh-cntt-post248185.gd