Công nghệ sinh học một lĩnh vực công nghệ cao, vận dụng các quá trình sinh học kết hợp với thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm ở quy mô công nghiệp để phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế, xã hội.
Với những thành tựu khoa học và công nghệ vượt bậc của nhân loại, Công nghệ sinh học từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, cơ hội việc làm của ngành Công nghệ sinh học rất rộng mở với mức thu nhập cao.
Cần 35.000 lao động chuyên sâu trong ngành Công nghệ sinh học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng khoa Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Cơ hội nghề nghiệp của ngành Công nghệ sinh học đang ngày càng mở rộng và có nhiều tiềm năng nhờ sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thuốc, vắc-xin, liệu pháp gen, và các công nghệ y học cá nhân hóa. Ngành này cũng tham gia vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp phòng chống và điều trị bệnh. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang tăng cao do xu hướng quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Trong nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ sinh học hỗ trợ tạo ra giống cây trồng biến đổi gen, vật nuôi có năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt, đồng thời giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp. Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực đang thúc đẩy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.
Công nghiệp thực phẩm cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng khi Công nghệ sinh học được ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm lên men, hoặc protein thay thế như thịt nhân tạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn nhiều thách thức khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bảo vệ môi trường là một lĩnh vực khác mà Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng, từ xử lý chất thải, cải tạo môi trường, đến phát triển năng lượng sinh học. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang tăng cao cả trong và ngoài nước do các quốc gia ngày càng chú trọng vào phát triển xanh và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cuối cùng, sự kết hợp giữa Công nghệ sinh học và công nghệ số, như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đang mở ra những chân trời mới trong phân tích gen và mô phỏng sinh học. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghệ sinh học mà còn tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hấp dẫn cho những người theo đuổi lĩnh vực này".
Phó giáo sư, Tiến sĩ Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Cùng chia sẻ về chủ đề này, Tiến sĩ Đinh Thị Thủy – Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật – Công nghệ của Trường Đại học Văn Hiến cho hay, từ 2020 đến 2030, lĩnh vực Công nghệ sinh học sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
"Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực trọng điểm được Chính phủ đặc biệt chú trọng đầu tư. Theo Viện chiến lược và Chương trình Giáo dục, đến năm 2025, nước ta sẽ cần ít nhất 35.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.
Nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, đặc biệt Công nghệ sinh học chất lượng cao là rất lớn.
Có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, bao gồm cả các công ty nước ngoài chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân" - cô Thủy cho hay.
Tiến sĩ Đinh Thị Thủy – Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật – Công nghệ của Trường Đại học Văn Hiến. Ảnh: NVCC.
Trường đại học chú trọng hoạt động thực hành và thực tập nghề nghiệp
Theo cô Phương, ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nổi bật với nhiều lợi thế về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và cơ hội nghề nghiệp.
Về chất lượng đào tạo, trường có uy tín học thuật vững mạnh, là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo khoa học cơ bản và ứng dụng, đặc biệt là ngành Công nghệ sinh học.
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học tại trường được xây dựng dựa trên chuẩn quốc tế (đạt kiểm định theo chuẩn AUN-QA năm 2017 và được kiểm định chuẩn ASSIN năm 2024), đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản và cập nhật liên tục ít nhất 2 năm/lần các xu hướng công nghệ mới nhất.
Đội ngũ giảng viên của trường cũng rất chất lượng, với các thầy cô là những nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu, nhiều người từng tu nghiệp tại các quốc gia phát triển.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cung cấp một môi trường học tập và nghiên cứu với cơ sở vật chất hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngành Công nghệ sinh học. Trường sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và ứng dụng. Thư viện của trường cũng rất phong phú với các tài liệu chuyên ngành và tạp chí khoa học quốc tế, giúp sinh viên tiếp cận tri thức mới.
Các cuộc thi chuyên ngành như: Vườn ươm Mendel, Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation, hay tham gia Olympic Sinh học Sinh viên toàn quốc cũng được tổ chức định kỳ. Bên cạnh đó, cộng đồng học thuật mạnh mẽ tại trường tạo cơ hội để sinh viên giao lưu, học hỏi từ những thế hệ đi trước và tham gia các hội nghị khoa học.
Trường còn mang đến nhiều cơ hội vươn xa quốc tế với các chương trình liên kết đào tạo và trao đổi với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Sinh viên có thể tham gia các chương trình học chuyển tiếp và nhận học bổng từ trường hoặc các tổ chức đối tác, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Sinh viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Viện Tế bào gốc. Ảnh: NVCC.
Cũng theo Trưởng khoa Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, hoạt động thực hành và thực tập nghề nghiệp của ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được tổ chức rất bài bản, nhằm giúp sinh viên tiếp cận thực tế, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường lao động.
Sinh viên được thực hành trong các phòng thí nghiệm hiện đại, trang bị đầy đủ thiết bị như hệ thống nuôi cấy tế bào, máy PCR, HPLC, kính hiển vi điện tử và nhiều công cụ phân tích sinh học tiên tiến khác. Các môn học cơ sở và chuyên ngành đều kết hợp phần thực hành, giúp sinh viên áp dụng ngay kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các dự án nghiên cứu nhỏ, giải quyết vấn đề thực tế trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y dược, môi trường và công nghiệp.
Thực tập nghề nghiệp thường diễn ra từ năm 3 hoặc năm 4, với địa điểm đa dạng như các viện nghiên cứu (Viện Pasteur, Viện Sinh học Nhiệt đới), doanh nghiệp (VinBioCare, Sanofi, Bayer) hoặc các tổ chức quốc tế thông qua chương trình hợp tác. Nội dung thực tập bao gồm vận hành thiết bị, thực hiện quy trình sản xuất sinh học, và tham gia vào các dự án nghiên cứu hoặc sản xuất thực tế. Trường cũng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tổ chức hội thảo nghề nghiệp và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án thực tế ngay trong quá trình học.
Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội thực hành tại các nông trại công nghệ cao, học cách ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Trường hỗ trợ sinh viên thông qua giảng viên hướng dẫn tận tình, tài trợ học tập và cơ hội trao đổi quốc tế. Đặc biệt, sinh viên được khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và khởi nghiệp thông qua các cuộc thi ý tưởng và dự án ứng dụng Công nghệ sinh học, giúp họ sẵn sàng cho sự nghiệp trong tương lai.
Trong năm học 2025 - 2026, nội dung chương trình đào tạo của ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi, tuy nhiên sẽ có một số cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Các môn học mới như Công nghệ sinh học thẩm mỹ, Công nghệ sinh học thực phẩm và Công nghệ sinh học số sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy để phản ánh xu hướng phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tăng cường các môn học liên thông bậc cao học, tạo cơ hội cho sinh viên bậc cử nhân có thể tham gia học các môn học bậc cao học theo định hướng và sở thích cá nhân. Đặc biệt, các môn thực tập theo phương pháp dự án (project-based) sẽ được tăng cường để giúp sinh viên có thêm cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng làm việc thực tế và giải quyết các vấn đề chuyên ngành.
Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, trường bổ sung khối tuyển sinh mới:
Khối 1: Toán + Hóa + Sinh (Toán nhân hệ số 2)
Khối 2: Toán + Anh + Sinh (Toán nhân hệ số 2)
Khối 3: Toán + Văn + Anh (Toán nhân hệ số 2 và được cập nhật kiến thức Sinh học trước khi vào chương trình học của Khoa)
Bên cạnh đó, trường có chính sách xét ưu tiên các bạn học sinh chọn môn Sinh học trong chương trình trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu tối đa phương thức xét tuyển có giải quốc gia môn Sinh học.
Còn theo cô Thủy, Trường Đại học Văn Hiến là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, học đi đôi với hành, nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam và linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nội dung giảng dạy được xây dựng theo nhu cầu của xã hội, lấy người học làm trung tâm. Chương trình chuyên ngành cung cấp các kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động thuộc các lĩnh vực của ngành công nghệ sinh học.
Phương pháp đào tạo chú trọng xây dựng kiến thức cơ bản và nền tảng vững chắc; kết hợp trải nghiệm thực tế, thực tập tại doanh nghiệp; đặc biệt các học phần và hoạt động thực hành tạo sản phẩm có tính ứng dụng.
Các chương trình đào tạo của Trường Đại học Văn Hiến nói chung và ngành Công nghệ sinh học nói riêng liên tục cải tiến chương trình theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; tham gia kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế các chương trình đào tạo.
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Văn Hiến tham quan phòng lab của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Khoa Kỹ thuật – Công nghệ cũng chú trọng đến phát triển đội ngũ giảng viên, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường trải nghiệm thực tiễn doanh nghiệp, cơ sở, nông trại,… và thực hành; Tăng cường phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tham quan trải nghiệm thực tế, thực tập và làm việc sau tốt nghiệp; Phát triển câu lạc bộ Kỹ thuật và Công nghệ với những đội nhóm học thuật gắn với từng chuyên ngành, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, các cuộc thi nhằm tạo môi trường để sinh viên phát huy tài năng, tạo cảm hứng trong học tập và trải nghiệm tại trường đại học.
Ngành Công nghệ sinh học được thiết kế để sinh viên học lý thuyết trên lớp, kết hợp với thực hành tại phòng thí nghiệm/thực hành của trường, và học hỏi thực tế xen kẽ các các kỳ để các em có thể tiếp cận dần qua các học phần: Trải nghiệm ngành, nghề tại học kỳ 1; Thực tập cơ sở học kỳ 4 và Thực tập tốt nghiệp học kỳ cuối từ 2 – 3 tháng tại các đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề có liên quan.
"Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học trong năm 2025-2026 đã và đang được cập nhật và cải tiến theo hướng công nghệ sáng tạo mới liên quan đến Công nghệ Kỹ thuật di truyền, công nghệ nuôi cấy tế bào, lên men và sản xuất tái tổ hợp để thúc đẩy quá trình sản xuất sản phẩm sinh học mới hiệu quả và ứng dụng rộng rãi theo sự phát triển thực tế của đời sống xã hội" - cô Thủy cho biết.
Trần Trang