Với chiến lược phát triển bền vững, nhà trường đã đạt được những thành tựu ấn tượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế của mình là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Nhiều bài báo khoa học được công bố
Số lượng công bố bài báo khoa học của toàn trường tổng cộng là 668 bài báo, trong đó có 320 bài quốc tế, 348 bài trong nước. So với năm học trước, số lượng bài báo quốc tế đã tăng 1,48 lần, cho thấy sự nỗ lực đáng kể của đội ngũ giảng viên trong việc hội nhập khoa học toàn cầu. Các bài báo quốc tế chủ yếu được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus, minh chứng cho chất lượng và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu.
Nhà trường đã khen thưởng 246 bài báo khoa học, bao gồm 122 bài ISI-Scopus và 124 bài đăng trên các tạp chí/hội nghị thuộc danh mục Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tổng kinh phí khen thưởng lên tới 5,04 tỷ đồng, đây là sự khích lệ lớn đối với giảng viên trong việc duy trì và phát triển hoạt động nghiên cứu.
Trong năm học này, Khoa Quản trị Kinh doanh dẫn đầu về số lượng bài báo khoa học với tổng cộng 107 bài (60 bài quốc tế và 47 bài trong nước), đạt tỷ lệ 1,91 bài báo/giảng viên. Đây là thành tựu nổi bật, cho thấy sự đóng góp mạnh mẽ của các giảng viên trong việc mở rộng biên giới tri thức trong lĩnh vực kinh tế và quản trị.
Xếp hạng lần lượt vị trí hai và ba là Khoa Công nghệ hóa học và Khoa Tài chính - Kế toán với tỷ lệ bài báo/giảng viên là 1,69 và 1,5. Đây là những khoa có số lượng công bố lớn, đồng thời duy trì sự cân đối giữa các bài báo quốc tế và trong nước.
Đặc biệt, Khoa Công nghệ hóa học với 32 bài quốc tế và 39 bài trong nước đã cho thấy sự bền bỉ và hiệu quả trong nghiên cứu.
Nhìn chung, một số đơn vị như Khoa Ngoại ngữ; Khoa Sinh học và Môi trường thể hiện rõ ưu thế trong công bố bài báo quốc tế, khi tỷ lệ bài báo quốc tế lần lượt chiếm 79% và 66% trên tổng số bài của từng khoa. Điều này cho thấy các khoa không chỉ thành công trong việc hội nhập quốc tế mà còn tận dụng tốt thế mạnh của lĩnh vực nghiên cứu để tiếp cận các diễn đàn khoa học toàn cầu. Sự tập trung này phản ánh rõ tính chất quốc tế hóa của ngành học, đồng thời góp phần nâng cao vị thế nghiên cứu của trường trên bản đồ học thuật quốc tế.
Bên cạnh đó, sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh có 103 bài báo, trong đó có 30 bài quốc tế. Tỷ lệ này tăng gấp 1,75 lần so với năm học trước, minh chứng cho sự trưởng thành trong năng lực nghiên cứu của sinh viên. Khoa Công nghệ Thực phẩm và Khoa Công nghệ Hóa học tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực này với số lượng bài báo ấn tượng. Các bài báo không chỉ khẳng định chất lượng nghiên cứu của sinh viên mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của trường trong cộng đồng học thuật, cả trong và ngoài nước.
Đề tài nghiên cứu khoa học - Sự bứt phá về số lượng và chất lượng
Trong năm học 2023-2024, giảng viên cùng sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tổng 162 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Với tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài của giảng viên đạt hơn 4,39 tỷ đồng, số lượng đề tài tăng 2,1 lần so với năm học 2022-2023. Tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu của sinh viên là 1,285 triệu đồng, tăng 1,45 lần so với năm 2023-2024. Con số này cho thấy không chỉ sự gia tăng về mặt số lượng mà còn phản ánh cam kết mạnh mẽ của Trường trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Ngoài các đề tài cấp trường, đội ngũ giảng viên còn tham gia vào 14 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố và 1 đề tài cấp Bộ, cùng với 2 dự án quốc tế. Các dự án quốc tế không chỉ cung cấp nguồn kinh phí đáng kể (60.000 Euro và 13.000 USD) mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của trường trong cộng đồng khoa học toàn cầu, đều gắn liền với địa chỉ ứng dụng cụ thể, góp phần giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ tại các doanh nghiệp và nhà máy.
Sinh viên nghiên cứu sản xuất nui ăn liền. Ảnh: Website nhà trường
Nghiên cứu kết hợp với thực tiễn
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế của một trường đại học định hướng ứng dụng thông qua các hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ. Với 16 hợp đồng được thực hiện, tổng giá trị đạt 9 tỷ đồng, Trường đã mang lại những kết quả ấn tượng, góp phần kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất.
Khoa Công nghệ Thực phẩm tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu với 7 hợp đồng, tổng giá trị lên tới hơn 7,35 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho năng lực nghiên cứu và ứng dụng của đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực thực phẩm – một thế mạnh truyền thống của Trường.
Các Trung tâm Thí nghiệm Thực hành, Trung tâm Phân tích Quốc tế và Viện Nghiên cứu Chiến lược đã ghi dấu ấn với những thành tựu nổi bật với tổng cộng 4 hợp đồng hoạt động chuyển giao công nghệ và triển khai các dự án mang tính chuyên sâu. Sự tham gia tích cực này không chỉ mở rộng phạm vi ứng dụng của các nghiên cứu mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực kinh tế của nhà trường.
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An làm việc về chuyển giao công nghệ. Ảnh: Website nhà trường
Hoạt động khoa học công nghệ được mở rộng thông qua các hội nghị, hội thảo, hợp tác quốc tế
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực tổ chức các hội nghị và hội thảo khoa học. Nhà trường đã tổ chức thành công hội thảo cấp trường, đồng thời phối hợp với các đối tác uy tín để thực hiện một loạt các sự kiện khoa học quan trọng như:
Hội thảo khoa học An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần 7 năm 2024, phối hợp với Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, mang đến những nghiên cứu tiên tiến và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực thực phẩm và an ninh lương thực.
Hội nghị Quốc tế về Kinh tế (ICE) lần thứ 2 năm 2024, tổ chức vào tháng 6/2024, là một trong những sự kiện học thuật uy tín nhất trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam và khu vực. Hội nghị thu hút nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Trường trong cộng đồng học thuật toàn cầu.
Phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường đã tổ chức Hội thảo về kết nối tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Kết hợp với Đại học RMIT Việt Nam, hội thảo "Chuỗi cung ứng nông nghiệp: Từ thu mua bền vững đến quản lý chất thải" đã tạo diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong quản lý chuỗi cung ứng, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Khách mời cùng ban tổ chức tại hội thảo ICE 2024. Ảnh: Website nhà trường
Thành tích cấp quốc gia và quốc tế của sinh viên
Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi nội bộ, sinh viên Công Thương đã gặt hái nhiều thành công tại các giải thưởng lớn như:
Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2024: 4 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 26: 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024: 2 giải khuyến khích
Đặc biệt trong năm 2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực - Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Next Challenge Foundation (Hàn Quốc) và BambuUP tổ chức cuộc thi Food Innovation and Development 2024 (FID), với mục tiêu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên, học sinh Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm và các ngành liên quan trong chuỗi giá trị ngành thực phẩm. Kết quả, sinh viên Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc tại cuộc thi: 01 giải Đặc biệt, 02 giải Nhất, 03 giải Khuyến khích, 01 giải Sự lựa chọn của doanh nghiệp, 01 giải Top 10, 01 giải Gian hàng thực tế ảo được bình chọn nhiều nhất.
Các đội thi tại buổi chung kết FID 2024.Ảnh: Website nhà trường
Những thành tích này không chỉ mang lại niềm tự hào cho sinh viên mà còn nâng cao uy tín của Nhà trường trong cộng đồng học thuật.
Bên cạnh đó, năm 2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia chương trình phát triển nhân tài số do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Google tổ chức. Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh được vinh danh tại ba hạng mục bao gồm:
Top 10 cơ sở giáo dục đại học có thành tích tốt nhất năm 2024.
Top 10 cán bộ quản lý xuất sắc nhất năm 2024.
Top 10 học viên có thành tích tốt nhất năm 2024.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2023-2024 không chỉ là một dấu ấn trong lịch sử phát triển của nhà trường mà còn là minh chứng cho tiềm năng và sức sáng tạo không giới hạn của thế hệ trẻ. Những thành tựu này chính là bước đệm để sinh viên Công Thương tiếp tục vươn cao, góp phần xây dựng nền khoa học Việt Nam phát triển bền vững.
Thu Trang