Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học Tự nhiên là môn tích hợp nội dung của các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, yêu cầu giáo viên giảng dạy phải có kiến thức tích hợp liên môn.
Trước tình hình đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nghiên cứu, phát triển và xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tại Việt Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên tiên phong triển khai đào tạo cử nhân Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ năm 2019.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở đã tạo ra nhu cầu cao về đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên biệt trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên tốt nghiệp, với khả năng cạnh tranh vượt trội so với giáo viên đơn môn truyền thống trong việc đảm nhận giảng dạy môn học tích hợp.
Để người học có thể tiếp cận hiệu quả kiến thức mà không bị quá tải, thầy Thành cho biết, nhà trường đã thiết kế chương trình đào tạo trên cơ sở tham chiếu các chương trình đào tạo tiên tiến về dạy học tích hợp từ các nước như Hoa Kỳ, Singapore, Phần Lan - những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Đồng thời, chương trình cũng được đối sánh với các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm trong nước và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn AUN-QA cũng như các quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội về thiết kế chương trình đào tạo.
Về cơ cấu, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên được thiết kế với ba khối kiến thức chính: khối kiến thức chung (chiếm 25%), khối kiến thức chuyên môn về Vật lý, Hóa học và Sinh học (chiếm 45%) và khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm (chiếm 30%).
Trong khối kiến thức chuyên môn, mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học được phân bổ đồng đều, giúp sinh viên tích lũy đầy đủ kiến thức nền tảng của từng lĩnh vực mà không bị thiên lệch. Đặc biệt, chương trình có 10 tín chỉ dành cho các học phần tích hợp liên môn, tạo nền tảng cho việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm đặc biệt nhấn mạnh việc rèn luyện khả năng kết nối và tích hợp kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau. Sinh viên được thực hành giảng dạy thông qua mô hình thực tập sư phạm tiên tiến với 3 đợt thực tập tại các trường phổ thông vệ tinh tại Hà Nội.
Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào việc phát triển phương pháp dạy học sáng tạo theo định hướng STEM, cho phép sinh viên thiết kế những bài giảng linh hoạt, giàu tính liên ngành, qua đó khuyến khích và kích thích tư duy khoa học cho học sinh. Các hoạt động thực hành, thí nghiệm được tích hợp xuyên suốt trong quá trình đào tạo, giúp sinh viên có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn giảng dạy một cách hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, tại Trường Đại học Vinh, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên bắt đầu được tuyển sinh và đào tạo từ năm 2024.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Giang - Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh, để xây dựng chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhà trường đã khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực dạy môn Khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở. Trong đó, có các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của giáo viên để đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để làm căn cứ xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Đặc biệt, Trường Đại học Vinh đã áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO trong thiết kế, phát triển các chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Đây là mô hình đào tạo tiên tiến được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của người học đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đánh giá từ tình hình thực tế, thầy Giang cho biết hiện nay, đội ngũ giáo viên đang dạy môn Khoa học tự nhiên đều được đào tạo đơn môn ở bậc đại học (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc song môn ở bậc cao đẳng (Hóa - Sinh, Sinh - Hóa), nên hầu hết không thể dạy được tất cả các chủ đề trong môn Khoa học tự nhiên.
Mặt khác, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học tích hợp. Do đó, có thể thấy rằng nhu cầu của các địa phương đối với giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên đang rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên sẽ rất rộng mở.
Chương trình chào đón Tân sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC
Sinh viên thích thú khi được lĩnh hội kiến thức của cả 3 lĩnh vực
Ở bậc trung học cơ sở, bộ môn tích hợp như môn Khoa học Tự nhiên sẽ giúp học sinh nhận biết bản chất của khoa học là tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên xã hội, từ đó phát triển phẩm chất và năng lực cho người học đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Chí Thành, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên sẽ được học các kiến thức nền tảng của cả ba lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học, nhưng không học riêng lẻ từng môn mà tiếp cận chúng trong các chủ đề tích hợp.
Cụ thể, thay vì học Vật lý cơ bản, Hóa học cơ bản và Sinh học cơ bản như ba môn độc lập, sinh viên sẽ học cách các kiến thức này kết nối với nhau thông qua các vấn đề thực tiễn, như "Cấu trúc và tính chất của vật chất" hay "Hệ sinh thái và năng lượng".
Thứ hai, kiến thức trong chương trình đào tạo ngành học là kiến thức tích hợp và gần gũi với thực tiễn, giúp sinh viên hiểu sâu các kiến thức liên ngành để giải quyết các vấn đề khoa học tự nhiên. Điều này không chỉ giúp người học nắm vững kiến thức cốt lõi mà còn phát triển kỹ năng phân tích và tư duy liên kết – những kỹ năng thiết yếu trong dạy học tích hợp.
Để công tác đào tạo đạt chất lượng cao và thực sự hiệu quả, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, nhà trường còn áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như dạy theo dự án, theo tình huống và dạy học STEM.
“Những phương pháp này không chỉ giúp người học lĩnh hội đa dạng kiến thức mà còn khuyến khích sinh viên khám phá, ứng dụng khoa học vào thực tế”, thầy Thành thông tin.
Tương tự, tại Trường Đại học vinh, sinh viên học ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng được trang bị các khối kiến thức về giáo dục đại cương; kiến thức cốt lõi về Vật lý, Hóa học, Sinh học; kiến thức liên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kiến thức về khoa học giáo dục.
Theo chia sẻ của thầy Lê Đức Giang, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên sẽ được học tập với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề. Thậm chí, có nhiều giảng viên là chủ biên và tham gia biên soạn các chương trình bồi dưỡng, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong chương trình đào tạo ngành học sẽ có chuỗi học phần được tổ chức bằng hình thức dạy học dự án ở cả 8 học kỳ với nhiều hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế tại trường phổ thông và phòng thực hành, thí nghiệm, giúp sinh viên phát triển các năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Qua đó sẽ hình thành và phát triển năng lực CDIO (hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành) trong thực hành nghề nghiệp.
Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều hoạt động hỗ trợ rèn luyện kỹ năng mềm và các năng lực nghề nghiệp khác như Tháng rèn luyện và hội thi nghiệp vụ sư phạm; Thi thiết kế bài giảng E-learning; Hội thi Olympic Hóa học và Olympic Tin học, Ngày hội Sư phạm,…cũng như thiết lập mối quan hệ hợp tác với các Phòng Giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo của nhiều địa phương trong cả nước để hỗ trợ sinh viên trong thực tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning dành cho sinh viên các ngành Sư phạm năm 2024 của Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC
Em Lê Thị Phương Ly - sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Vinh chia sẻ, trước khi lựa chọn ngành học này, em cũng từng lo ngại khối lượng kiến thức học tập quá tải khi tích hợp kiến thức của cả 3 phân môn.
Tuy nhiên, sau khi có cơ hội học tập tại Trường Đại học Vinh, với chương trình đào tạo khoa học và nhờ sự hướng dẫn tận tâm của đội ngũ giảng viên, kết hợp với phương pháp học tập tiên tiến, đa dạng đã giúp em từng bước thích nghi và bắt kịp được kiến thức.
“Chỉ sau kỳ học đầu tiên, em đã được củng cố thêm nhiều kiến thức liên quan đến môn Khoa học tự nhiên. Việc kết hợp hài hòa giữa khối lượng lý thuyết và hoạt động tìm hiểu thực tế trường phổ thông, kết hợp phương thức đào tạo chuẩn CDIO của nhà trường đã giúp ích rất lớn cho người học, giúp sinh viên rèn luyện, phát triển được nhiều kỹ năng như thuyết trình, giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm. Đồng thời bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trong công tác truyền tải kiến thức và giảng dạy.
Đây đều là những yếu tố vô cùng quan trọng để người học có thể đáp ứng công việc ngay sau khi tốt nghiệp”, Phương Ly chia sẻ.
Em Lê Thị Phương Ly - sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC
Thuận lợi và thách thức khi đào tạo ngành mới
Là một ngành học mới được ra đời cùng với sự thay đổi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, so với những ngành học khác trong lĩnh vực sư phạm, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên có sức hút với thí sinh nhờ sự mới mẻ và nhu cầu lớn từ xã hội.
Bên cạnh những lợi thế, thầy Lê Đức Giang cho biết ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng phải đối diện với áp lực trong tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào khi số lượng học sinh phổ thông lựa chọn các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua.
PGS.TS Lê Đức Giang - Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC
Cũng theo chia sẻ của thầy Giang, năm 2024 là năm đầu tiên Trường Đại học Vinh tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Để công tác tuyển sinh được thuận lợi và đạt hiệu quả, nhà trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau, qua các kênh mạng xã hội, báo chí....
Trong thiết kế chương trình đào tạo, nhà trường đã áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến, giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường dạy học tích hợp, trải nghiệm thực tế, thực hành nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để giúp sinh viên có được các phẩm chất và năng lực cần thiết trong quá trình dạy học.
Cùng đánh giá về thách thức, lợi thế của ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên trên cương vị một ngành học mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành cũng cho rằng, với xu hướng giáo dục tích hợp đang phát triển mạnh mẽ, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên có tiềm năng cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực sư phạm.
Tuy nhiên, vì là ngành học mới nên nhận thức và hiểu biết của thí sinh cũng như phụ huynh về ngành học còn khá hạn chế. Trên thực tế, có nhiều thí sinh chưa nắm rõ về mục tiêu đào tạo, cơ hội nghề nghiệp cũng như đặc thù của ngành.
Thách thức thứ hai chính là yêu cầu đầu vào của ngành học khá cao khi đòi hỏi thí sinh phải có nền tảng vững chắc ở cả ba lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học. Điều này khiến nhiều em còn e ngại khi đăng ký xét tuyển vào ngành.
Để khắc phục những thách thức này, thầy Thành cho biết Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về công tác truyền thông tuyển sinh.
Theo đó, trường thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại các trường Trung học phổ thông trọng điểm, xây dựng các video giới thiệu ngành học với sự tham gia của giảng viên và cựu sinh viên, tổ chức các ngày hội, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm trực tiếp môi trường học tập thực tế của ngành.
Mặt khác, nhà trường luôn chú trọng việc cập nhật và điều chỉnh chương trình dựa trên phản hồi từ các bên liên quan, bao gồm sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các trường phổ thông để nắm bắt nhu cầu thực tiễn, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong đào tạo người học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ giảng qua các chương trình bồi dưỡng chuyên môn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ sinh viên thông qua việc xây dựng hệ thống cố vấn học tập chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Tích cực kết nối với các đơn vị tuyển dụng để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời theo dõi và hỗ trợ quá trình phát triển nghề nghiệp của cựu sinh viên sau khi ra trường.
“Với những nỗ lực này, trong những năm gần đây, ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên đã dần khẳng định được vị thế và đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào ngày càng cao.
Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau tốt nghiệp đạt trên 90% đã góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của ngành học đối với thí sinh và phụ huynh. Kết quả này cho thấy các giải pháp của nhà trường đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo của ngành học”, thầy Thành bày tỏ.
Đào Hiền