Trường ĐH đề xuất đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo kết quả đầu ra của SV

Trường ĐH đề xuất đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo kết quả đầu ra của SV
7 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, nhiều trường đại học đã triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục công lập thực hiện quyền tự chủ, đặc biệt là khối giáo dục đại học.
Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nhà trường thực hiện nhiệm vụ được Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh giao. Đồng thời, tham gia các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học và đào tạo theo cơ chế đặt hàng từ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ đề án “phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thành nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường đã từng bước triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Luật Đấu thầu năm 2023.
Việc triển khai được thực hiện trong các lĩnh vực như đào tạo, điển hình là đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 60/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2025, áp dụng từ năm học 2025-2026); nghiên cứu khoa học phục vụ địa phương, vùng và cả nước (với các đề tài về nông nghiệp, môi trường, công nghệ sinh học...); mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất theo hình thức đấu thầu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ trong hoạt động đào tạo của nhà trường vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn riêng áp dụng cho khối giáo dục đại học. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn.
Sinh viên Trường Đại học An Giang trong một buổi học. (Ảnh: website nhà trường)
Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho hay, trường là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện đào tạo sinh viên các ngành theo chỉ tiêu được ủy ban nhân dân tỉnh giao hằng năm.
Đối với đào tạo sinh viên sư phạm, trường được giao nhiệm vụ đào tạo từ năm 2021, tới thời điểm hiện tại, nhà trường đang đào tạo cho ủy ban nhân dân tỉnh 776 sinh viên sư phạm. Đồng thời, trường cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang và Điện Biên đặt hàng đào tạo sinh viên.
Nhà trường cũng đã tham gia một số gói thầu bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương như Yên Bái, Sơn La. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, giá trị các gói thầu nhỏ và thời gian triển khai ngắn.
Khi được giao nhiệm vụ hoặc thực hiện đặt hàng đào tạo đem lại nhiều tác động tích cực cho nhà trường. Trước hết, nhà trường buộc phải nâng cao chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo và dịch vụ đi kèm nhằm đáp ứng đầy đủ, đúng yêu cầu và tiến độ của bên giao nhiệm vụ hoặc bên đặt hàng. Điều này góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo một cách toàn diện.
Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác với các địa phương và đơn vị sử dụng lao động. Trường có thể ký kết hợp đồng đào tạo với các địa phương đang thiếu giáo viên, mở rộng mạng lưới liên kết đào tạo, qua đó nâng cao uy tín, vị thế và tăng nguồn thu ổn định cho nhà trường.
Bên cạnh những điểm tích cực, thực tế việc triển khai vẫn còn một số bất cập. Việc ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho trường đào tạo sinh viên sư phạm hằng năm bao gồm cả sinh viên đến từ các tỉnh khác dẫn đến hao tốn một phần nguồn lực của tỉnh, do phải chi trả kinh phí đào tạo và sinh hoạt phí cho cả những sinh viên không thuộc địa phương.
Ngoài ra, việc thu hồi kinh phí bồi hoàn cũng gặp nhiều khó khăn khi sinh viên bỏ học giữa chừng hoặc sau khi tốt nghiệp không công tác tại các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, tại trường vẫn còn 124 sinh viên tuyển sinh năm 2021 và 2022 chưa được cấp kinh phí đào tạo cũng như sinh hoạt phí theo Nghị định 116. Tổng kinh phí đào tạo cho 124 sinh viên này khoảng 24 tỷ đồng bao gồm cả sinh hoạt phí.
Hiện nay, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu chủ yếu được áp dụng đối với các ngành đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chưa mở rộng sang các ngành nghề khác cũng là một khó khăn cho các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, các trường đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh (trường đại học địa phương) khó cạnh tranh với các trường đại học lớn hoặc thậm chí với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, do hạn chế về nguồn lực, uy tín thương hiệu cũng như đội ngũ giảng viên. Hơn nữa, không phải mọi ngành đào tạo, ở mọi thời điểm, nhà trường đều đủ năng lực tham gia đấu thầu.
Trên thực tế, giá dịch vụ đào tạo đại học hiện nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết. Việc này gây khó khăn trong định lượng cụ thể, dẫn đến thiếu các tiêu chí rõ ràng trong cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài ra, nếu không có chính sách học phí phù hợp và nguồn đặt hàng từ nhà nước, thì ngay cả khi được giao quyền tự chủ tài chính, các trường đại học vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo ổn định tài chính.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho biết, việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, quy định còn bất cập.
Cụ thể, nhiều cán bộ quản lý chưa được tập huấn bài bản về quy trình, thủ tục thực hiện cơ chế này nên còn lúng túng khi tiếp cận. Không ít trường vẫn coi đây là nhiệm vụ hành chính phụ, chưa xem đó là một hướng đi quan trọng để phát triển nguồn thu và nâng cao tính tự chủ.
Bên cạnh đó, giảng viên chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, giảng dạy nghệ thuật nên chưa quan tâm nhiều đến các nội dung liên quan đến tài chính công, cơ chế cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Hơn nữa, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật tại một số đơn vị đào tạo còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nếu muốn mở rộng quy mô đào tạo theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài ra, hiện nay, do sự khác biệt về đơn vị chủ quản, việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công giữa các trường đại học vẫn còn thiếu thống nhất, chưa đảm bảo tính đồng bộ.
Tiến sĩ Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC
Áp dụng tốt cơ chế đặt hàng, đấu thầu sẽ giúp các trường tăng nguồn thu, tự chủ hiệu quả
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Đạt thông tin, Trường Đại học An Giang dự kiến từ năm 2026 sẽ triển khai tự chủ tài chính nhóm 2, tức tự đảm bảo 100% chi thường xuyên. Riêng Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm trực thuộc Trường Đại học An Giang sẽ thực hiện tự chủ ở mức 60% chi thường xuyên.
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường tính chủ động về tài chính, tạo điều kiện để nhà trường phát triển các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương và khu vực. Đồng thời, cơ chế này cũng giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và khả năng cung ứng các dịch vụ giáo dục, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường.
Nhà trường đề xuất cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về cơ chế đặt hàng, đấu thầu và quản lý tài chính trong giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các trường trực thuộc đại học quốc gia. Đồng thời, việc rút gọn thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện để hoạt động đào tạo trở nên linh hoạt hơn, nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, các dịch vụ giáo dục – đào tạo ngắn hạn được phát triển, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tái đầu tư cho nhà trường.
Để việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu trong giáo dục đại học đạt hiệu quả cao, các Bộ, ban, ngành cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn liên ngành áp dụng thống nhất cho các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, cần cho phép các trường ký kết hợp đồng đặt hàng theo kết quả đầu ra, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ tài chính, đấu thầu và đặt hàng cũng là yếu tố quan trọng giúp các cơ sở giáo dục nâng cao năng lực thực hiện hoạt động đấu thầu.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, nếu cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ được thực hiện triệt để, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cơ sở giáo dục đại học. Trước hết, các trường sẽ tăng tính chủ động trong việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính, thay vì phụ thuộc vào ngân sách được cấp phát. Khi đó, các cơ sở giáo dục buộc phải chủ động đăng ký cung ứng dịch vụ, tham gia vào quá trình đặt hàng hoặc đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, nghiên cứu và tư vấn. Chính sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy cải tiến, đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính. Đồng thời, cơ chế đặt hàng, đấu thầu còn giúp các trường tạo nguồn thu ổn định, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình sử dụng kinh phí.
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh, nếu giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở đào ngay lập tức mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các trường có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và hoạt động chung.
Do đó, để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện tự chủ đại học, cần có một lộ trình rõ ràng, kéo dài từ 10 đến 15 năm. Trong giai đoạn này, nhà nước vẫn cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các trường để đào tạo đội ngũ nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tạo nền tảng vững chắc trước khi chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn.
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: website nhà trường
Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Lê Chung đánh giá Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành nhằm đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã tạo ra tác động sâu rộng đến lĩnh vực giáo dục đại học.
Nghị quyết cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các nghị định và thông tư của Chính phủ ngày càng đi sâu, cụ thể hóa các nội dung quản lý trong giáo dục. Đặc biệt, cơ chế phân cấp, phân quyền được thể hiện rõ nét hơn, tạo điều kiện thúc đẩy tự chủ đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tự chủ, cần bảo đảm sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường có ngành đào tạo đặc thù như nghệ thuật, việc áp dụng cơ chế tự chủ cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ phù hợp để phát huy hiệu quả.
Đối với các lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, để cơ chế đặt hàng thực sự phát huy hiệu quả, cần sớm xem xét ban hành thêm các văn bản pháp lý, bao gồm thông tư hoặc hướng dẫn riêng. Những văn bản này phải rõ ràng, đồng bộ nhằm điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể quá trình triển khai tại các cơ sở đào tạo, đảm bảo tính phù hợp và khả thi trong thực tiễn.
Để cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đạt hiệu quả thiết thực, cần bám sát định hướng phát triển theo từng nhóm ngành cũng như chiến lược chung của địa phương. Việc triển khai nên dựa trên thế mạnh và đặc thù nổi bật của từng cơ sở giáo dục, tránh cách làm dàn trải, máy móc.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện cần tăng cường trách nhiệm giải trình, xây dựng cơ chế triển khai linh hoạt, thông thoáng. Các đơn vị chuyên môn, đơn vị tham mưu cũng cần có hướng dẫn cụ thể về sản phẩm đầu ra, các tiêu chí quy đổi phù hợp để đảm bảo việc giao nhiệm vụ và đặt hàng sát với thực tiễn, tránh hình thức.
Hồng Mai
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/truong-dh-de-xuat-dat-hang-giao-nhiem-vu-dao-tao-theo-ket-qua-dau-ra-cua-sv-post250585.gd