ĐH Sư phạm Hà Nội 2 công bố môn thi, dạng câu hỏi kỳ thi riêng năm 2025. (Nguồn: Fanpage nhà trường)
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vừa công bố đề án tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy năm 2025.
Theo đó, trường tổ chức 8 môn thi gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Môn Ngữ văn thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận, các môn còn lại dạng trắc nghiệm. Về thời gian làm bài, môn Ngữ văn và Toán trong 90 phút, các môn còn lại trong 60 phút.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, các câu hỏi gắn với các bối cảnh có ý nghĩa để đo lường các biểu hiện của năng lực được đánh giá. Năng lực được đánh giá nằm trong các năng lực được hình thành và phát triển qua Chương trình phổ thông mới, trọng tâm là các năng lực cần thiết để học tập ở bậc đại học, đặc biệt là các ngành đào tạo giáo viên. Nội dung bám sát chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu thuộc lớp 12.
Các dạng thức câu hỏi trắc nghiệm là: nhiều lựa chọn; đúng - sai; ghép đôi mục hỏi với câu trả lời đúng; trả lời ngắn.
Phân bổ dạng thức câu hỏi theo từng môn thi như sau:
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển này trong tháng 6/2025; địa điểm tại trường và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (nếu cần).
Lệ phí thi là 200 nghìn đồng/môn thi/đợt thi.
Giải thích về việc tổ chức kỳ thi riêng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay, năm 2025 là khóa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (được thiết kế để hình thành 5 phẩm chất và 10 năng lực cho học sinh).
Dù cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD&ĐT ban hành có một số thay đổi so với trước đây, nhưng mục đích chính vẫn là xét tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tăng vọt trong những năm gần đây.
“Thực tế này đòi hỏi nhà trường cần có phương án tuyển sinh phù hợp để tăng chất lượng đầu vào”, nhà trường nêu.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 công bố sử dụng 6 phương thức xét tuyển (tăng thêm 1 phương thức so với năm 2024) gồm:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT;
- Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT;
- Xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ);
- Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
- Xét tuyển sử dụng kết quả kì thi tuyển sinh riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức;
- Các ngành đào tạo sư phạm chuyên biệt như Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Quản lí thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do nhà trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức).
Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tuyển sinh bằng các phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét học bạ; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Sư phạm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; kết quả kỳ thi độc lập của trường.
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường theo kết quả thi tốt nghiệp từ 15,35 đến 28,83 với tổ hợp ba môn, cao nhất là ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn.
Với phương thức xét học bạ, trường có 9 ngành lấy trên 29/30 điểm. Cao nhất vẫn là Sư phạm Ngữ văn - 29,8 điểm, kế đến là Sư phạm Toán học với 29,63.
Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Trong đó, kỳ thi của hai đại học quốc gia và Bách khoa Hà Nội thu hút đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất.
(tổng hợp)
Phi Yến