Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025.
Theo đó, năm nay trường dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo thuộc 9 lĩnh vực, trong đó có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học, Vật lí học (vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Đối tượng và điều kiện dự tuyển đối với tất cả ngành đào tạo là thí sinh tính tới thời điểm xác định trúng tuyển đã tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương. Đồng thời, có kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) tất cả 6 học kì cấp trung học phổ thông đạt loại Khá trở lên.
Về điều kiện dự tuyển (ngưỡng đầu vào) riêng với các ngành sư phạm, kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên, trừ các ngành đặc thù. Kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Đáng chú ý, năm nay, nhà trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực (SPT) do trường tổ chức.
Như vậy, so với năm ngoái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bỏ hai phương thức tuyển sinh, đó là xét bằng học bạ ở bậc trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp điểm học bạ với điểm thi năng khiếu.
Ở phương thức 1 là xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, nhà trường áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo, xét tuyển dựa trên tổng điểm tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp và điểm cộng ưu tiên theo khu vực đối tượng chính sách theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Riêng với các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, thí sinh còn phải tham dự Kỳ thi năng khiếu năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, điểm sàn xét tuyển sẽ được nhà trường công bố sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên.
Đối với phương thức 2 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; phương thức này được áp dụng cho 2 đối tượng.
Đối tượng xét tuyển thẳng 1 gồm thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Khoản 1, Khoản 2 - Điều 8 Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó, đối tượng xét tuyển thẳng 2 (trừ các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật), trường quy định, bên cạnh việc đạt hạnh kiểm loại Tốt tất cả 6 kỳ học và kết quả học lực loại Giỏi 3 năm, thí sinh phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau (thứ tự ưu tiên xếp từ cao xuống thấp).
Một là, thí sinh là học sinh thuộc đội tuyển cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc đội tuyển của trường trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc gia.
Hai là, thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên (hoặc các trường trung học phổ thông thực hành sư phạm trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trung học phổ thông hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương/trường đại học.
Ba là, thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên hoặc các trường trung học phổ thông thực hành sư phạm trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Bốn là, thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông khác đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trung học phổ thông hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương/trường đại học; hoặc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS/TOEFL iBT/TOEIC; DELF/TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (đối với cả ba kĩ năng Word, Excel, PowerPoint); ngày cấp chứng chỉ không quá 02 năm tính đến ngày 19.5.2025.
Ở phương thức 2, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng công bố quy định đối với các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật chi tiết riêng.
Ảnh minh họa: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phương thức 3 là xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng kí xét tuyển theo phương thức 3 cần phải tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức với các môn thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) tương ứng với tổ hợp xét tuyển vào ngành, chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng theo học.
Thí sinh nếu đã dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trước ngày 19/5/2025 thì có thể đăng kí sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo phương thức 3.
Nguyên tắc xét tuyển là điểm xét tuyển được xác định theo tổ hợp xét tuyển phương thức 3 vào từng ngành đào tạo, được quy về thang điểm 30 và tính điểm cộng ưu tiên theo khu vực, đối tượng chính sách theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không có chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển theo phương thức 3.
Nhà trường sẽ thông báo ngưỡng điểm xét tuyển theo phương thức 3 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên.
Các ngành, chương trình đào tạo và dự kiến chỉ tiêu xét tuyển cụ thể như sau:
Về phương thức, điều kiện, tổ hợp xét tuyển theo từng loại ngành, chương trình đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phụ huynh và học sinh xem chi tiết TẠI ĐÂY.
Lưu Diễm