Tham gia ý kiến, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, thống nhất với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về: Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận tại Tổ.
Góp ý cụ thể đối với Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; liên quan đến sự cần thiết đầu tư dự án, đại biểu Đặng Hồng Sỹ khẳng định đây là dự án rất cần thiết nhằm tạo sự phát triển mạnh về kinh tế. Một số quốc gia Châu Á và trên thế giới sớm triển khai dự án đường sắt tốc độ cao tạo sự phát triển toàn diện về mọi mặt. Theo đại biểu, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước đây Quốc hội đã thảo luận nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa được triển khai. Nếu dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Về hình thức đầu tư, đại biểu Đặng Hồng Sỹ thống nhất hình thức đầu tư công. Đại biểu cũng thống nhất có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Riêng tại Bình Thuận được bố trí 2 ga gồm: 1 ga đặt tại xã Hàm Hiệp - huyện Hàm Thuận Bắc và 1 ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, cách trung tâm thị xã Phan Rí Cửa khoảng 5 km. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; do vậy đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề xuất ga Phan Rí ở huyện Bắc Bình nên bố trí ga lưỡng dụng.
Theo đại biểu có 3 lý do, thứ nhất vị trí đặt ga gần với Quốc lộ 28 hiện nay đang nâng cấp mở rộng nối Bình Thuận với Lâm Đồng; rất thuận lợi để vận chuyển hàng hóa lên vùng Tây Nguyên khi có tình huống phục vụ quốc phòng an ninh. Thứ hai, cách ga Phan Rí - huyện Bắc Bình không xa có tuyến đường kết nối với sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, quân sự kết hợp với dân sự. Do vậy, đây là tuyến giao thông kết nối thuận lợi để vừa vận chuyển hành khách vừa có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng an ninh. Thứ ba, hướng ra phía Bắc, tỉnh Bình Thuận có cảng Tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân cách vị trí đặt ga Phan Rí không xa. Sau này nếu phục vụ quốc phòng an ninh, cảng Vĩnh Tân sẽ vận chuyển hàng hóa cho đảo tiền tiêu là đảo Phú Quý - căn cứ hậu cần của Trường Sa. Vì những lý do đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu xem xét bố trí ga Phan Rí - huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, đại biểu Đặng Hồng Sỹ lưu ý vấn đề vốn. Lý giải, đại biểu cho rằng dự án này có vốn rất lớn 67 tỷ USD; tuy nhiên đây chỉ mới khái toán sơ bộ ban đầu, khi có phương án khảo sát thực tế, số vốn sẽ còn tăng lên. Do vậy, để hạn chế tăng vốn, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tính toán kỹ... Mặt khác, theo chủ trương dự án có 70% là đường hầm và cầu, 30% triển khai trên đất. “Tôi đề nghị cần tính toán kỹ 30% dự án triển khai trên đất; nếu thiết kế không kỹ đến mùa mưa bão sẽ gây ngập úng rất lớn. Thực tế ở một số vùng đã bị ngập úng do tính toán không kỹ” - đại biểu Đặng Hồng Sỹ phân tích.
Liên quan đến tiến độ thực hiện 10 năm, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp tổng thể để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là sức dân cùng chung tay nhằm đảm bảo tiến độ đề ra. Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, do vậy, cả hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm lớn thì mới đảm bảo tiến độ đề ra...
THU HÀ