Nhiều học sinh cuối cấp bày tỏ lo lắng khi trường học, thầy cô dừng dạy thêm. Ảnh minh họa: An Khương.
Kết thúc học kỳ 1, nhận thông báo trường và thầy cô sẽ dừng dạy thêm ngay sau Tết, Trần Tùng (học sinh lớp 12 ở ngoại thành Hà Nội) bất ngờ, hoang mang vì chỉ còn vài tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra.
Nam sinh thừa nhận bản thân tự học không tốt, nếu dừng việc học thêm, em e ngại kết quả sẽ kém, không đỗ được nguyện vọng 1.
“Lâu nay, kỳ thi vào cấp 3 hay tốt nghiệp, việc ôn tập của em phụ thuộc rất nhiều vào học thêm”, Tùng nói với Tri Thức - Znews.
Không chỉ Tùng, nhiều học sinh cuối cấp khác cũng như ngồi trên đống lửa, chưa biết xoay xở ra sao khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2, yêu cầu giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường.
Trong khi đó, các trường học trên toàn quốc sẽ không được tổ chức học thêm với học sinh nằm ngoài 3 nhóm đối tượng: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp.
Việc dạy thêm trong trường này sẽ không được thu tiền, vì vậy, nhiều trường học đã có kế hoạch dừng ôn tập cho học sinh cuối cấp.
Không phải học sinh nào cũng tự học tốt
Trần Tùng nhận định các em là khóa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, mọi thứ đều thay đổi, nếu không đi học thêm, cả em và gia đình đều không yên tâm. Vì vậy, từ năm lớp 10, tất cả buổi chiều trong tuần, em đều học thêm ở trường với 4 môn Toán, Văn, Hóa học và Tiếng Anh.
Ngoài ra, nam sinh học thêm bên ngoài với chính thầy cô dạy em trên lớp. Lý do bởi gần nhà, thầy cô nắm được lực học của Tùng nên sát sao hơn. Hơn nữa, ở vùng nông thôn như nhà Tùng cũng không tìm ra trung tâm để học thêm.
Bây giờ, khi cả trường và thầy cô đều thông báo dừng dạy thêm, Tùng và cả gia đình lo lắng, không biết “tự học rồi đi đến đâu”.
Chị Vũ Trang (phụ huynh có con đang học lớp 9 ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng chung nỗi lo. Chị nhìn nhận không phải bạn nào cũng giỏi, cũng xuất sắc và tính tự học tốt, vậy nên các em mới cần đi học thêm để thầy cô đốc thúc, hướng dẫn.
Con trai chị thuộc trường hợp như vậy. Học lực của con chỉ ở mức vừa phải, lại thiếu tự giác, bố mẹ không thúc giục là chểnh mảng. Vì vậy lâu nay, chị vẫn cho con đi học thêm với 5 buổi chiều ở trường. Bắt đầu từ lớp 9, con bổ sung thêm một vài buổi học thêm tại nhà thầy cô (cũng là giáo viên chính khóa) để thi chuyển cấp.
Chỉ 4 tháng nữa, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Lâu nay, đây vẫn được coi là kỳ thi căng thẳng với tỷ lệ chọi lớn, vì vậy, mấy hôm nay, chị không biết xoay xở thế nào nếu một tuần nữa, trường có thể dừng việc ôn tập cho học sinh cuối cấp, còn giáo viên thì đã “giải tán” lớp dạy thêm tại nhà từ trước Tết.
“Không học thêm, con thi sao nổi”, chị Trang cho biết đã nghĩ đến phương án mua khóa học online cho con, nhưng “bố mẹ không ngồi cạnh thì không ăn thua”. Chưa kể, chị cũng không thể nghỉ làm buổi chiều chỉ để ở nhà thúc giục con học bài.
Các trường học đưa ra nhiều phương án để hỗ trợ học sinh cuối cấp. Ảnh minh họa: Thế Bằng.
Nhà trường không “bỏ rơi” học sinh
Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Hà Nam... đồng loạt thông báo dừng hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí. Điều này tác động trực tiếp đến công tác ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT 2025 tại các trường THCS và THPT.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội), cho biết nhà trường mới có phương án tổ chức ôn tập tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 có học lực yếu, có nguy cơ trượt, việc này miễn phí, theo đúng quy định của Thông tư 29.
Với những em còn lại có nhu cầu, nhà trường đang tính toán phương án và chờ hướng dẫn từ cấp trên. Lý do là ngân sách nhà nước đã cấp từ đầu năm, trong đó không có phần để chi trả cho hoạt động dạy thêm.
Nếu không thu học phí của học sinh, nhà trường sẽ khó đảm bảo ngân sách bởi tổng số tiền học phí của hơn 600 học sinh cho 4 tháng ôn tập lên tới 500-600 triệu đồng.
Trước sự lo lắng của học sinh, trong khi chờ hướng dẫn, thầy Lý cho biết nhà trường đã tăng cường hướng dẫn, khuyến khích, động viên các em tự học, tự tìm tài liệu, phổ biến đến các em đề mẫu do Bộ GD&ĐT công bố.
Các thầy cô trong trường cũng lên đề cương ôn tập để gửi cho học sinh và giới thiệu tới các em sách tham khảo để học sinh chủ động mua hoặc photo.
Với những em có mục tiêu cao hơn, muốn xét tuyển vào các trường đại học, ở vùng nông thôn không có trung tâm, thầy Lý khuyên các em có thể tìm thêm tài liệu, khóa học trên mạng để nâng cao kiến thức.
Trần Tùng áp dụng cách trên. Thời điểm này, nam sinh đang cùng mẹ tìm một số khóa học trực tuyến với học phí phải chăng, đồng thời lên kế hoạch và đặt mục tiêu ôn tập cho các tháng tới.
Còn chị Vũ Trang đang đề xuất các thầy cô dạy chính khóa của con mở các lớp học online để hỗ trợ học sinh, hoặc phương án cuối cùng là chấp nhận chi phí cao, mời gia sư về nhà để kèm con 1-1.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành Hà Nội cho biết nhà trường chọn phương án tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp, vì không thể “bỏ rơi” các em khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
“Nhà trường đã chuẩn bị mẫu đơn để học sinh có nhu cầu sẽ đăng ký. Theo quy định, thời lượng ôn tập tăng cường mỗi môn thi sẽ giảm từ 4 tiết xuống 2 tiết/tuần. Vì vậy, nhà trường, thầy cô sẽ điều chỉnh nội dung, hình thức ôn tập”, vị hiệu trưởng cho hay nhà trường cũng thường xuyên hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học và khuyến khích tinh thần tự học ở các em.
Vị này cho biết thêm khi Thông tư 29 được ban hành, nhiều phụ huynh và học sinh của trường đã bày tỏ lo ngại nếu trường dừng hoàn toàn việc ôn tập cho các em cuối cấp.
Nhà trường đã phải cân nhắc nhiều phương án, làm sao để đảm bảo việc học của học sinh, đồng thời đảm bảo đúng quy định và quyền lợi cho giáo viên. Theo thầy, quỹ lương của nhà trường rất lớn, ngân sách nhà nước cấp đầu năm không đủ để chi trả kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm nếu miễn phí toàn bộ.
Do đó, để tổ chức giảng dạy, các thầy cô trên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ học sinh ở giai đoạn nước rút, làm sao để các em đạt kết quả cao nhất. Còn về kinh phí, nhà trường sẽ cố gắng cân đối để đảm bảo chi trả một phần cho thầy cô trong năm nay.
Cùng với đó, trường sẽ tham mưu, đề xuất các chính sách để đảm bảo quyền lợi của các giáo viên trực tiếp tham gia công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp trong những năm tiếp theo.
Ngọc Bích