Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án hình sự tội trốn thuế và vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại Công ty CP Vận tải Hòa Thịnh Phát (Mỏ đá Tân Cang 7, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa). Ảnh: T.Tâm
Quy định này đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý PNTM khi sai phạm.
Bị xử phạt do hành vi vi phạm pháp luật
Thời gian qua, có nhiều cá nhân là chủ các doanh nghiệp (DN) vì điều hành hoạt động kinh doanh với nhiều sai phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.
Đơn cử như ngày 30-12 -2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tiền 800 triệu đồng đối với bị cáo T.Q.C. (45 tuổi, ngụ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) về tội gây ô nhiễm môi trường.
Theo TAND tỉnh Long An, T.Q.C. làm Giám đốc Công ty TNHH A.H.N. (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh). Quá trình hoạt động, công ty mở 2 chi nhánh tại ấp 3, xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Dù biết rõ nguồn vỏ, hạt trái cây là chất thải thuộc chất thải rắn công nghiệp thông thường, phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định pháp luật; không được chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường nhưng C. vẫn chỉ đạo nhân viên đổ, thải trái phép ra khu vực phía sau nhà máy sản xuất phân bón thuộc Chi nhánh Công ty TNHH A.H.N. với số lượng gần 3 ngàn tấn trên diện tích đất gần 3 ngàn m2 gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định T.Q.C. không xử lý mà đổ thải trái phép, thu lợi bất chính số tiền hơn 560 triệu đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai chưa có PNTM nào phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có nhiều đơn vị phải chịu xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc vì vi phạm pháp luật. Điền hình như Công ty TNHH U.J. (Khu công nghiệp Suối Tre, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) đã bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 470 triệu đồng về hành vi vi phạm trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, theo Quyết định số 08/QĐ-XPHC ngày 2-1-2025 của UBND tỉnh, ngày 26-10-2024, đoàn kiểm tra của Công an tỉnh phát hiện Công ty TNHH U.J. chuyển giao, bán chất thải cho Công ty TNHH T.P. Đồng Nai là DN không có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Với hành vi vi phạm nêu trên, Công ty TNHH U.J. đã bị UBND tỉnh xử phạt 470 triệu đồng và buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.
Theo Công ty TNHH U.J., việc bị phạt hành chính là một bài học cho DN, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện và hoàn thiện hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Công ty đã áp dụng các biện pháp khắc phục kịp thời và nghiêm túc; không chỉ tuân thủ pháp luật, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính công ty.
Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, PNTM phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không phải pháp nhân nào cũng tự giác tuân thủ pháp luật. Một số pháp nhân vì lợi ích đã gây ra những hậu quả rất lớn. Để ngăn chặn tình trạng pháp nhân vi phạm pháp luật, Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp như: tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý hành chính và xử lý hình sự…
Theo Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hiện có 33 tội mà PNTM có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (22 tội) như: trốn thuế, vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng, lâm sản…; nhóm tội về môi trường (9 tội) như: gây ô nhiễm môi trường, đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, hủy hoại rừng… và 2 tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là tài trợ khủng bố và rửa tiền.
Cũng theo ông Doãn Cao Sơn, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM cần đủ 4 điều kiện gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phải hội tụ đủ 4 điều kiện này.
Về hình phạt, ông Sơn cũng cho hay, theo Điều 33 và Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 3 hình phạt chính đối với PNTM khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn. Đồng thời, pháp nhân có thể bị tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa, bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc phục hồi lại tình trạng ban đầu và khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật, việc PNTM chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này có nghĩa là trong quá trình xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì trước hết cần làm rõ tình tiết, hành vi phạm tội của cá nhân hoặc pháp nhân. Trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội mà họ đã thực hiện.
Tố Tâm