Đầu tháng 3-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc này được kỳ vọng sẽ mở ra những đổi mới cho các cơ sở GDNN trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều trường trung cấp, cao đẳng năm nay vẫn tiếp tục đối mặt những thách thức đáng kể trong việc tuyển sinh.
Giảm chỉ tiêu cũng không tuyển đủ
ThS Nguyễn Minh Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM, cho biết nhiều yếu tố tác động khiến việc tuyển sinh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM là một trong những cơ sở chủ chốt đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành điện lực ở phía Nam. Tuy nhiên, khi nhà nước thực hiện tinh giản, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, lực lượng lao động nhóm ngành này cũng được sắp xếp gọn hơn, dẫn đến đầu ra của sinh viên gặp nhiều thách thức.
Theo ThS Quang, mặc dù các cơ sở GDNN đã chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa có nhiều sự đổi mới. Bởi lẽ, học sinh THPT vẫn có xu hướng "rớt đại học mới học cao đẳng", các trường nghề chỉ là "phương án B".
"Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường những năm trước là khoảng 800 sinh viên, nếu tuyển được khoảng 550 em thì xem như thuận lợi. Tuy nhiên, năm nay sẽ cam go hơn, tôi chỉ hy vọng đạt khoảng 50% chỉ tiêu" - ThS Quang bày tỏ.
Tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM), khoảng 450 hồ sơ đã đăng ký nhập học chương trình trung cấp, song con số này vẫn còn khá hạn chế so với chỉ tiêu 3.000 học viên. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, nhà trường đã có thể hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của năm học.
TS Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, cho biết dù trường đã tăng cường tuyển sinh bằng nhiều hình thức. Song ở cả hệ trung cấp và cao đẳng, số lượng hồ sơ nộp vào vẫn rất hạn chế, chỉ những ngành "hot" thì tuyển sinh mới tạm ổn.
PGS-TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam (TP Đà Nẵng), thông tin năm học 2024 - 2025, trường tuyển 1.715 sinh viên, đạt 98% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Tổng số học sinh, sinh viên toàn trường lên 3.700 người. Tuy nhiên, đến năm học 2025 - 2026, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, chỉ tiêu cũng "eo hẹp" hơn.
PGS Phương Anh giải thích trước đây, tỉ lệ phân luồng vào GDNN ở tỉnh Quảng Nam (cũ) khoảng 30%. Tuy nhiên, với việc tăng tỉ lệ vào lớp 10 công lập lên 85%, cộng thêm số học sinh nghỉ học thì số lượng học sinh có thể vào trường nghề chỉ khoảng 10%-15%.
Sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM)
"Lấy ngắn nuôi dài"
ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (TP HCM), cho biết dù tuyển sinh khó nhưng nhà trường vẫn tập trung vào những ngành học mũi nhọn như du lịch, khách sạn, nhà hàng, bếp và dịch vụ giải trí. Việc này giúp nhà trường định vị thương hiệu rõ ràng hơn trong bối cảnh cạnh tranh, đồng thời giúp học sinh, phụ huynh dễ dàng ghi nhớ và lựa chọn.
ThS Phương thừa nhận nguồn tuyển sinh từ học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn. Để bù đắp chỉ tiêu, trường phải đa dạng hóa nguồn tuyển.
"Nhà trường có nhiều nguồn tuyển sinh khác nhau, như kết hợp đào tạo với trung tâm GDNN-GDTX, khóa đào tạo ngắn hạn, liên thông… Những chương trình này thu hút đối tượng học viên lớn tuổi, muốn học tập nâng cao tay nghề nhưng vẫn bảo đảm được thời gian đi làm" - ThS Phương cho hay.
Theo ThS Phương, việc "lấy ngắn nuôi dài", tập trung vào các khóa đào tạo ngắn hạn để duy trì hoạt động và bù đắp sự sụt giảm của hệ chính quy đang trở thành chiến lược sống còn của nhiều trường nghề.
Để bù đắp những khó khăn trong tuyển sinh hệ chính quy dài hạn, Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM đang tích cực đẩy mạnh các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại. Đây là những khóa học dưới 3 tháng, nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng công nhân ngành điện đã đi làm.
ThS Hoàng Phan Bá Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Nghệ TP HCM, cho rằng đào tạo nghề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia. Tuy nhiên, GDNN cũng cần cập nhật để bắt kịp xu hướng của giáo dục hiện đại.
Theo ThS Bá Phương, các ngành nghề đang thu hút sinh viên gồm: công nghiệp chip và bán dẫn, tín chỉ carbon, robot, thế giới ảo và công nghệ xúc giác, tự động hóa, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng và phần mềm, công nghệ chăm sóc sức khỏe và các mô hình kinh doanh mới…
Những ngành nghề và việc làm có chiều hướng suy giảm nhiều nhất là nhân viên kế toán, kiểm toán, thư ký, thủ quỹ, thủ kho, hành chính, nhập liệu, bán hàng, ngân hàng, phiên dịch, bảo vệ, thợ máy, công nhân nhà máy, công nhân dây chuyền lắp ráp…
Cần đầu tư trọng điểm
ThS Bá Phương nhấn mạnh để "trụ" được với xu thế hiện nay và thu hút sinh viên, các trường nghề cần được quy hoạch với quy mô lớn và đào tạo đa ngành, đa nghề. Một số trường cần được đầu tư trọng điểm, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực và sự biến đổi liên tục của thị trường lao động.
Bài và ảnh: HUẾ XUÂN