Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát
13 giờ trướcBài gốc
Trở về sau cơn bạo bệnh, tình yêu cuộc sống, con người, yêu quê hương và gia đình dường như dạt dào hơn với Trương Ngọc Ánh. Lướt qua 2 tập thơ anh tặng, tôi hỏi vì sao anh chọn lục bát và viết được nhiều bài thơ lục bát, anh nói một mạch như không dứt được: “Con người ta có 2 điều căn bản: quê hương và gia đình. Quê hương là tổ tiên nguồn cội, là ông bà, mẹ cha, quê hương cho ta cả phần xác và phần hồn. Gia đình là nơi ta trở về. Thơ lục bát không phải tôi chọn mà đến với tôi như tình cha, nghĩa mẹ, như lời của bà, của mẹ bên vành nôi, như máu thịt chảy trong huyết quản của tôi. Đó là ngôn ngữ của quê hương từ khi lập làng cho đến hôm nay, mộc mạc mà thanh tao, có vần điệu, tha thiết, giao cảm”.
Nhà thơ Trương Ngọc Ánh.
“Bóng quê hương” có lẽ là bài thơ lục bát chứa đựng nhiều tâm cảm nhất của anh với những dòng cảm xúc tuôn chảy:
Hương của đất, nắng của trời
Tiếng ru của mẹ đọng lời thiết tha
Mai này ta có là ta
Giữa bao nhân ảnh mùa sa đời thường
Ta nằm dưới bóng quê hương
Tĩnh tâm mà đếm bước đường đã qua
Lòng anh đau đáu nhớ quê, thương quê, vui buồn cùng quê trong nắng trong mưa, trong bốn mùa xuân hạ thu đông...
Mấy chục năm ròng xa quê đi học, rồi vào tận Đồng Tháp dạy học, trở về TP Hà Tĩnh sinh sống, vật lộn mưu sinh, chưa bao giờ tiếng quê thôi đồng vọng trong anh. Cái hạnh phúc được nằm dưới bóng quê hương mà “tĩnh tâm đếm bước đường đã qua” tuy không xa vời nhưng thật khó với nhiều người khi cuộc sống thường nhật ồn ã cuốn đi. Trương Ngọc Ánh đã có trọn vẹn cái hạnh phúc ấy. Tập “Tiếng quê” của anh có đến 66 bài, mở đầu bằng bài “Về quê” và kết thúc là bài “Rằng quê”, trong đó hàng chục bài viết về miền quê biển ngang của anh với một “bến sông rưng rưng nắng gió”, “một giọng người quen thuộc”, “mẹ thùng thình trong tấm áo tơi”, “bàn tay cha mòn vẹt seo cày”... Lòng anh đau đáu nhớ quê, thương quê, vui buồn cùng quê trong nắng trong mưa, trong bốn mùa xuân hạ thu đông:
Tôi thương đồng lúa quê nhà
Đến kỳ trở dạ mưa sa trắng trời
Sóng dồn bông lúa tả tơi
Mong manh phận lúa phận người nổi nênh
(Đồng quê)
Nhập vào hồn cốt làng tôi
Mà nên vóc dáng con người nhà quê
Từ làng tôi bước chân đi
Xa xôi mấy, vẫn tìm về làng xưa
(Làng tôi)
Lòng anh mang nặng ân tình với quê hương, mẹ cha, ông bà tổ tiên. Dẫu bao biến thiên của cuộc sống, bao biến đổi của thời đại, quê hương trong anh vẫn nguyên sơ, trong trẻo và đẹp lung linh như một bức tranh thủy mặc tạc vào không gian, thời gian, cho anh một cảm giác an yên tĩnh tại và thảnh thơi lạ thường, để mà “vô tư hắt bụi thời gian với mình”:
Đò xưa một bóng sào cong
Như vành trăng khuyết giữa dòng chơi vơi
Biết bao biến cải lở bồi
Nét quê xanh giữa hồn tôi dịu dàng
Xòe tay gom chút nắng vàng
Vô tư hắt bụi thời gian với mình
(Xa xứ)
Ơn cha nghĩa mẹ, ơn thầy cô, ơn hạt lúa, củ khoai, con sông, bến đò, lời quê, dáng quê…, quê hương với Trương Ngọc Ánh thiêng liêng và sâu thẳm. “Dòng quê” là danh từ mà lần đầu tôi được biết đến qua cách nói của anh:
Thiêng như tình mẹ nuôi con
Dòng quê máu đỏ như son tìm về
(Rằng quê)
Quê hương trong thơ Trương Ngọc Ánh bên cạnh những hình ảnh đồng lúa, bến đò, dòng sông, dáng hình mẹ cha… còn có dấu ấn của những di tích lịch sử, văn hóa như Nam Giới - Quỳnh Viên, Cồn Sò Thạch Lạc, cửa biển Xích Mộ (Kỳ Nam), bến Giang Đình (Nghi Xuân), chùa Thiên Tượng (Hồng Lĩnh), núi Nài - sông Phủ (TP Hà Tĩnh)… Những bài này phảng phất màu sắc sử thi, vừa man mác vừa hoài cổ lại giao hòa với cảm thức của con người trong hiện tại với ngôn từ rất tự nhiên nên dễ tiệm cận với nhiều người.
Núi Nài - sông Phủ (TP Hà Tĩnh).
Trương Ngọc Ánh từng tâm sự, mẹ anh, như bao phụ nữ nông thôn Việt Nam thời ấy tuy không biết chữ nhưng thuộc nhiều ca dao, đặc biệt là Truyện Kiều. Anh lớn lên từ cơm áo của mẹ cha và những câu lục bát, lời của quê hương tha thiết ân tình. 10 tuổi anh đã thuộc rất nhiều thơ, ca dao, đọc được rất nhiều quyển sách mượn của một người trong xóm. Năm 2015, kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, anh đã gieo những vần thơ lục bát tặng cụ. Giọng thơ, lời thơ phảng phất Truyện Kiều, như lời hậu thế gửi tới đại thi hào của dân tộc:
Chữ tâm treo sáng đã đành
Đoạn trường bao nỗi gập ghềnh phong ba
Thương người vạt lệ nhỏ sa
Thương người rứt ruột như là máu rơi
Hoàng hôn rụng mé Tây rồi
Chiều loang nhân thế ai ngồi buông câu
(Chiều Giang Đình)
Mong rằng nguồn sữa quê hương sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những vần thơ của anh, cho anh sức mạnh để vượt qua bệnh tật, sống với niềm yêu ngập tràn.
Trương Ngọc Ánh sinh ngày 15/9/1958 ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà), nay thuộc TP Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, chuyên ngành Sử (năm 1981). Sau thời gian dạy học ở Tháp Mười (Đồng Tháp), anh chuyển về Hà Tĩnh, công tác ở Bảo tàng Hà Tĩnh rồi chuyển sang làm biên tập viên chương trình văn nghệ của Đài PT&TH Hà Tĩnh (nay là Báo Hà Tĩnh). Năm 2018, anh nghỉ hưu và tiếp tục sáng tác thơ, văn xuôi. Anh đã xuất bản 2 tập thơ “Gió bên sông” (Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh - 2001), “Tiếng quê” (NXB Nghệ An - 2024). Anh từng đạt giải thưởng “Cuộc thi văn thơ Phật giáo hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”; giải nhì Cuộc thi sáng tác thơ Đường luật với chủ đề “Sáng mãi Điện Biên 2024” của Hội thơ Đường luật Việt Nam.
Minh Huệ
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/truong-ngoc-anh-duyen-no-voi-tho-luc-bat-post286634.html