Thời gian qua, với những nỗ lực, đổi mới trong giảng dạy và học tập, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Mở đầu bài học môn Địa lý về “Sự phân hóa thiên nhiên đa dạng” trong chương trình lớp 12, cô Nguyễn Thị Oanh mời các học sinh (HS) thử tài ca hát với ca khúc “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”. Từ đó, cô khéo léo dẫn dắt vào nội dung học thông qua các hình ảnh, bản đồ, video trình chiếu trực quan, sinh động. Cùng với đó, các phần hỏi - đáp, đố vui, thảo luận nhóm... xoay quanh chủ đề bài học tạo cho HS sự chăm chú, hứng khởi, giúp các em dễ hiểu, nhớ lâu hơn so với cách truyền thụ đọc - chép một chiều. Đó cũng là cách cô Oanh thường áp dụng để các bài học Địa lý thêm hấp dẫn. Cô cho biết: “Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có các phần mềm dạy học, giáo viên (GV) có thể khai thác được nhiều tiện ích, HS cũng có thể trực tiếp học và làm bài, xem điểm trên phần mềm. Qua đó, phục vụ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng bài dạy”.
Tiết học của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Theo thầy Lê Biên Hải - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, để đảm bảo dạy học hiệu quả, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, tổ chức cho tất cả GV tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ GD-ĐT tổ chức, đồng thời tạo điều kiện cho GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chú trọng đánh giá năng lực của đội ngũ GV thông qua các hoạt động dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn có chất lượng, đi vào thực chất, khuyến khích GV trao đổi, chia sẻ những phương pháp hay. Chất lượng đầu vào HS của trường còn hạn chế so với các trường khác, do đó, ngay từ khi các em vào học lớp 10, nhà trường đã chú trọng khảo sát, phân loại để tổ chức dạy học phù hợp, xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo cho những HS yếu kém. Với đặc thù riêng, nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và dạy cả buổi tối, có GV trực để kèm cặp, hỗ trợ, hướng dẫn các em. Đối với khối lớp 12, trường tổ chức dạy tăng tiết để các em ôn thi tốt nghiệp. Trường cũng chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp trên cơ sở năng lực của các em, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu của địa phương nhằm giúp các em chọn được ngành học phù hợp.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hiện có 9 lớp, với 256 HS, gồm 2 hệ: Hệ HS dân tộc thiểu số với 191 em (6 lớp), hệ năng khiếu thể dục thể thao với 65 HS (3 lớp). Tổng số cán bộ, GV, nhân viên là 38 người, trong đó 100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn (tỷ lệ trên chuẩn là hơn 26%).
Trong 5 năm qua, nhà trường đã 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Mới đây, nhà trường được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc đột xuất trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập” năm học 2023 - 2024.
Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực
Thời gian qua, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có những chuyển biến đáng kể so với trước. 5 năm gần đây, tỷ lệ HS tốt nghiệp của trường luôn đạt 100% đối với hệ dân tộc thiểu số. Đối với hệ năng khiếu thể dục thể thao, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm từ 70 - 80%, riêng năm học 2023 - 2024 đạt 100%. Chất lượng bồi dưỡng HS giỏi tăng lên khi 2 năm gần đây, nhà trường có 2 giải nhì và 1 giải khuyến khích môn Địa lý trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Riêng năm 2024, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường có 18 HS đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học là 26 điểm, cao hơn hẳn so với những năm trước chỉ có từ 2 - 3 HS. Trường còn giành 1 huy chương đồng môn bóng chuyền và 1 huy chương bạc môn điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh; có 2 HS được Bộ GD-ĐT triệu tập tham gia Đại hội Thể thao HS Đông Nam Á năm 2024 và đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tham gia hoạt động ngoại khóa.
Thầy Lê Biên Hải cho biết, nhà trường được Sở GD-ĐT đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị như: Trang bị mới 1 phòng máy tính, 1 phòng dạy Tiếng Anh, 1 phòng họp trực tuyến, 6 máy tính xách tay để phục vụ dạy và học; nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhà đa năng, khu nội trú, nhà bếp, phòng thí nghiệm - thực hành, nhà kho, các phòng học, phòng hành chính và sân trường... Nhà trường cũng đang tham mưu Sở GD-ĐT đầu tư hệ thống âm thanh và các trang thiết bị phục vụ các hoạt động nội trú và chuyển đổi số theo chủ trương của ngành và UBND tỉnh. Với sự đầu tư đó, thời gian tới, nhà trường phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đầu tư hơn nữa cho giáo dục mũi nhọn, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống để hướng đến giáo dục toàn diện cho HS.
KIM DUNG