Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo nhiều lãnh đạo, thông tư mới sẽ này tạo động lực, rút ngắn thời gian để các trường cải tiến chất lượng một cách liên tục, đáp ứng yêu cầu mới ở mức độ cao hơn.
Tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định) chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Theo điều 2 của thông tư này, trường trung học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, sau ít nhất 01 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn; trường trung học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, sau ít nhất 1 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (trong khi quy định trước đây thời gian này là sau ít nhất 2 năm).
Như vậy, việc giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây khá hợp lý, đảm bảo phù hợp thực tiễn của từng địa phương và nhà trường trong quá trình triển khai kế hoạch cải tiến, duy trì và nâng cao chất lượng.
Đồng thời, quy định này cũng khuyến khích các địa phương và nhà trường đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, tăng tốc thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng một cách hiệu quả hơn.
Cũng theo thầy Hải, việc đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xu thế hội nhập là nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu.
Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục sẽ là thước đo các cơ sở giáo dục cũng như chú trọng tới việc lập các kế hoạch cải tiến, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa. Website Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định)
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, về tiêu chuẩn đánh giá, thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây là hợp lý.
Có thể thấy một trong những điểm thuận lợi như trong các điều kiện về tiêu chuẩn, tiêu chí mà trường đang thiếu 1 hoặc 2 điều kiện thì trong vòng 1 năm trường có thể tập trung cải tiến, đẩy nhanh tiến độ để tiếp tục được đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn.
Vì vậy, điểm mới này sẽ giúp các trường rút ngắn thời gian để sớm đạt được mục đích kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia nhằm khẳng định thương hiệu nhà trường.
Cần có lộ trình, chiến lược phát triển dài hơi
Theo thầy Hải, việc sửa đổi một số điểm trong Thông tư 22 vừa là động lực nhưng cũng vừa là thách thức. Với nhà trường, tiêu chuẩn khó đạt nhất trong kiểm định chất lượng giáo dục là cơ sở vật chất, đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường cần đủ các thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
“Đơn cử như tiêu chuẩn về giáo viên, chuẩn trình độ đào tạo theo quy định thì nhà trường hoàn toàn có thể đạt được hoặc nâng chuẩn được bởi hiện nay hầu hết các thầy cô đều được đào tạo bài bản, có bằng đại học hoặc có trình độ cao hơn.
Vì vậy, những điểm mới trong Thông tư 22 đặt ra yêu cầu cho nhà trường phải không ngừng đổi mới, áp dụng các biện pháp trong cải tiến chất lượng, nâng mức độ đạt chuẩn của trường.
Đồng thời thúc đẩy được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của địa phương cũng như xã hội hóa trong đầu tư cho xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học”, thầy Hải chia sẻ.
Ảnh minh họa. Website Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Cùng bàn về vấn đề này, theo lãnh đạo một trường trung học phổ thông cho hay, về tiêu chuẩn đánh giá, thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây sẽ có cả thuận lợi và thách thức.
Về thuận lợi, điểm mới này sẽ giúp các trường tiết kiệm được thời gian, tập trung đầu tư các nguồn lực cho nhà trường về cơ sở vật chất và con người.
Tuy nhiên, với nhà trường, điểm mới này lại là một thách thức bởi hiện nay việc đầu tư cho cơ sở vật chất tại trường còn chậm và hạn chế, hơn nữa có một số trang thiết bị đã hao mòn theo thời gian, xuống cấp chưa được trang bị bổ sung.
Thời gian qua, ngoài sự quan tâm và đầu tư từ tỉnh, để có thêm nguồn lực, trường cũng đã kêu gọi các nguồn đầu tư khác như xã hội hóa nhưng do còn vướng nhiều thủ tục pháp lý nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất còn chậm và chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, nhiều trường đóng trên địa bàn đông dân cư, quỹ đất hạn hẹp nên không thể mở rộng diện tích hay các trường được thiết kế trước đây không còn phù hợp với quy định gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Vì vậy, nếu trong 1 năm này, với những trường đã có nền tảng tốt, thiếu 1 hay 2 tiêu chuẩn, tiêu chí thì hoàn toàn thuận lợi. Tuy nhiên với những trường có sự đầu tư hạn chế thì trong vòng 1 năm này nếu có kêu gọi được thêm nguồn lực thì e là chưa thể đáp ứng được.
Thời gian tới, để khắc phục điểm yếu về cơ sở vật chất, nhà trường sẽ tích cực hơn trong việc tham mưu với các cấp lãnh đạo. Tiếp đến là sự quan tâm, quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thực hiện tốt việc cải tiến nâng cao chất lượng sau tự đánh giá, đánh giá ngoài để duy trì và phát huy điểm mạnh, dần khắc phục điểm yếu.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định), kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường trung học phổ thông xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định.
Với những điểm mới trong Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT là căn cứ để nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng một cách tích cực. Để làm được điều đó, các trường cần thực hiện hiệu quả công tác tham mưu nhằm thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ phía địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung.
Thời gian tới, nhà trường sẽ có lộ trình, chiến lược phát triển cụ thể rõ ràng cũng như các kế hoạch dài hơi. Đồng thời tập trung tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ, biến hoạt động tự đánh giá thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường để từng cá nhân trong trường học cũng nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả nghiệp vụ chuyên môn.
Còn theo thầy Thanh, dựa trên kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài, nhà trường đã nhận diện rõ các điểm mạnh, điểm yếu. Từ đó xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng. Đồng thời, nhà trường tập trung phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế trong từng tiêu chuẩn, tiêu chí.
Theo đó, mỗi nhà trường cần xây dựng tầm nhìn phát triển và kế hoạch đạt chuẩn kiểm định với chiến lược dài hơn, từ đó xác định lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Thu Trang