Lễ tưởng niệm các ở quần đảo Trường Sa thực hiện trên boong Tàu 571. (Ảnh: Nguyên Nguyên)
Đi biển mùa giông bão, mưa triền miên suốt 4 ngày. Mưa giăng tứ phương tám hướng. Trước - sau, trên - dưới, trái - phải, đâu đâu cũng là nước. Con tàu chúng tôi cứ lầm lũi đi hàng chục giờ vẫn không thoát khỏi cái màn mưa mịt mờ kia. Biển ngày nắng mênh mông thế, bây giờ tầm nhìn như cái ao con. Anh em báo chí nhiều người thấy chút tẻ nhạt, nhưng đối với Hải quân thì quen rồi, chẳng điều gì tác động được vào họ.
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển
Đêm thứ mười lênh đênh giữa trùng khơi, biển trời đã bớt mưa. Mấy ngày liền chưa được lên đảo nên nhàn nhạt khó ngủ, tôi nhớ tập tài liệu mấy ngày trước nhận từ Thượng úy Hoa Ngọc Ánh - Trợ lý chính trị Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Lật giở đến phần giới thiệu về các đảo, có đoạn nhắc nhớ trận chiến bất khuất giữ đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma ngày 14/3/1988. Nhiều người vừa tuổi đôi mươi, quyết chiến đến hơi thở cuối cùng.
Trong trận chiến ấy, những anh hùng đã ngã xuống như: Trung tá Nguyễn Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), Đại úy Vũ Phi Từ - Thuyền trưởng tàu HQ 604, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma… Liệt sĩ Phương đã hiên ngang cuốn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, hô vang cùng đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình đẫm thắm cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Anh hùng Lực lượng Vũ trang - Thiếu tá Vũ Huy Lễ (1946 - 2022), trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã chỉ huy Tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm Cô Lin, biến con tàu thành pháo đài, cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...
Đêm “đại nhạc hội” đón Giao thừa trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Trần Nguyên Phong)
Dẫu đã thuộc nằm lòng về sự kiện bi tráng này, nhưng mỗi khi nhắc nhớ là tôi lại thổn thức khôn nguôi như mới lần đầu. Nhưng đêm ấy đặc biệt hơn, bởi tôi đang ở chính nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa. Tôi thức trắng ngồi boong tàu nhìn vào biển đêm, lòng ngưỡng vọng đến những linh hồn bất tử đã ngã xuống. Nhân duyên trùng hợp lạ kỳ, khi bình minh nắng lên cũng là lúc Tàu 571 đưa Đoàn công tác chúng tôi chạm đến cụm đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.
Phút thiêng liêng trên boong tàu
Sáng ấy, Trưởng đoàn công tác - Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146 lệnh cho tàu thả neo lại chính nơi vùng biển Gạc Ma. Thông báo toàn tàu được phát đi: “Tất cả khẩn trương chuẩn bị! Đúng 8h tiến hành Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...”. Chúng tôi chẳng ai nói với ai, cấp tốc chuẩn bị quần áo chỉnh tề, có mặt trên boong tàu đúng giờ. Ai cũng hiểu, thời khắc thiêng liêng đã đến...
Trên mặt boong cao nhất, Đại tá Đăng nghiêm trang xướng diễn văn: “Kính thưa các anh hùng liệt sĩ, hôm nay Đoàn công tác từ đất liền ra thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa có mặt tại vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nơi cách đây hơn 37 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu, hy sinh anh dũng của Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Các anh ngã xuống cho khí phách sáng ngời, niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân nhân dân anh hùng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm lược run sợ và chùn bước”.
Lính đảo Trường Sa hát mừng Xuân mới. (Ảnh: Nguyên Nguyên)
Phía dưới thân Tàu 571, biển vẫn rì rào, tàu chòng chành theo từng cơn sóng nhưng tất cả mọi người lặng im, nhiều nhà báo nữ nước mắt đã ngân ngấn. Sau phút mặc niệm, chúng tôi cùng lực lượng Hải quân đã thắp những nén hương thơm, vòng hoa kết Quốc kỳ, thả cúc vàng, hạc giấy xuống biển để dâng đến anh linh các anh hùng liệt sĩ với tất cả lòng ngưỡng vọng, tri ân.
Dự Lễ tưởng niệm có lớp cán bộ sĩ quan Hải quân hàng chục tuổi nghề dạn dày sóng gió Trường Sa, nước da sạm đen, mái tóc cứng khô vì gió mặn. Có cả những chiến sĩ lần đầu ra nhận nhiệm vụ. Nhưng tất cả họ đều không thể quên, để có biển đảo chủ quyền của Tổ quốc hôm nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, bảo vệ từng tấc đảo, mét biển đến hơi thở cuối cùng.
Tác giả bài viết và các “nghệ sĩ” trong đêm nghệ thuật mừng năm mới trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Hoàng Tuấn)
Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Đó là máu xương, là ý chí và khát vọng của tổ tiên để trải qua bao thế hệ xác lập chủ quyền hợp pháp vững chắc của quốc gia trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp bước ông cha, Trường Sa hôm nay đã đổi thay tươi mới và hiện đại từng ngày. Với tinh thần cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, nhiều phong trào hành động đã phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp để quân và dân trên quần đảo Trường Sa càng yên lòng hơn, để giữ cho thế trận biển đảo kiên cường, vững chãi.
Tiếng hát nơi đầu sóng
Giữa buổi lễ dâng hương, dâng hoa, có thời khắc sóng gió đã lặng đi, lá Quốc kỳ quốc trên nóc tàu đang phấp phới bỗng rủ xuống như mặc niệm… Tôi ngoái đầu nhìn về khu vực đảo Gạc Ma, nhịp tim như rung mạnh hơn, vọng vang tâm trí lời hát lẫm liệt của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Bão tố dập dồn chăng lưới bủa vây... Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/Một tấc biển cắt rời vạn tấc đất đớn đau... Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông” (Tổ quốc gọi tên mình).
Đi biển ở Trường Sa, nghe hát cũng là một điều rất đặc biệt. Bởi sân khấu đơn sơ, phông nền cũng đơn sơ, loa, micro cũng đơn sơ chỉ để phát âm thanh thuần thôi chứ đâu ra máy điều chỉnh, loa active, sub, monitor... các kiểu như đất liền. Nhưng người lính Trường Sa là thế, cất giọng là hát hết mình, cháy bỏng cả con tim như chính đời binh nghiệp can trường, dũng cảm nơi đầu sóng ngọn gió.
Thiếu nhi đảo Sinh Tồn hát mừng năm mới. (Ảnh: Nguyên Nguyên)
Nhớ đêm thứ sáu của chuyến đi, đang lênh đênh giữa biển khơi, Trưởng Đoàn công tác Đỗ Hải Đăng bất ngờ tổ chức bữa cơm thân mật và buổi văn nghệ “hát cho nhau nghe” để mừng Xuân mới ngay trên Tàu 571. Chúng tôi háo hức lắm, mặc sóng dưới chân tàu dập dồn dữ dội. Vẫn những ca khúc quen thuộc về quê hương, đất nước và tình yêu, từ “Việt Nam ơi!”, “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”... đến “Thì thầm mùa xuân”, “Cơn mưa tình yêu”... nhưng sao nghe giữa tiếng sóng, tiếng gió và cả tiếng ầm ì của máy tàu lại thấy ấm áp, ngọt ngào mà tự hào mênh mang.
Rồi nhớ chương trình Giao lưu văn nghệ quân - dân ở đảo Sinh Tồn, Đón giao thừa và hái hoa dân chủ ở đảo Song Tử Tây, những chiếc loa nhỏ đơn sơ kết nối với chiếc laptop cũ rích, vậy mà những ca khúc “Một vòng Việt Nam”, “Đi để trở về”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Một thoáng quê hương”... lại đặc biệt lạ kỳ qua giọng ca của dàn “nghệ sĩ” cây nhà lá vườn là cán bộ, chiến sĩ và tốp nữ cư dân của đảo. Đơn sơ thế thôi mà tất cả cùng hòa mình đắm đuối trong những lời ca.
Tiếng hát ấy quyện hòa thắm thiết, giọng “nghệ sĩ” chẳng cần quá chuyên nghiệp, cũng không cần chỉnh hay tăng âm mà sao tiếng hát vẫn ngọt, vẫn tình, vẫn hối thúc lòng người khôn nguôi khát vọng. Cảm xúc thăng hoa, tôi ngắt một chùm hoa tím hồng trên đảo, lên sân khấu tặng dàn “nghệ sĩ” thay cho cả tấm lòng thương mến, mọi người trong đoàn nhìn thấy thì nở miệng cười trong khóe mắt rưng rưng...
Sau 37 năm từ sự kiện bi hùng năm ấy, 64 liệt sĩ đã ngã xuống Gạc Ma, thân xác vĩnh viễn hòa mình vào sóng nước Trường Sa nhưng anh linh các liệt sĩ vẫn sống mãi mãi trong lòng mỗi người con nước Việt. Giữa mênh mông biển trời, khúc tráng ca về vòng tròn bất tử mãi ngân vang, hình ảnh ấy là sự tiếp nối mạch nguồn cho Tổ quốc trường tồn.
Trần Nguyên Phong