Nhằm nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ cho toàn cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, Trường Sĩ quan Thông tin vừa xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình tự học tiếng Anh giao tiếp. Được đầu tư công phu, dễ học, có đánh giá kết quả cụ thể, chương trình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tự học tiếng Anh tại nhà trường.
Kết thúc buổi học trên giảng đường, Thượng sĩ Lê Tùng Lâm - học viên Tiểu đoàn 14, Trường Sĩ quan Thông tin tranh thủ luyện tiếng Anh bằng ứng dụng trên nền tảng website do nhà trường xây dựng. Trên màn hình, phần hội thoại "Plan for weekends" đang được phát. Anh Lâm lặp lại lời thoại theo hướng dẫn của trợ lý ảo, nhận đánh giá tức thì về phát âm và ngữ điệu. “Học nhanh, dễ nhớ và tiện lợi là lợi ích khi học tiếng Anh bằng ứng dụng này. Nhà trường xây dựng các video clip hướng dẫn phát âm, học viên xem và thực hành theo nên rất dễ tiếp cận" - anh Lâm chia sẻ.
Giảng viên Khoa Cơ bản của nhà trường giới thiệu chương trình tự học tiếng Anh đến cán bộ của các đơn vị trong toàn quân.
Với chương trình học được xây dựng trên nền tảng website nội bộ của trường, các cán bộ, giảng viên, học viên có thể học bất cứ lúc nào với tài khoản cá nhân, quá trình học tập được lưu lại, có đánh giá cụ thể hiệu quả... Việc học tiếng Anh với mọi người không còn áp lực mà trở nên gần gũi, sinh động và chủ động hơn.
Đại tá, Tiến sĩ Trần Văn Thuận - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Thông tin - đơn vị được giao chủ trì xây dựng ứng dụng cho biết, xuất phát từ yêu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho toàn trường, trung tâm đã thành lập tổ sản xuất học liệu gồm 10 cán bộ chuyên môn, phối hợp với 60 học viên hỗ trợ ghi hình. Từ tháng 1 đến tháng 3, nhóm đã hoàn thành 50 bài giảng giai đoạn 1, tạo hơn 3.000 tài khoản người học. Tất cả video, bài tập đều tuân thủ Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR); tích hợp công nghệ nhận diện giọng nói và AI phản hồi tức thì...
Chương trình học thiết kế dành cho tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói với 50 chủ đề giao tiếp thông thường. Nội dung và số lượng chủ đề được lựa chọn căn cứ vào nhóm đối tượng và độ tuổi; chương trình thiết kế chia thành 5 cấp độ cho các độ tuổi và nhóm người học khác nhau. Giai đoạn 2, chương trình sẽ phát triển lên tiếng Anh giao tiếp công việc, tập trung trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh cần thiết trong công việc với 20 chủ đề. Chương trình thiết kế cho 5 nhóm đối tượng, gồm: Ban giám hiệu; các khoa giáo viên; các cơ quan; đơn vị; học viên, sinh viên. Thông qua ứng dụng này, người học được cung cấp vốn từ vựng, cấu trúc câu cơ bản và dần được nâng cao khả năng giao tiếp trong các ngữ cảnh thực tiễn. Khóa học tập trung vào việc cải thiện kỹ năng nghe và nói, giúp người học có thể tham gia các cuộc hội thoại hằng ngày, thảo luận về các chủ đề quen thuộc. Người học được xếp vào các khóa phù hợp với năng lực, từ mức cơ bản đến trung cấp, có khả năng tương tác linh hoạt trong nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm cuộc sống hằng ngày, công việc và xã hội.
Sau một tháng triển khai chương trình tự học tiếng Anh giao tiếp, nhà trường đã khảo sát ý kiến từ 108 người học, cho thấy mức độ hài lòng chung rất cao, với 95% người học đánh giá tích cực về chương trình. Giao diện học tập được đánh giá thân thiện; nội dung bài học phù hợp. Về chất lượng chương trình, điểm trung bình chung người học dành cho chương trình là 7.8/10; video học tập nhận được đánh giá mức rất tốt từ 97% người học...
Qua đánh giá bước đầu, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin cho biết, ứng dụng tự học tiếng Anh giao tiếp đã tạo môi trường rèn luyện ngoại ngữ linh hoạt, tiết kiệm ngân sách, phát huy vai trò tự học của cán bộ, giảng viên, học viên. Sau thời gian đầu triển khai đại trà, tỷ lệ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ tăng 12%; 100% học viên năm nhất hoàn thành tối thiểu 10 chủ đề cấp 1. Kết quả đó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng lộ trình xây dựng "Nhà trường thông minh".
Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 1 của ứng dụng, trong đó bổ sung chức năng học ngoại tuyến, kho tài liệu đọc mở rộng; cập nhật ngân hàng câu hỏi đánh giá. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai giai đoạn 2, phát triển 20 chủ đề tiếng Anh công việc, sát với tình huống chuyên ngành như viết email, báo cáo, thuyết trình, đàm phán. Cùng với đó, trường sẽ xây dựng phiên bản cộng đồng (app mobile) phục vụ đơn vị quân đội khu vực Nam Trung Bộ và người dân địa phương, góp phần lan tỏa phong trào học ngoại ngữ; tích hợp ứng dụng vào hệ quản lý đào tạo, liên thông dữ liệu kết quả để làm một tiêu chí đánh giá phong trào thi đua “Học tập suốt đời”; từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo bài tập cá thể hóa.
VĨNH THÀNH