Hoạt động trải nghiệm văn hóa tâm linh tại đền Lăng Sương
Năm học 2024 – 2025, là năm học thứ ba cả nước triển khai và hoàn thiện Chương trình GDPT 2018 ở các cấp học. Bên cạnh việc thực hiện mục tiêu chung của chương trình, trường THPT Thanh Thủy chủ trương đẩy mạnh giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương gắn với giáo dục di sản trên địa bàn huyện Thanh Thủy. Căn cứ nội dung Chương trình GDPT: Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT/BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo); tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ được Bộ phê duyệt, trường THPT Thanh Thủy đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh trong hoạt động học.
Trong năm học, giáo viên giảng dạy Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương đã phối hợp hiệu quả trong việc lên kế hoạch chương trình, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, giúp học sinh giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Thực hiện tốt Giáo dục địa phương gắn với giáo dục di sản văn hóa phi vật thể tại đền Lăng Sương (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) – Điểm đến của văn hóa tâm linh.
Đền Lăng Sương nằm trong hệ thống các di tích thờ thánh Tản Viên vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thờ Tản viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thần “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam. Với lòng tôn kính và ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt. Đền Lăng Sương tự hào là mảnh đất đã sinh ra Thánh Tản. Đền Lăng Sương là ngôi đền duy nhất của nước ta thờ cả gia đình nhà đức thánh Tản. Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định số 25/2005/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2005 xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nhà trường ban hành kế hoạch tổ chức giáo dục di sản gắn với tín ngưỡng thờ cúng đền Lăng Sương. Theo kế hoạch, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thực hiện với học sinh khối lớp 11. Hoạt động có nhiều nội dung bổ ích như: thuyết minh song ngữ về lịch sử đền Lăng Sương, đại diện Ban quản lí nhà đền giới thiệu chi tiết về toàn bộ công trình kiến trúc nhà đền, dâng hương, công đức, tham quan vãn cảnh …
Hoạt động góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lối sống uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là dịp thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân quý những giá trị truyền thống, lịch sử để thêm tự hào và yêu mến quê hương mình.
Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước qua hoạt động trải nghiệm, tham quan, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy)
Lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, có quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc; vì vậy những thắng lợi trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của mỗi địa phương góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Đất nước. Chiến thắng Tu Vũ năm 1951 - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: "Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam, Độc lập". Thắng lợi đó là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân Thanh Thủy cũng như người dân đất tổ Vua Hùng. Tại khu di tích Chiến thắng Tu Vũ – niềm tự hào của quân dân Tây Bắc, các em được tham quan, nghe nội dung giới thiệu về Chiến thắng Tu Vũ lịch sử, được sống lại những ngày tháng hào hùng của cha ông trong thời kì kháng chiến chống Pháp, dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Học sinh nhà trường tham gia trải nghiệm tại Tượng đài Tu Vũ
Học sinh trải nghiệm tại Đồi chè Thanh Thủy
Cũng trong hoạt động này, các bạn học sinh được trải nghiệm và học tập mô hình kinh doanh du lịch tại đại bàn huyện Thanh Thủy. Tận dụng ưu thế sẵn có là các đồi chè lâu năm tại địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đã kết hợp với người dân, khai thác du lịch với quy mô nhỏ và vừa: tạo cảnh quan dân dã với các vườn cây để du khách trải nghiệm thu hoạch và chụp ảnh lưu niệm; hệ thống phòng nghỉ tại chỗ cho du khách tham quan và nghỉ ngơi trong ngày
Hoạt động thực sự đã có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; giúp các em được kết nối với cuộc sống, mở ra cho các em những tri thức thực tiễn và mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai.
Giáo dục hội nhập đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục. Trước những cơ hội và thách thức ấy, để không “đánh mất mình” bên cạnh giáo dục tri thức thì giáo dục truyền thống là nội dung cốt yếu, không thể xem nhẹ. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của chương trình GDPT là: giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV