Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ quan tâm đào tạo nghề cho học sinh

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ quan tâm đào tạo nghề cho học sinh
3 giờ trướcBài gốc
Giờ học thực hành của học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ.
Nhà trường được thành lập năm 2009 với chức năng, nhiệm vụ là dạy văn hóa bậc trung học phổ thông và đào tạo nghề trình độ trung cấp cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở và một số chức năng, nhiệm vụ đào tạo cơ bản khác.
Khi tham gia học tập trong nhà trường, các em được tiếp thu những kiến thức cơ bản của giáo dục trung học phổ thông và kỹ năng cơ bản, chuyên sâu của một nghề; các em được rèn luyện tay nghề cao, được giáo dục đạo đức nghề nghiệp, an toàn lao động và tác phong làm việc công nghiệp. Khi tốt nghiệp ra trường, các em độc lập làm việc có hiệu quả và chất lượng.
Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ cho biết: "Những năm qua, tỷ lệ tuyển sinh đầu vào của nhà trường luôn đạt từ 100 đến 125% kế hoạch tỉnh giao; 100% số học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã được các công ty, doanh nghiệp đến tư vấn giới thiệu việc làm và đón các em đi làm việc với mức lương khởi điểm 5 - 7 triệu đồng/tháng. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường đã tạo được lòng tin đối với các công ty, doanh nghiệp, với các em học sinh và sự tin tưởng của xã hội”.
Theo lãnh đạo nhà trường, để đạt được những kết quả này, trong năm qua, Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chú trọng xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết bền vững, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có chất lượng, có phương pháp giảng dạy tốt, phù hợp với người học. Nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện tay nghề cao cho giáo viên với phương châm "có thầy giỏi mới có trò giỏi”.
Đồng thời, nhà trường tập trung, chú trọng việc mua sắm thiết bị hiện đại, vật tư thực hành đầy đủ phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường. Nhà trường cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu khoa học và giảng dạy; hàng năm tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với học sinh và nhà trường để từ đó chọn các nghề đào tạo mà khi ra trường các em có việc làm ngay.
Khi đưa học sinh đi thực tập, nhà trường luôn tìm những công ty, doanh nghiệp lớn có bề dày phát triển bền vững... để khi đến thực tập các em có nhiều cơ hội học tập tốt; thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục luật an toàn giao thông; thuê các chuyên gia về trường dạy, giáo dục kỹ năng sống cho các em.
Cùng với những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, với 100% học sinh tới học tại nhà trường là con, em người dân tộc thiểu số, ở xa trường, có em cách trường 150 km, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, khi đến trường các em mới tốt nghiệp lớp 9 nên nhà trường luôn quan tâm xây dựng môi trường ăn ở, sinh hoạt thuận tiện; quan tâm giáo dục lối sống tốt đẹp cho các em.
Nhà trường luôn thực hiện đúng, đủ, chính xác, kịp thời mọi quyền lợi, chế độ của các em học sinh; luôn lắng nghe và tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn với các em. Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhà trường đã dành quỹ khuyến học để hỗ trợ các em tiền ăn hàng tháng…
Những sự quan tâm, chăm lo của nhà trường tạo thêm điều kiện để các em yên tâm học tập, vừa tiếp thu kiến thức văn hóa vừa có tay nghề vững chắc, tạo tiền đề để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.
Công tác dạy học và đào tạo nghề trong nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo có trình độ, có tay nghề cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong cả nước; góp phần tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước hướng tới làm giàu chính đáng cho đồng bào người dân tộc thiểu số trong khu vực.
Thu Hạnh
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/329747/truong-trung-cap-dan-toc-noi-tru-nghia-lo-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-hoc-sinh-.aspx