Khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn. Ảnh: I.W.
Nhiều bậc cha mẹ không chỉ kỳ vọng sự hoàn hảo ở con cái mà còn đòi hỏi sự hoàn hảo ở chính bản thân. Họ mong muốn mình thật xuất sắc, không có bất kỳ khuyết điểm nào. Nhưng liệu điều đó có thực tế không?
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh Donald Winnicott đã đưa ra thuật ngữ “Người mẹ đủ tốt”. Khi nghe đến hai từ “đủ tốt”, nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng vì không hiểu “đủ tốt” là như thế nào và không biết làm sao để trở thành một người “đủ tốt”.
Trong suy nghĩ của đa số các bậc cha mẹ, “đủ tốt” có nghĩa là đạt được những tiêu chuẩn cơ bản trong mọi khía cạnh và làm cho con cái cảm thấy hài lòng. Vì vậy, họ thường rất cẩn trọng và nỗ lực rất nhiều, lo sợ bị coi là thiếu tư cách hay trách nhiệm. Đặc biệt, những người mới làm cha mẹ lại càng lo lắng hơn.
Sau khi biết về khái niệm “gia đình gốc” và hiểu rằng gia đình gốc có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy thế hệ sau, họ càng sợ rằng mình sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực cho con cái. Do đó, nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu xem xét lại cách nuôi dạy con, và đây là một tín hiệu tích cực cho trẻ. Điều này ít nhất cho thấy ngày càng có nhiều phụ huynh không còn coi mình là “thần thánh” nữa.
Việc biết tự kiểm điểm là điều tốt, và chỉ khi liên tục nhìn nhận lại bản thân, cha mẹ mới có thể giảm thiểu những tổn thương đến con cái. Tuy nhiên, cha mẹ không cần phải quá rụt rè hay lo lắng rằng mọi việc mình làm đều có thể gây hại cho con. Điều này có thể đẩy họ đến một thái cực giáo dục khác. Thực ra, trẻ không mong manh như cha mẹ nghĩ.
Phụ huynh cần trút bỏ gánh nặng của việc cố gắng làm cha mẹ hoàn hảo và không ngừng học hỏi, cùng con cái tìm kiếm sự hòa hợp. Khi không còn ép buộc bản thân, họ cũng sẽ bớt áp đặt những tiêu chuẩn cao hay khắt khe, và không chỉ trích con quá mức.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ đặt ra những yêu cầu khắt khe với con vì quá chú trọng đến cái nhìn của người khác. Trong thâm tâm họ, thành tích của con không chỉ phản ánh năng lực của trẻ mà còn ảnh hưởng đến thể diện của chính mình. Ví dụ, khi con đạt hạng nhất trong một kỳ thi, cha mẹ sẽ rất tự hào khoe với người thân, bạn bè.
Nhưng nếu con không đạt điểm cao, họ thường né tránh đề cập đến kết quả trước mặt người khác. Điều này thể hiện cha mẹ là người ham hư vinh, coi trọng thể diện của mình hơn bất cứ điều gì khác. Từ đó, ta thấy rằng cha mẹ không cần phải trở thành “hoàn hảo” trước mặt con cái, cũng không cần đóng vai một ông bố hay bà mẹ hoàn hảo trước mặt người khác.
Trong những năm gần đây, sự phổ biến của mạng xã hội đã khiến nhiều bậc cha mẹ ngày càng chú trọng đến thành công hơn. Mạng xã hội trở thành nơi phụ huynh có thể dễ dàng khoe khoang về thành tích giáo dục con cái, đồng thời cũng là nơi người khác chứng kiến sự thành công của họ mọi lúc, mọi nơi.
Chính vì điều này, nhiều cha mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để khai thác tối đa tiềm năng của con, hy vọng con mình có thể đạt được kết quả như một thiên tài thực thụ. Bằng cách này, họ cảm thấy đã chứng minh được sự thành công trong việc nuôi dạy con cái, thỏa mãn thói ham hư vinh của bản thân.
Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí