Con số “khủng” về hàng lậu, hàng giả 5 tháng đầu năm
Thống kê từ lực lượng quản lý thị trường cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm; trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế.
Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng. Khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng. Riêng các vụ việc liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ lên tới hơn 1.100 vụ, tập trung ở nhóm hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm...
Điển hình là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn, lên tới 100 tấn. Cụ thể, ngày 16-5 Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc. Các đối tượng khai đã thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở công ty trong vụ việc trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả
Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm thu giữ được 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, hơn 28.500 hộp thực phẩm chức năng, hơn 34.800 lọ thực phẩm chức năng, hơn 38.900 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng, hơn 8.500 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả. Số lượng trên tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau). Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.
Cũng trong tháng 4, một vụ việc gây xôn xao dư luận cả nước đó là vụ sữa giả. Liên quan đến vụ 573 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng, ngày 22/4, đại diện Bộ Công an cho biết, đến nay, Cơ quan điều tra đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả; đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.
Trước đó, ngày 10/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt 8 đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (đều có trụ sở tại Hà Nội), thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa. Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra.
Trong lĩnh vực hàng lậu, mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Chi cục trưởng Hải quan cảng 2 (Hải Phòng) Nguyễn Thị Thu Hiền cùng các cán bộ dưới quyền trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ, đưa hối lộ và buôn lậu. Theo cáo trạng, từ tháng 12/2020 đến khi bị phát hiện, nhóm cán bộ Hải quan này đã nhận tiền và bảo kê cho Công ty Tài Lộc thông quan 13.376 container hàng buôn lậu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng, thu lợi bất chính 210 tỷ đồng.
Đây chỉ là những vụ việc nổi cộm trong số hàng chục ngàn vụ việc mà lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trong 5 tháng đầu năm 2025. Cũng như nhiều quốc gia khác, sản xuất, kinh doanh hàng giả, buôn lậu là căn bệnh trầm kha với hậu quả, tác hại to lớn, làm suy yếu các ngành công nghiệp, sản xuất; giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước “gặm nhấm” niềm tin của người dân vào pháp luật.
Sự quyết liệt từ Chính phủ
Trong cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng nhiệm vụ diễn ra hôm 14/5 vừa qua do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các vụ án về hàng giả, buôn lậu phát hiện thời gian gần đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng và thẳng thắn cho rằng do có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đã nêu vấn đề: Các cơ quan, địa phương liên quan đã buông lỏng công tác quản lý thời gian qua. Vậy trách nhiệm thuộc về ai và cần phải có người chịu trách nhiệm việc này? Thủ tướng nói rõ ràng: chúng ta đã buông lỏng quản lý, do đó phải tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, phải có tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm...
Kịp thời ngăn chặn các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm này trên toàn quốc từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Tiếp đó, ngày 17/5/2025, Chỉ thị số 13/CT-TTg được ban hành, nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Đáng lưu ý, Thủ tướng Chính phủ không chỉ yêu cầu xử lý mạnh tay mà còn đích thân phát động phong trào thi đua toàn quốc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng bộ, ngành. Cùng đó, Tổ công tác được thành lập theo Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là cơ quan thường trực của Tổ công tác sẽ xuống tận nơi, đôn đốc và xử lý trách nhiệm nếu địa phương để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý trong cuộc chiến phòng, chống hàng giả.
Đến các Bộ ban ngành và địa phương
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, với mục tiêu triển khai hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Cục đã ban Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17/5/2025 về cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trọng tâm của Kế hoạch số 01/KH-TTTN là bám sát diễn biến thị trường, chủ động rà soát các mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Đặc biệt, các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Ngày 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu vi phạm tại những tuyến phố du lịch trong trung tâm thành phố
Kết quả kiểm tra, lực lượng đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm gồm túi xách, ví, quần áo, phụ kiện, giày dép mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Gucci, Christian Dior, Celine, Prada, Louis Vuitton… và rất nhiều các hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.
Ông Trần Việt Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước) cho biết, đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu đang được triển khai và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới trên địa bàn cả nước, đặc biệt các khu đô thị lớn, địa bàn trọng điểm.
Đối với địa phương, ông Đặng Văn Ngọc - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Quản lý thị trường Lạng Sơn đã tổ chức 3 hội nghị, ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Ngọc thông tin: Tính riêng từ 25/4 đến 22/5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với 262 cơ sở kinh doanh trên địa bàn; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 117 vụ, xử lý vi phạm hành chính trên 700 triệu đồng.
Tại Ninh Bình, lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình đã ra quân, kiểm tra, giám sát chặt hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Thế Anh - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình cho biết, cùng với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng đã tổ chức tuyên truyền ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng lậu với các tiểu thương, hộ kinh doanh. Cùng đó, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong quản lý.
Lê Minh